Uber và Grab có phá vỡ quy hoạch giao thông?

16:15 | 27/04/2017

963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng đề xuất siết chặt và dừng cấp phép, không mở rộng thí điểm xe hợp đồng điện tử kiểu Uber và Grab trong năm 2017. Lý do được hai sở đưa ra là, loại hình này gây ùn tắc giao thông và phá vỡ quy hoạch giao thông. 

“Thủ phạm” gây tắc đường?

Đề xuất trên được đưa ra tại buổi họp sơ kết thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối vận tải do Bộ GTVT tổ chức vào giữa tháng 4-2017. Tại buổi sơ kết, nhiều ý kiến đã đổ lỗi cho Uber và Grab là “thủ phạm” gây ùn tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch giao thông đô thị và không công bằng, minh bạch trong nghĩa vụ thuế.

Đơn vị đầu tiên đề xuất siết chặt và dừng cấp phép, không mở rộng thí điểm xe hợp đồng điện tử kiểu Uber và Grab là Sở GTVT Hà Nội. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, sau một thời gian thí điểm loại hình vận tải hợp đồng điện tử, Hà Nội hiện có trên 4.000 xe, tốc độ phát triển quá nhanh. Sở GTVT Hà Nội không thể quản lý được logo, số lượng xe cũng như không thể nắm được xe nào hoạt động theo hình thức hợp đồng điện tử, xe nào không… Bên cạnh đó, chất lượng lái xe cũng đang được thả nổi cho các hãng. Nhiều đơn vị không chịu trách nhiệm với khách hàng khi có sự cố xảy ra.

“Xe hợp đồng điện tử có mặt tại Việt Nam từ năm 2014, nhưng không đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải, đăng ký dịch vụ hỗ trợ kết nối nhưng bản chất là hoạt động vận tải hành khách nội đô, không khác gì taxi. Việc gia tăng số lượng xe hợp đồng điện tử gây bùng phát phương tiện, ách tắc giao thông” - đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay.

Từ những lý do trên, Sở GTVT Hà Nội đề nghị dừng cấp phép, không mở rộng thí điểm xe hợp đồng điện tử trong năm 2017 để đánh giá kết quả, hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Giao - Phòng Quản lý Vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nói: “Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã cấp phép cho 22.000 xe 9 chỗ trở xuống kinh doanh dịch vụ hợp đồng điện tử. Số lượng đã rất lớn, hiện địa phương cũng đang bó tay trong quản lý xe kiểu này”.

uber va grab co pha vo quy hoach giao thong
Phần mềm Grab sử dụng tại Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Giao dẫn chứng, cuối năm 2015, TP Hồ Chí Minh chỉ có 200 đến 300 xe dưới 9 chỗ kinh doanh dịch vụ vận tải theo hợp đồng. Thế nhưng, tính đến cuối tháng 2-2016 khi thí điểm xe hợp đồng điện tử Grab, số lượng xe tăng lên 2.437 xe, cuối tháng 8-2016 là 9.422 xe và đến đầu tháng 4-2017 đã có hơn 22.000 xe.

“Trước tình trạng bùng phát số lượng xe, TP Hồ Chí Minh đề nghị dừng cấp phép xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng và xây dựng quy hoạch xe hợp đồng, đồng thời yêu cầu dán logo, phù hiệu để quản lý” - ông Nguyễn Ngọc Giao nói.

Phản bác đề xuất trên, đại diện Grab tại Việt Nam cho rằng, Grab đang làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về đóng thuế thu nhập cá nhân cho lái xe và nộp thuế VAT.

Về góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, cần tìm ra giải pháp chứ không thể không quản lý được thì cấm. Hoạt động của Grab và Uber thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu người dân, thể hiện được ưu điểm hơn taxi truyền thống. Và hoàn toàn ủng hộ ứng dụng công nghệ vào vận tải, nhưng đề nghị các hãng phải đảm bảo minh bạch trong các nghĩa vụ thuế, đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Theo Bộ GTVT, từ tháng 1-2016 đến nay, đã có 6 đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải, 3 nhà cung cấp với 13.534 xe đã có đề án gửi Bộ GTVT và đang được hướng dẫn hoàn thiện đề án. Sau Grab, mới đây Uber cũng được chấp nhận đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử.

Quản lý bằng cách nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, TS Đinh Thị Thanh Bình - Giảng viên Khoa Vận tải Kinh tế Trường Đại học GTVT cho rằng, bản chất của các loại xe hợp đồng điện tử như Grab và Uber không phải là một hãng taxi mà là một công ty công nghệ cung cấp ứng dụng, dịch vụ cho các tổ chức cá nhân. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý cho loại hình dịch vụ này, nên mới cho thí điểm để tìm ra cách quản lý.

“Cơ quan quản lý nên xét sự việc dưới nhiều góc độ để có cái nhìn khách quan, tổng thể. Ở góc độ cạnh tranh trong kinh doanh thì đây cũng là một hình thức kinh doanh, đơn vị nào cung cấp dịch vụ tốt, giá thành hợp lý thì nên ủng hộ vì người hưởng lợi sau cùng là người dân” - TS Thanh Bình lưu ý.

Theo TS Thanh Bình, việc chưa có cơ chế rõ ràng dễ tạo ra tiền lệ xấu là các hãng taxi có tâm lý “bất bình đẳng” trong kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống đang bị “giết chết” bởi đủ các loại quy định, về chất lượng phương tiện, trình độ lái xe, quy định về bến bãi và phải trả đầy đủ thuế thì những loại hình vận tải như Uber hay Grab lại chưa bị đưa vào khuôn khổ hay chưa có quy định rõ ràng để quản lý.

Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đều đã làm tốt việc quy hoạch vận tải, khống chế số lượng taxi nhằm hạn chế lãng phí, giảm thiểu cạnh tranh kém lành mạnh. Khi đã quản lý tốt việc quy hoạch vận tải thì Uber và Grab cũng cần có những quy định cụ thể để quản lý.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, cần hoan nghênh mọi hình thức kinh doanh tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ phục vụ tốt cho người dân. Tuy nhiên, taxi Uber, Grab hay taxi truyền thống đều liên quan đến việc phân luồng giao thông, mà với Uber hay Grab lại rất khó phân biệt vì khó nhận biết, nên khó quản lý, khó phân luồng. Đây là vấn đề chính quyền các địa phương cần xem xét tìm hướng giải quyết.

Thừa nhận tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn không thể giải quyết trong một vài ngày mà cần có lộ trình, ông Bùi Danh Liên chia sẻ: “Ôtô giá rẻ ngày càng nhiều, mua xe giờ không còn là chuyện khó với nhiều người vì thế cấm Grab, Uber không giải quyết được vấn đề”.

Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, ông Bùi Danh Liên cho rằng, cần hạn chế phương tiện cá nhân, kể cả xe máy và ôtô, nhưng việc hạn chế phải có lộ trình. Giải pháp tạm thời có thể là hạn chế hoặc cấm vào một số thời điểm hoặc một số tuyến đường, chứ không cấm toàn bộ.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam đưa ra quan điểm: “Chúng ta không thể lấy văn bản hành chính để cấm Uber hay Grab hoạt động được. Từ năm 2014, họ vào, chúng ta không cấp giấy phép nhưng họ vẫn hoạt động. Chúng ta có cấm được họ hay không? Điều quan trọng hiện nay là phải đưa họ vào loại nào, để quản lý, thu được thuế. Rõ ràng ứng dụng công nghệ của họ đang được xã hội và người dân ủng hộ, các doanh nghiệp taxi đang đi chậm và phải gánh chịu thiệt hại, nên chúng ta phải cải thiện vấn đề này”.

Luật mới quá khắt khe, Uber rút khỏi thị trường Đan Mạch

Financial Times dẫn thông báo từ Uber cho biết, hãng sẽ đóng cửa ở Đan Mạch sau khi Chính phủ nước này siết chặt quản lý và ứng dụng đi chung xe đã để thua trong vụ kiện pháp lý.

Đan Mạch vừa ra một luật mới yêu cầu tất cả các xe taxi (mà Uber cũng được xếp vào nhóm này) phải trang bị đồng hồ đo kilômét, camera giám sát và cảm biến dưới ghế ngồi.

Hiện có khoảng 2.000 lái xe và 300.000 người dùng sử dụng Uber ở Đan Mạch. Nhưng giống như ở nhiều nước châu Âu khác, Uber đang gặp phải nhiều rắc rối liên quan đến pháp lý. Tòa án Đan Mạch đã đưa ra phán quyết cho rằng, Uber cung cấp dịch vụ taxi bất hợp pháp chứ không phải là ứng dụng đi chung xe.

Ngoài Đan Mạch, Uber còn gặp nhiều khó khăn ở Đức, Pháp và vài nước khác.

Song Nguyễn - Quang Thịnh