Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 7)

12:30 | 26/02/2019

11,568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu chúng ta vô tư quan sát rồi nhận xét thì quả là hai bức tượng đó có nhiều nét phảng phất giống hai mẹ con bà Nhu thật. Vì không lẽ Hai Bà Trưng đã biết mặc váy ngắn, đi giày bốt, tóc uốn ngắn!
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 6)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 5)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 4)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 3)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1)

Tượng Bà Trưng hay “Bà Nhu”?

Người dân Sài Gòn trước tháng 11.1963 mỗi lần có dịp đi ra bến Bạch Đằng, chỗ công trường Mê Linh, chắc đã một lần trông thấy tượng đài Hai Bà Trưng đặt trên một bệ cao tại công trường này. Và, khách ngó qua tượng đài ai cũng thầm bảo nhau tượng đài gì mà có vẻ Tây quá, trông Hai Bà như đầm, mặc váy ngắn lại đi ủng. Dân chúng đàm tiếu nói là tượng đài hai mẹ con bà Nhu (Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Thủy). Nếu chúng ta vô tư quan sát rồi nhận xét thì quả là hai bức tượng đó có nhiều nét phảng phất giống hai mẹ con bà Nhu thật. Vì không lẽ Hai Bà Trưng đã biết mặc váy ngắn, đi giày bốt, tóc uốn ngắn!

Tượng đài trên chỉ đứng được có gần một năm thì bị nhân dân thành phố Sài Gòn tròng dây vào cổ lôi xuống, kéo cài đầu tượng lê khắp thành phố.

Vào tháng 3.1963 (tứ 6.2 âm lịch) có kỷ niệm lễ Hai Bà Trưng, Phong trào Phụ nữ Liên đới do Lệ Xuân sáng lập muốn nhân dịp này để phô trương thanh thế Phong trào Phụ nữ bán quân sự, vì thế Lệ Xuân đã chỉ thị cho Phủ Tổng thống tìm một số kiến trúc sự và nhà điêu khắc có tên tuổi để xây dựng một tượng đài tại công trường Mê Linh. Công tác thực hiện tượng đài được giao cho nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế lo phần tạc tượng và kiến trúc tượng đài, còn kỹ sư Trần Văn Nam lo phần xây dựng. Nhân công lấy ở Nha Công binh, tài chính do hội viên trong Phong trào Liên đới đóng góp. Khi tượng đài thực hiện xong sẽ tặng cho đô thành Sài Gòn. Đầu năm 1962, sau khi được giao công tác, điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế đã tìm đến một sinh viên trường luật Sài Gòn là cô Cao Xuân Châu Phố để làm người mẫu.

Nguyễn Văn Thế đã du học tại La Mã, Paris nhiều năm và đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế về điêu khắc, trong đó có giải Á nguyên La Mã. Khi về nước, ông Thế dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và là tác giả bức tượng bán thân Ngô Đình Diệm. Chính vì sự “nổi tiếng” đó mà ông Thế đã được giao thực hiện phần điêu khắc tượng Hai Bà. Song, không biết tự trong thâm tâm của nhà điêu khắc nghĩ sao mà ông ta lại tạc tượng Hai Bà quá tân thời, quá giống hai mẹ con Lệ Xuân. Có nhiều nguồn tin cho rằng chính Lệ Xuân đã gợi ý cho Nguyễn Văn Thế phải tạc tượng Hai Bà sao cho giống người phụ nữ liên đới và bán quân sự hiện thời, có như vậy mới đẹp mắt và hiện đại.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7
Trần Lệ Xuân cùng con gái Ngô Đình Lệ Thuỷ

Có lẽ ý bà Nhu muốn bảo nhà điêu khắc phải tạc tượng người sáng lập ra cái Phong trào Phụ nữ Liên đới và người nữ sinh viên thủ khoa khóa bán quân sự vừa hình thành. Vì vậy mà ông Thế hiểu ý và chiều lòng người quan trọng thứ nhì trong chế độ Ngô Đình Diệm mà tạc tượng có nét phảng phất giống hai mẹ con bà Nhu chăng? Để củng cố thêm vào giả thuyết này, một quan chức nhà Ngô còn khẳng định rằng chính bà Nhu đã chỉ thị cho Nguyễn Văn Thế phải làm tượng bà Trưng giống bà Cố vấn và con gái bà vì bà Nhu là người đàn bà dám làm những chuyện động trời hơn thế nữa!

Tượng đài được làm gấp rút ngày đêm, và đúng ngày 1.3.1963 (tức ngày 6.2 âm lịch) là ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Phong trào Liên đới Phụ nữ đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài một cách rầm rộ. Ngày hôm đó, họ cho dựng một lễ đài thật đồ sộ ở công trường Mê Linh, cờ xí treo la liệt, tượng đài được đặt trên bệ cao có 3 chân. Tượng có hình hai người phụ nữ đứng quay lưng vào nhau. Tượng cao 5m, bệ cao 10m hình con voi có ba trụ tượng trưng, các phía đều nhìn ra chân con voi. Trên kỳ đài bày biện đủ bộ nghi lễ cổ truyền với gươm, giáo, đao, thương bằng đồng sáng bóng, cán sơn đỏ, lại thêm mấy cái tán, lọng đủ màu, một dàn chiêng trống bày bên cạnh.

Trước lễ đài là hai con voi to lớn, trên mỗi con có một nữ sinh khăn đóng, áo dài vàng như Hai Bà Trưng trong mấy vở tuồng. Con voi cũng có tán che, người quản tượng đầu đội nón chóp vàng ngồi trên đầu voi và một người đi bên dưới điều khiển. Quan khách thì đầy đủ các đại sứ, lãnh sự ngoại quốc, các tổng, bộ trưởng trong chính phủ. Trước giờ hành lễ 5 phút, đoàn xe của bà Cố vấn đến với đoàn môtô hộ tống theo đúng nghi thức.

Lệ Xuân mặc áo dài vàng hở cổ, thân áo thêu cành trúc vắt từ trên ngực xuống đầu gối, trông như bà hoàng. Sau lễ gắn huy chương cho những “chị em phụ nữ có thành tích” của Phong trào Liên đới, Lệ Xuân đọc huấn thị. Rồi đến phần chính của buổi lễ là cuộc biểu dương lực lượng phụ nữ bán quân sự với Ngô Đình Lệ Thủy dẫn đầu trong bộ âu phục hở cổ, tay mang găng trắng, vai đeo dây biểu chương, chân đi bốt trắng và bên hông kè kè khẩu colt 12.

Về bức tượng thì, khách quan mà nói, khá đẹp và hiện đại. Nhưng, trong tâm lý của quần chúng lại là “hai mẹ con Nhu” đang đứng sừng sững trên cao đè đầu cưỡi cổ người dân. Vì vậy, bức tượng trở thành đề tài đàm tiếu của người dân Sài Gòn. Cho đến ngày 2.11.1963, Diệm - Nhu chết, chế độ nhà Ngô sụp đổ, thanh niên nam nữ học sinh, sinh viên căm ghét chế độ Diệm, đã kéo đến công trường Mê Linh, thòng dây thừng giật ngã bức tượng xuống, đầu tượng bị lăn ra đường như trái banh giữa phố kèm với những tiếng hô vang: “Đả đảo Trần Lệ Xuân!”, “đả đảo chế độ Ngô Đình Diệm!”. Cũng may là Lệ Xuân lúc đó đang ở ngoại quốc để làm cái việc mà bà ta gọi là “giải độc” vụ Phật giáo (nhân dân và báo chí Sài Gòn gọi trại là “rải độc”), chứ nếu bà ta còn ở trong nước thì không biết số phận của bà ta sẽ như thế nào, không biết chừng cũng giống như Diệm và Nhu.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 7
Bức tượng hai mẹ con bà Ngô Đình Nhu "đè đầu cưỡi cổ" dân

III. Gia đình trị và các vụ đảo chính

Vụ đảo chính 11.11.1960

Có thể nói những năm từ 1954 đến 1960 là thời kỳ cực thịnh của gia đình họ Ngô tại miền Nam. Song, sự cực thịnh đó chỉ là bề ngoài của những mầm mống sụp đổ từ bên trong mà nguyên nhân một phần là do vợ chồng Nhu gây ra, nhất là do sự kiêu căng và lộng quyền của Lệ Xuân. Điều đó càng trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 1960 cho tới ngày chế độ Diệm sụp đổ (1.11.1963) và Lệ Xuân đã trở thành cái đích để mọi người trút vào đó sự căm ghét, oán trách.

Về phía Mỹ thì đây là cơ hội để thử xem quân đội có còn trung thành với Ngô Đình Diệm nữa hay không. Mỹ đã móc nối với một nhóm chính khách, mấy viên đại tá để làm cuộc đảo chánh bắt Ngô Đình Diệm phải thay đổi nhân sự trong chính phủ và nhất là loại vợ chồng Nhu ra khỏi guồng máy cai trị. Nhóm người chống đối gồm bác sĩ Phan Quang Đán (đảng Đại Việt), luật sư Hoàng Cơ Thụy, Vũ Hồng Khanh, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc dân đảng), Nguyễn Thành Phương (cựu tướng Cao Đài), Bùi Lượng, Phan Bá Cầm… và trung tá Vương Văn Đông (tham mưu dù) đồng thời cũng là anh em cột chèo với Hoàng Cơ Thụy.

Còn đại tá Nguyễn Chánh Thi (tư lệnh tiểu đoàn dù) thì trước giờ đảo chính mới tham gia. Bấy giờ, khi trung tá Vương Văn Đông mới đến gặp Nguyễn Chánh Thi và bảo là dinh Độc Lập đang bị một vài đại đội dù, biệt động quân và thủy quân lục chiến bao vây làm áp lực với Tổng thống, vậy nên đến đó xem và tìm cách cựu Diệm. Nhưng khi đến vòng rào dinh Độc Lập, Đông đã nói thật với Thi, đặ Thi trước sự đã rồi:

- Bây giờ quân đội đã đứng lên với những chính khách yêu nước làm đảo chánh bắt Ngô Đình Diệm thay đổi cơ chế cai trị, và loại vợ chồng Nhu ra khỏi guồng máy. Vậy anh có đồng ý không? Lúc thành công, ta đưa điều kiện nào ra mà cụ Ngô Đình Diệm chả đồng ý?

Thi là người nông nổi, phổi bò, thích được tâng bốc nên chấp thuận đứng trong hàng ngũ quân đảo chánh. Song, vào lúc đó, trên đài phát thanh, Phan Quang Đán và Hoàng Cơ Thụy lại đọc tuyên ngôn cho rằng cuộc đảo chính này do Đán chủ mưu. Nghe vậy, Thi cay cú, chần chờ không cho quân dù tấn công vào dinh Độc Lập nữa. Rồi khi Đán tới gặp Thi, Đông ở hàng rào dinh để đòi lập danh sách chính phủ lâm thời, thì Thi sửng cồ, văng tục nói:

- Đ.M, các anh chính khách xôi thịt, không dám làm gì lúc đầu, quân không có một mống, chỉ nói thì giỏi, ba hoa lòe dân, làm tay sai cho Mỹ, giờ bọn tao làm cỗ cho bọn bây xơi à! Tao sẽ phơ hết mấy tay “chính khách sa lông”.

Phan Quang Đán nghe vậy lủi thủi lỉnh mất.

Ngay giờ phút khởi đầu đã có sự rạn nứt và chia rẽ, vì do mỗi nhóm tự bộc phát thôi, chứ thật tình không có kế hoạch liên kết nhiều nhóm với nhau để hành động. Lợi dụng sự chia rẽ này, lại không thấy có tướng nào tham gia đảo chánh nên Giám đốc mật vụ Phủ Tổng thống là bác sĩ Trần Kim Tuyến và Đổng lý Phủ Tổng thống là bác sĩ Trần Kim Tuyến và Đổng lý Phủ Tổng thống Võ Văn Hải bàn nhau là để Hải tới điều đình với nhóm Thi - Đông làm kế “hoãn binh” chờ tướng Trần Thiện Khiêm mang quân từ Mỹ Tho về cứu Ngô Đình Diệm. Trong khi Võ Văn Hải đi điều đình thì Trần Kim Tuyến tới nhà bà Phong Tân vợ của Huỳnh Thành Vị ở đường Công chánh (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) họp ban tham mưu chống đảo chánh. Tuyến viết giấy đưa bác sĩ Trần Văn Thọ đích thân mang xuống Mỹ Tho trao cho Khiêm để Khiêm mang quân về.

Trong khi đó, ở trong dinh, Ngô Đình Diệm cứ ngồi thừ ra và… cầu Chúa cứu giúp! Còn vợ chồng Nhu thì lo chống đỡ với hơn một đại đội lính phòng vệ dưới tay chờ cứu viện. Đại úy Bằng liên lạc với sư đoàn 21 bộ binh, giục mang quân về giải vây. Cho đến khi Khiêm kéo quân về thì bọn Thi - Đông - Thụy và một số sĩ quan khác biết yếu thế nên rút lui ra phi trường Tân Sơn Nhất, không quên bắt cóc tướng Thái Quang Hoàng mang lên máy bay làm con tin đề phòng bị bắn hạ.

Thiếu tá Phan Phụng Tiên là người lái chiếc máy bay DC.3 chở nhóm đảo chánh bay sang Cao Miên, khi xuống lập cập nên phải đáp bằng bụng máy bay! Tới đất Cao Miên, Đông là tay học hành có bằng cấp, nói tiếng Pháp thạo nên làm nghề dạy học tư, đồng thời vì là người của Phòng Nhì Pháp, nên được Pháp trợ cấp tiền bạc để sinh sống. Còn Thi chẳng có nghề ngỗng gì, học hành chữ nghĩa dở dang nên làm chân ở nhà bửa củi, thổi cơm cho Đông. Việc này Thi đã nói lại cho tôi nghe sau ngày chế độ Diệm sụp đổ, khi Thi trở về nước

(Còn tiếp)

Lý Nhân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps