Trẻ cô đơn ngay… trong nhà

11:00 | 04/05/2013

1,779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tự kỷ - căn bệnh của thế giới hiện đại đang làm đau đầu các nhà khoa học trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, căn bệnh quái ác này cũng đang ngày một nhiều. Việc tiếp cận kiến thức thông tin về căn bệnh ấy một cách mù mờ khiến nhiều đứa trẻ đang bị “ép” làm trẻ tự kỷ. Những phương thức chữa bệnh áp đặt mà chưa thăm khám kỹ lưỡng nảy sinh nhiều hệ lụy khôn lường…

Những hiểu lầm tai hại

 “Cu Bi dạo này lạ lắm, dạy mãi mà vẫn không nói được từ nào, muốn lấy vật gì nó chỉ với tay rồi hét toáng lên, âm điệu hoàn toàn vô nghĩa. Con chỉ thích chơi một mình ở trong nhà thôi, không muốn chơi cùng lũ trẻ hàng xóm, thỉnh thoảng còn ngồi buồn một mình như ông cụ non”, chị Nguyễn Bích Hạnh ở phố Chùa Láng, Hà Nội biên thư cho chồng đang công tác tại miền Nam mà lòng nóng như lửa đốt.

Cu Bi đã hơn 2 tuổi rồi, ăn ngủ tốt, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa. Cũng tầm tuổi đó, mấy đứa trẻ hàng xóm đã bi bô gọi mẹ, tự biết xỏ dép khi đi chơi rồi.

Nghe mấy người bạn tư vấn, chị Hạnh lên mạng lần mò tìm hiểu về bệnh tự kỷ. Chị bàng hoàng khi lờ mờ nhận ra rằng con mình đang gặp phải căn bệnh cực kỳ phức tạp này.

Cháu Nguyễn Hồng Sơn, 3 tuổi đang được thăm khám ở Phòng khám Tuna

Chị Hạnh vỡ lẽ rằng, tất cả những biểu hiện “khác người” trước kia của cu Bi là biểu hiện rõ ràng của căn bệnh tự kỷ.

Bi không thích chơi đồ chơi như những trẻ khác, chỉ thích những vật “kỳ quái” như cái nút chai, kẹp tóc và cả tóp thuốc lá. Có lần, cu Bi cầm cái nút chai chơi liền… 3 ngày, đi ngủ cũng cầm, đi tắm cũng cầm, ngồi bô cũng cầm.

Liệt kê tất cả những đặc điểm này của cu Bi, chị Hạnh tức tốc đưa con đến phòng khám trên phố Giang Văn Minh. Qua vài giờ thăm khám, theo dõi, các chuyên gia ở đây kết luận: con chị Hạnh đã là bệnh nhi tự kỷ.

Cháu được đưa vào học tại một lớp học đặc biệt. Mỗi ngày cu Bi được đưa đến đây để trải qua những bài học hết sức phức tạp như tăng cường xúc giác, thị giác, khứu giác…

Để học bài học tăng cường xúc giác, cu Bi được lột hết quần áo rồi đặt vào tấm chăn bằng vải bông có bề mặt khá nhám. Có 2 cô giáo đứng hai bên, mỗi cô túm 2 góc chăn, lần lượt nâng lên hạ xuống để cho cu Bi lăn lộn trong tấm chăn.

Để tăng cường khả năng thu ôxy lên não cu Bi được quấn đai bằng vải to vào ngực, rồi đặt nằm xấp lên người một cô giáo. Có 2 cô giáo ở 2 bên kéo mạnh hai đầu của đai trong vòng vài giây. Mục đích cũng là làm lồng ngực bé bị siết lại, khi bỏ ra bé sẽ buộc phải thở sâu hơn, lấy thêm được nhiều ôxy lên cho não.

Những bài tập phức tạp, nặng nề này làm cu Bi sợ xanh mặt. Cháu gào khóc và không chịu hợp tác. Dù xót con quặn lòng nhưng chị Hạnh vẫn kiên trì đưa con đến lớp học hằng ngày với hy vọng có thể chữa khỏi bệnh cho con.

Sau 3 tháng điều trị theo hướng này, kết quả là tình trạng cu Bi càng trở nên… tệ hại. Cu Bi vẫn không nói được từ nào, ngày càng thờ ơ với tình cảm, ánh mắt của mẹ và tệ hại nhất là cháu bị sụt cân.

Ranh giới mong manh

“Tự kỷ là một bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh biểu hiện rối loạn tâm thần. Những trẻ em bị tự kỷ thiếu hay chậm phát triển về khả năng liên hệ qua lại trong xã hội. Hiện nay, căn bệnh này có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại nhưng trên thực tế đang có rất nhiều người do không hiểu biết nên đã quy kết, “chụp mũ” những đứa trẻ bình thường thành trẻ mắc bệnh tự kỷ”, TS Lã Thị Bưởi - Trưởng phòng khám Tuna cho biết.

Chị Hạnh là một trong số nhiều trường hợp đưa con đến khám lại ở Phòng khám Tuna và được các chuyên gia phát hiện ra rằng, con chị chỉ bị chậm nói thông thường chứ không hề bị tự kỷ.

“Nguy hại nhất là khi chẩn đoán không đúng, phương pháp học dành cho trẻ tự kỷ là rất nặng đối với trẻ chỉ bị chậm nói thông thường. Tình trạng của trẻ sẽ càng tệ hại hơn, mất cân bằng tâm lý và chắc chắn sẽ chẳng thể nói được từ nào”, TS Bưởi nói.

Bác sĩ Đặng Thị Thanh Tùng, Trưởng bộ phận trẻ em, Phòng khám Tuna cho rằng: “Giáp ranh của chứng chậm nói, bệnh tự kỷ và chứng tăng động giảm chú ý là rất mong manh. Phân tích để xác định chính xác những chứng tật này phải xem xét chi ly từng đặc điểm của trẻ trong một thời gian dài”.

Thứ nhất, trẻ tự kỷ mặc dù có vẻ ngoài rất thông minh, xinh đẹp nhưng khi đi ra ngoài, đến đám đông trẻ không hề muốn giao tiếp với ai, cụ thể là giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp mắt, trẻ rất ít hoặc không bao giờ nhìn vào mắt người đối diện.

Thứ hai, hành vi định hình rất kém, trẻ hay có hành động xoay tròn, thích một vật gì quá mức. Những trẻ tự kỷ thì sự liên kết giữa các dây thần kinh rất kém nên có thể thiếu ôxy lên não, trẻ rất thích lắc lư, thích lộn đầu “trồng cây chuối”, chơi ôtô chỉ thích nhìn nghiêng bánh xe quay vì những việc này làm não bộ của trẻ trở nên thoải mái hơn.

Thứ ba, về cảm xúc, trẻ tự kỷ thường có thái độ thờ ơ vô định, có khi ruồi đậu vào mặt mà không biết. Trẻ thờ ơ với tất cả tình cảm của người thân, ít khi thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Nhưng có một thể dạng khác là tăng động thái quá, nghĩa là trẻ liên tục hoạt động một cách hưng phấn, đến độ tự đập đầu vào tường khi không được thỏa mãn.

Thứ tư, trẻ tự kỷ hầu như mất ngôn ngữ, giai đoạn từ 8-12 tháng tuổi thì trẻ bắt đầu tập nói rất tốt, bập bẹ được một số từ như những trẻ bình thường. Nhưng càng về sau, ngôn ngữ của trẻ tự nhiên mất hẳn, trẻ sống trong một thế giới câm lặng hoàn toàn.

Đó là những đặc điểm nổi trội có thể dễ nhận thấy nhất từ trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, một đứa trẻ chậm nói cũng bị hạn chế giao tiếp mắt (đặc điểm thứ nhất của trẻ tự kỷ), nhưng nhìn vào mắt trẻ chậm nói vẫn rất có hồn, trẻ tự kỷ có ánh mắt vô hồn.

Hãy đưa trẻ ra khỏi thế giới cô đơn

Trái với việc cha mẹ quá lo lắng, quan tâm thái quá dẫn đến tình trạng con bị “chụp mũ” tự kỷ thì hiện nay có rất nhiều cha mẹ thờ ơ hoặc đoán biết bệnh con nhưng không chấp nhận sự thật rằng, con mình mắc phải căn bệnh này.

Chị Nguyễn Việt Nga ở khu đô thị Việt Hưng kể rằng, chị không hề biết tin gì về căn bệnh này. Thấy con ù lì, chậm chạp, không hề có tình cảm, không nói được chị cũng rất lo lắng. Thế nhưng, ông bà nội ngoại ở quê lên chơi thấy tình trạng cháu như thế thì khẳng định nó bị “chậm khôn” thôi chứ chẳng hề bệnh tật gì cả.

“Cháu rất sợ đi nhà trẻ, mỗi lần đến lớp học như là cực hình với cháu nên tôi để cháu ở nhà thuê giúp việc trông. Cứ đinh ninh rằng sau một thời gian nữa con mình sẽ khác, sẽ tự tiến bộ, nào ngờ…”, chị Nga ngậm ngùi kể.

Theo TS Bưởi, việc chẩn đoán bệnh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng với những trẻ nghi bị tự kỷ. Xác định được chính xác mức độ bệnh của trẻ để có một phương pháp dạy dỗ phù hợp sẽ giúp trẻ tiến bộ rất nhanh.

Hơn ai hết, cha mẹ nên là những y, bác sĩ đầu tiên giúp đỡ con cái mình. Cha mẹ đừng nên quá hoảng loạn hoặc quá thờ ơ khi phát hiện ra những dấu hiệu tự kỷ ở con mình. Tốt nhất, ngay lập tức hãy đưa trẻ đến những trung tâm chuyên môn để được tư vấn khám chữa bệnh.

Tiến Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.