Vắc xin Covid-19 có thực sự là giải pháp chống dịch hiệu quả?

21:52 | 13/06/2021

862 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trưa nay (13/6), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM ghi nhận 53 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó 52 ca không xuất hiện triệu chứng và các nhân viên này đều đã tiêm phòng Covid-19. Một lần nữa, tính hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh của việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 được đặt ra.
Vắc xin Covid-19 có thực sự là giải pháp chống dịch hiệu quả?

Tại sao đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn nhiễm bệnh?

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19 của Anh. Có khoảng 900 người, là nhân viên các khoa, phòng, ban của bệnh viện được tiêm và đến nay tất cả đều đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin. Đợt 1 tiêm từ ngày 8/3 và đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 4/2021.

Tuy vậy, trưa nay (13/6), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM ghi nhận 53 ca dương tính SARS-CoV-2 là các nhân viên thuộc phòng ban khối hậu cần của bệnh viện như toàn bộ nhân viên phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và nhân viên các phòng chức năng khác như kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhân viên này đã tiêm phòng vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19 vẫn bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh?

Trả lời câu hỏi này, tại buổi làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: Việc chích đủ liều vắc xin, kể cả sau hai mũi thì hiệu giá chỉ mang ý nghĩa khi chúng ta nhiễm bệnh thì bệnh sẽ nhẹ hơn và không bị trở nặng. Thứ trưởng cũng cho biết việc bảo vệ hoàn toàn chống lại virus chưa được nghiên cứu, vì thế Bộ khuyến cáo người dân khi được tiêm đủ 2 mũi vẫn cần đảm bảo thực hiện 5K trên tất cả công việc và hoạt động để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng.

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cũng cho biết, trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp vẫn mắc Covid-19 sau tiêm vắc xin. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo, người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, tránh nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Việc thực hiện 5K trong phòng chống dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng.

Trước đó, lý giải về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, vắc xin Covid-19 là vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Cũng theo TS Trần Đắc Phu, hiện nay, chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh. Bên cạnh đó, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế có những loại vắc xin hiệu lực bảo vệ 90% nhưng có vắc xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Trong khi đó, theo TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tiêm đủ liều vắc xin (2 mũi), tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (mỗi loại vắc xin có quy định cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus.

Và những người được tiêm vắc xin Covid-19 đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc Covid-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Tiêm phòng vắc-xin có phải là giải pháp chống dịch hiệu quả?

Ngay khi cảnh báo thế giới sẽ phải tiếp tục đương đầu với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan đã nhấn mạnh các quốc gia không nên quá kỳ vọng rằng vắc xin sẽ thay thế mọi biện pháp khác để chặn đứng đại dịch mà lơ là cảnh giác. Vắc xin không phải là tất cả mà cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu.

Theo TS Takeshi Kasai, Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cũng cho biết không một loại vắc xin nào đạt được hiệu quả 100%. Do đó, thậm chí khi vắc xin đã được tiêm chủng đại trà thì chúng ta vẫn phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác nhằm ngăn chặn sự lây truyền Covid-19.:

TS nhấn mạnh: “Với mỗi vắc xin thôi là chưa đủ để kết thúc đại dịch nhưng đây là công cụ bổ sung vô cùng quan trọng nhằm tăng cường khả năng đáp ứng của chúng ta đối với Covid-19 khi phối hợp cùng các biện pháp hiệu quả khác”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người được tiêm vắc xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm bệnh mà không có triệu chứng (hay còn gọi là lây nhiễm không triệu chứng) cũng như ít có khả năng lây lan virus Covid-19 cho những người khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu thêm vẫn tiếp tục được thực hiện.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhận định Việt Nam cần chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Lý giải ở góc độ chuyên môn, chúng ta có thể hiểu miễn dịch cộng đồng (Community immunity/herd immunity) là một hình thức bảo vệ gián tiếp cộng đồng trước bệnh truyền nhiễm khi có một tỷ lệ lớn dân cư có miễn dịch với virus lây nhiễm. Khi một số lượng nhất định dân số có miễn dịch, chu trình lây nhiễm dễ bị phá vỡ, làm cho sự lây lan của bệnh dừng hoặc chậm lại, nguy cơ những người không có miễn dịch tiếp xúc phơi nhiễm với nguồn lây càng nhỏ.

Miễn dịch cá thể có thể tạo nên bằng hai cách, một là thông qua sự lây nhiễm tự nhiên, hai là bằng cách nhân tạo như tiêm chủng.

Trong đó, miễn dịch với vắc xin có thể mang lại khả năng miễn dịch tốt hơn so với miễn dịch tự nhiên. Chẳng hạn, Bệnh viện Đại học Toulouse khẳng định vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ đến 95% trong khi miễn dịch tự nhiên chỉ đạt 85%. Hơn nữa, ngay cả khi các biến thể mới làm suy giảm hiệu lực vắc xin thì vắc xin vẫn đủ hiệu quả phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn. Minh chứng rõ ràng nhất chính là tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể.

Còn nếu để miễn dịch cộng đồng diễn ra tự nhiên, sẽ tạo nên một gánh nặng cho hệ thống y tế, kéo theo là ảnh hưởng cực lớn đến đời sống của người dân và kinh tế của đất nước.

Chúng ta có thể thấy nước Ý vào tháng 3/2020 với 300.000 người mắc Covid-19 đã khiến hệ thống y tế nước này lâm vào khủng hoảng. Thiếu máy thở, thiếu giường bệnh hồi sức đã khiến các bác sĩ và điều dưỡng Ý phải đưa ra lựa chọn khó khăn để tập trung cho người bệnh có cơ hội phục hồi cao hơn.

Hay Ấn Độ thời gian vừa qua, tình hình còn tồi tệ hơn, ca mắc Covid-19 tăng nhanh, có ngày lên tới trên 400.000 ca. Tình trạng cạn kiệt oxy đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Kỷ lục, ngày 10/6, chỉ trong 24 giờ, đã có thêm 6.148 người chết. Nước này cũng đã nhanh chóng triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19, nhưng với dân số lớn và nguồn vắc xin hạn hẹp, Ấn Độ - một đất nước sản xuất vắc xin - cũng không kịp trở tay.

Thực tế trên cho thấy, trước bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn biến phức tạp, chủng virus liên tục phát triển với các biến thể lây lan nhanh và mạnh hơn, vắc xin Covid-19 không phải là một giải pháp “nhiệm màu” nhưng là cách an toàn nhất giúp chủ động tạo hàng rào bảo vệ cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Tiêm chủng vắc xin là giải pháp căn cơ, quan trọng, bởi nó là con đường hiệu quả nhất dẫn tới miễn dịch cộng đồng, giúp chúng ta có thể sớm đẩy lùi dịch bệnh.

T.V

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan