Từ trái thanh long đến tư duy kinh tế

23:38 | 06/10/2018

893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nước ta không thiếu đại gia “sinh ra từ làng”, nhưng vấn đề là mối dây liên kết để tạo thành “hệ sinh thái nông sản” còn mờ nhạt.

Tôi nghe được câu chuyện thú vị của GS.NGND Nguyễn Lân Dũng về “vua bơ” Trịnh Xuân Mười trong một buổi truyền cảm hứng start-up cho giới trẻ. Ông Dũng nói: “Anh Mười có khả năng thay đổi bộ mặt Tây Nguyên sau khi tìm ra giống bơ mới (bơ Australia), loại bơ này có thể được vận chuyển xuyên lục địa dài ngày mà không bị hỏng”.

Điều đặc biệt nhất ở câu chuyện này là nỗ lực cá nhân của ông Trịnh Xuân Mười, một người mà trình độ tiếng Anh chỉ biết mỗi “hello” (theo lời GS Nguyễn Lân Dũng), nhưng dám một mình sang Australia “nghiên cứu” bơ!

Cũng là một nông dân thứ thiệt phát hiện ra giống bơ ở Tây Nguyên, nhưng không thể xuất đi các thị trường lớn, vì nhanh hỏng, năng suất thấp, chất lượng kém.

Nông sản Việt Nam đang mắc kẹt trong tư duy “bóc ngắn cắn dài” - yêu cầu cao trên nền thực tế chưa cao. Mặc dù đã có rất nhiều chiến lược được vạch ra rất bài bản cho nông nghiệp Việt Nam, nhưng đa số nông dân vẫn đơn chiếc trên mảnh ruộng của mình.

Chuyện của ông Mười “bơ” là trường hợp đặc biệt, nhưng lại minh chứng cho một điều, liên kết “3 nhà” (nhà nông - nhà khoa học - nhà nước) là "chiếc phao cứu sinh" cho nông dân.

Những năm qua, ở Tây Nguyên đã xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng nông sản, nhức nhối nhất là tiêu, cà phê và điều. Nhưng với quả bơ - đang cho thấy bước đi ổn định, hy vọng thay đổi diện mạo dải đất Tây Nguyên đầy tiềm năng nhưng còn nghèo.

Từ trái thanh long đến tư duy kinh tế
Việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu trái cây này của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ chững lại.

Chuyện về quả bơ Austrlia làm nhớ đến trái thanh long Bình Thuận, từng có lịch sử oai hùng nơi khắc nghiệt nhất nước, nhưng số phận của người trồng thanh long ở đây thật hẩm hiu.

Dọc quốc lộ 1A qua Bình Thuận, có thể nhìn thấy bạt ngàn ruộng thanh long, đêm đến sáng rực như phố thị. Bầu không khí no ấm, thậm chí giàu nhờ thanh long là hoàn toàn có thể, song cứ sau một cuộc khủng hoảng thừa lại kéo mọi thứ về điểm xuất phát.

Mấy hôm nay, thanh long Bình Thuận lao đao vì…không ai tiêu thụ, điệp khúc cũ lại cất lên giai điệu buồn - người trồng thanh long có nguy cơ lỗ nặng! Giá mỗi kg thanh long đẹp nhất từ 3.000 - 5.000 đồng, loại bình thường 500 - 700 đồng!

Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, hàng ngàn ha thanh long đổ bệnh, không biết bán cho ai ngoài đem đổ cho…bò ăn. Ở cách đó rất xa, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 7/2018, việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ chững lại.

Nguyên nhân biết trước, bài học kinh nghiệm đã có nhưng chúng ta thường bị động khi nhận cái “lắc đầu” từ thương lái. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 27.000 ha thanh long. Hơn 80% sản lượng đều xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch!

Đến bao giờ mới xuất hiện một ông “vua thanh long” không đi lên bằng số lượng như những gì nông dân Bình Thuận đang làm? Rất ít hy vọng nếu như thiếu mấu chốt từ khoa học công nghệ.

“Nông sản Việt như cô gái đẹp ngồi nhà chờ người khác đến hỏi mua”- đó là nhận xét của một doanh nhân có thâm niên trong nghề. Thanh long xứng đáng danh xưng “cô gái đẹp” nhưng đó là vẻ đẹp tiềm ẩn…quá nhiều rủi ro.

Với nông sản, chúng ta mới chỉ làm tốt khâu nguyên liệu, nhưng nguyên liệu cũng chứa đựng nhiều bất cập như chất lượng, năng suất.

Quy mô ngành thanh long Trung Quốc lớn hơn Việt Nam nhiều lần, nếu không có đột phá về chất lượng và năng suất thì bất ổn là khó tránh khỏi. Trước khi nghĩ đến ngành công nghiệp chế biến bài bản, hãy tìm cách làm như vua “bơ” Trịnh Xuân Mười.

Nước ta không thiếu đại gia “sinh ra từ làng”, nhưng vấn đề là mối dây liên kết để tạo thành “hệ sinh thái nông sản” còn mờ nhạt. Tư duy làm ăn còn bó buộc trong khuôn khổ nhỏ hẹp. Rất nhiều “nhà sản xuất” nhưng quá ít “nhà chế biến”.

Với thanh long, còn thiếu một hệ thống ngành nghề bổ trợ, tạo ra giá trị gia tăng, ai cũng trồng thanh long nhưng rất ít người biết chế biến nó thành những sản phẩm độc đáo.

Trước hết nền nông nghiệp phải có được khát khao và hăng say như người nông dân cần cù được mệnh danh là “vua” bơ.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

[VIDEO] Những chiêu trò thu mua nông sản "dị biệt" của thương lái Trung Quốc
Thương lái Trung Quốc mua nông sản lạ đời: Họ mua làm gì nhỉ???
Dân Việt sẵn sàng bán nông sản cho thương lái Trung Quốc dù giá chỉ cao hơn 500 đồng
Những thủ đoạn làm ăn phát sợ của người Trung Quốc