Vắc xin là giải pháp 'căn cơ lâu dài'

09:44 | 14/06/2021

771 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tiêm phòng vắc xin Covid-19 là một biện pháp quan trọng giúp ngăn chặn đại dịch. Vắc xin giúp cho hệ thống miễn dịch sẵn sàng chống lại virus nếu bị phơi nhiễm. Việc kết hợp tiêm phòng và làm theo các khuyến nghị của nhân viên y tế sẽ mang lại cho chúng ta sự bảo vệ tốt nhất khỏi Covid-19.
Vắc xin Covid-19 - “vũ khí” xoay chuyển tình thếVắc xin Covid-19 - “vũ khí” xoay chuyển tình thế
Vắc xin Covid-19 có thực sự là giải pháp chống dịch hiệu quả?Vắc xin Covid-19 có thực sự là giải pháp chống dịch hiệu quả?
Vì sao tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2?Vì sao tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2?
Phòng chống Covid-19: Chiến lược vắc-xin đóng vai trò quyết địnhPhòng chống Covid-19: Chiến lược vắc-xin đóng vai trò quyết định
Nên tiêm vắc-xin Covid -19 ngay khi có thểNên tiêm vắc-xin Covid -19 ngay khi có thể
Vắc xin là giải pháp 'căn cơ lâu dài'
Vắc xin phòng Covid-19 (Ảnh minh họa)

Bước sang năm thứ hai đương đầu với đại dịch, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Chúng ta đã sử dụng hàng loạt các biện pháp nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của virus, như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người đối diện... Chúng ta cũng đã sử dụng mọi các biện pháp xã hội có chủ đích, như các lệnh cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội… Tất cả đều là những biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây truyền, mặc dù các giải pháp này có nhiều tác động lớn về kinh tế và xã hội.

Song, những biện pháp này vẫn chưa đủ để ngăn chặn đại dịch.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Theo WHO, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đặc biệt là với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới, đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất.

Nếu tiêm với số lượng đủ lớn, số lượng người có miễn dịch với virus đủ nhiều (miễn dịch cộng đồng), thì khi có ca bệnh thật sự xâm nhập, những người đã tiêm vắc xin gần như không bị nhiễm bệnh, còn những người bị bệnh sẽ khỏi nhanh, giúp làm giảm khả năng lây bệnh của virus. Quan trọng hơn, khi số người đã được tiêm vắc xin trong cộng đồng lớn khiến "khoảng cách" giữa người chưa tiêm vắc xin và nguồn lây được giãn rộng ra, làm cho khả năng lây lan của virus xuống rất thấp. Một số người không may mắn bị bệnh và bị nặng sẽ rất ít, và được chăm sóc y tế tốt hơn, khối điều trị cũng không còn bị quá tải.

Tuy nhiên, khi nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, nhiều người hào hứng ủng hộ, nhưng một số người vẫn chưa tin tưởng vào độ an toàn của vắc-xin. Cũng không ít người được tiêm tỏ ra lo lắng, đặc biệt trước thông tin một số trường hợp bị tác dụng phụ sau tiêm, bao gồm hội chứng giảm tiểu cầu, hình thành huyết khối.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Trước những lo ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, phản ứng sau khi tiêm vắc xin là có. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Y tế khẳng định, vấn đề này đã được tiên liệu và các địa phương đã được tập huấn quy trình an toàn trước khi tiêm. Mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có những phản ứng thông thường và không mong muốn. Song, những phản ứng thông thường này sẽ nhanh chóng kết thúc và tỷ lệ này khá cao.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19. Những điểm tiêm vắc xin đều có thuốc điều trị, các bác sĩ đã được tập huấn phương án xử lý. Với dự kiến sẽ tiêm chủng cho hàng triệu người trong một thời gian ngắn, Bộ Y tế cho rằng việc ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng hoàn toàn trong khả năng của ngành y tế, bởi Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trong hàng chục năm qua.

Trên thực tế, sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào, phần lớn đều bị một số tác dụng phụ. Đau nhức, mệt mỏi, sốt… đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang xây dựng lớp bảo vệ. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của con người, nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày. Tiêm phòng Covid-19 sẽ giúp bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra phản ứng kháng thể (hệ thống miễn dịch). Cả miễn dịch tự nhiên và miễn dịch được tạo ra bởi vắc xin đều là những phần quan trọng trong dự phòng lây nhiễm virus của bệnh Covid-19 mà các chuyên gia trên khắp thế giới đang cố gắng tìm hiểu thêm.

khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho sinh viên
Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho sinh viên ngành y hỗ trợ chống dịch tại TP HCM.

Tính đến đầu tháng 1/2021, có 63 ứng viên vắc xin chống lại SARS-CoV-2 đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng và 172 ứng viên trong giai đoạn phát triển tiền lâm sàng. Có thể nói, phát triển vắc xin bảo vệ con người khỏi bị nhiễm SARS-CoV-2 đang đang mở đầu cho một tương lai mới của khoa học vắc xin. Do đó, vấn đề miễn dịch cộng đồng chỉ còn là thời gian và tốc độ tiêm. Đây chính là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Đồng thời cũng chính là lý do mà các quốc gia cạnh tranh nhau để mua vắc xin về tiêm cho người dân, đến mức WHO phải lập ra liên minh Covax để phân phối, đảm bảo cho những nước có nguồn lực hạn chế vẫn có thể nhận được vắc xin. Vắc xin trở thành trọng tâm, trụ cột để chủ động tạo ra miễn dịch cộng đồng, giúp các nước an toàn trước Covid-19.

Việt Nam đến nay vẫn luôn theo sát các thông báo từ WHO hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền trong việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm vắc xin. Trong kế hoạch tổng thể mà Bộ Y tế đã ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vắc xin, các cơ quan chức năng cũng đã lên kế hoạch tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết và đồng hành với ngành y tế.

Chúng ta đã rất cố gắng để sớm có vắc xin ngừa Covid-19, nhưng không có đầy đủ ngay một lúc nên phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam sẽ tiến tới hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả người dân.

Sau hơn hai năm với nhiều lần đóng cửa kinh tế, hủy bỏ sự kiện, trì hoãn công việc vì đại dịch Covid-19, tất cả chúng ta đều đang trông chờ một cuộc sống bình thường mới, để có thể trở lại làm việc, học tập, giao lưu, vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động xã hội khác. Mặc dù không ai biết được khi nào đại dịch sẽ kết thúc, nhưng chắc chắn mỗi người đều sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu được tiêm vắc xin, và càng nhiều người được tiêm vắc xin thì chúng ta sẽ càng nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường sớm hơn.

Vắc xin Covid-19 không thể tự làm đại dịch biến mất, chúng chỉ có hiệu quả khi được cộng đồng chấp nhận. Nếu chúng ta vì lo sợ mà chờ đợi quá lâu sẽ tạo điều kiện cho virus corona tiếp tục lây lan với các biến thể mới. Lúc đó, Covid-19 có khả năng sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, hãy tiêm vắc xin càng sớm càng tốt ngay khi có cơ hội. Và cho dù đã được tiêm phòng, hãy tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn và giữ khoảng cách với người khác cho đến khi đại dịch thật sự kết thúc.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ” .

Trúc Lâm