Tự hào những người thợ điện

18:16 | 19/12/2018

1,614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cuộc sống, có nhiều công việc khác nhau với những khó khăn nhất định nhưng tôi luôn nể phục tinh thần của những người thợ điện. Tôi thấu hiểu được sự nhọc nhằn của những người lính áo cam thời bình ngày đêm trần mình dưới nắng nóng. Trái ngược hoàn toàn với bao công việc khác, nếu có nắng nóng hay mưa giông là những người lính áo cam lại xuất hiện trên mặt đường để khắc phục sự cố như nhảy aptomat, cháy nổ, đứt dây... Để làm được điều đó, chắc chắn họ phải luôn ở trong tâm thế luôn luôn sẵn sàng trực chiến không kém phần áp lực tinh thần. 
Tự hào những người thợ điện

Thợ điện lặng lẽ vượt khó khăn để đưa dòng điện ổn định đến với khách hàng (ảnh minh họa)

Với tôi, ấn tượng nhất về hình ảnh những người thợ điện là những khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần, những bộ quần áo cam bạc màu dần theo thời gian... Khổ nhất là những lần đi xử lý sự cố sau mưa bão gây sạt lở, đổ cột, lưới điện tê liệt, giao thông đi lại trắc trở, họ phải cuốc bộ hàng cây số, dầm mình dưới mưa để khắc phục từng cột trụ, đoạn dây... nhằm sớm đưa dòng điện thông suốt đến mọi nhà. Nhiều khi vừa khắc phục xong sự cố nơi này, chưa kịp về nhà thay quần áo lại nghe có tin báo sự cố nên lại tiếp tục công việc. Thế nên, để gắn bó lâu dài với nghề điện có lẽ phải có sự đam mê, không ngại vất vả, áp lực công việc bởi công việc gần như luôn trong tinh thần sẵn sàng trực chiến. Cứ nghe có điện thoại hay tin nhắn thông báo sự cố thì dù là nửa đêm gà gáy gì cũng phải lên đường, băng rừng lội suối. Những bữa ăn vội bên cột điện, giữa rừng đã trở thành quen thuộc.

Hay còn có những hôm người lính áo cam phải ngày dãi nắng, đêm đi tuần. Đặc biệt, công việc dày đặc sẽ tập trung vào những ngày nắng nóng lên cao, đi cả ngày như thế, thời gian nào dành cho gia đình, cho riêng tư? Tất cả những hy sinh ấy chỉ để hướng tới mục đích là đem lại cuộc sống, điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người dân mà thôi. Có thể nói, công việc của những người thợ điện phải đối mặt với những áp lực, nguy hiểm khác nhau nhưng họ luôn có mặt trên từng cây số để bảo trì, xử lý sự cố về điện một cách nhanh nhất. Họ lặng lẽ đánh đu trên các cột trụ điện, bám sát từng đường dây, kiểm tra kỹ lưỡng từng trạm biến áp, cẩn thận với từng ốc vít… để vừa bảo đảm sự an toàn cho mình, vừa thông suốt cho dòng điện. Họ đã trải qua bao nỗi buồn, vui cùng với những đường dây, những cột trụ trên khắp các vùng quê. Trong sự vất vả, cực khổ họ cũng có những niềm hạnh phúc.

Mùa mưa bão khi gió lớn, lốc, lũ đổ về, hệ thống lưới điện chịu nhiều tác động. Nhiều cột điện, đường dây có khi bị cuốn quật ngã. Mỗi khi gặp sự cố dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thợ điện đều phải vác ba lô đồ nghề lên đường, có mặt sớm nhất tại hiện trường để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất. Bởi các anh đều hiểu nếu chậm cấp điện trở lại sẽ gây nhiều cản trở cho hoạt động bình thường của người dân và các cơ quan hành chính, kéo theo sự thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới sinh hoạt của rất nhiều người.

Đặc trưng của những con người miền núi Tây Nguyên luôn hiền lành, hiếu khách, đặc biệt sống rất có tình có nghĩa. Trong quá trình làm việc, gắn bó, vui có, buồn có, thậm chí là có cả tình huống éo le nhưng đọng lại, vẫn là tình cảm chan hòa, mộc mạc giữa nhân dân với thợ điện. Khách quan hơn, nếu không nung nấu lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết với nghề thì chắc có lẽ rất hiếm hoi những anh hùng thời bình màu áo cam bình dị. Tất nhiên, bất cứ ngành nghề nào cũng cần có lòng đam mê, nhiệt huyết mới có thể thành công. Và tôi cũng không ngoại lệ. Là người trong nghề, với tôi đó là cả tuổi trẻ, là một niềm đam mê, tâm huyết mãnh liệt để luôn vững tin với nghề, luôn cống hiến dù cho thời cuộc xã hội có thay đổi. Lính áo cam chính là tấm gương và động lực để tôi mãi yêu nghề, tin nghề như cách mà các anh đã sống với nghề của mình vậy.

Nhìn chung, công việc thì khá giống nhau, nhiệm vụ của người thợ điện hầu hết đều tương đồng, song tình cảm với người dân thì mỗi người lại có cách xây dựng khác nhau và họ cũng có cách khác nhau để cảm nhận niềm vui, hạnh phúc. Dẫu biết rằng “làm dâu trăm họ” thì chẳng dễ chút nào nhưng vẫn có những lúc, những nơi một số người dân chưa thực sự thông cảm, chia sẻ với công việc của những người thợ điện, vẫn có những khách hàng chưa hài lòng với ngành điện. Thế nên, dù ở địa phương nào, khu vực nào, những người thợ điện hôm nay cũng luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng hầu hết người dân. Mỗi mùa mưa đi qua, họ lại lặng lẽ khắc phục từng sự cố để đưa dòng điện an toàn, ổn định nhất đến mọi khách hàng.

Gia Khang

Gian khó người thợ điện vùng cao
Vụ đổi 100 USD: Miễn giảm tiền phạt cho anh thợ điện
Bộ trưởng Tô Lâm nói về vụ "anh thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng"
Anh thợ điện đổi 100 USD đã gửi đơn xin miễn giảm nộp phạt
Chuyện người thợ điện vùng núi

  • el-2024