Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 5)

12:30 | 24/02/2019

11,753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cái Tết năm 1960 có lẽ là cái Tết cậu Út không vất vả, không phải la hét gia nhân lo cơm nước như những năm trước vì đã có Lệ Xuân quán xuyến tất cả. Cậu Út hết ngồi trên sập gụ nhai trầu, lại ra vườn đứng trước mấy cây kiểng bắt sâu, vặt lá vàng và ngắm những chậu lan của bọn gia nô mang từ Sài Gòn ra biếu cậu. 
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 5Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 4)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 5Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 3)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 5Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 5Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1)

Nhà cậu Út hôm nay không thiếu thứ gì: bưởi Biên Hòa, cam Hồng Kông, sầu riêng Lái Thiêu, mít tố nữa, dưa hấu Đồng Tháp trái nào trái nấy to như cái lu con. Rồi câu đối, liễn chúc thọ…Diệm đi rảo, ngước mắt thấy mấy bức liễn, câu đối… xem chữ Hán nào viết sai, viết xỏ xiên không, gặp những bức viết chữ đẹp thì Ngô Đình Diệm đứng lại gật gù thưởng thức…

Đỗ Mậu tuy xuất thân là lính khố đỏ, nhưng chữ Nho cũng bập bẹ, tử vi cũng học lỏm được chút ít nên chắp tay thưa với Ngô Đình Diệm: “Dạ thưa cụ, đây là nét chức của giáo sư người Hoa là ông Đới Ngoạn Quân viết đây”. Rồi Đỗ Mậu tâng bốc, nịnh hót nói trong câu chúc của bức liễn này có dùng chữ Từ Mẫu là đúng nhất, vì chỉ có cụ thân sinh ra Tổng thống mới xứng đáng được xưng danh này. Bức liễn của tướng Tôn Thất Đính nhờ ai viết có những câu như: “Chúc Thái Từ Mẫu trường thọ, an khang”. Diệm đọc, hỏi: “Đính nó biết chữ Nho, chữ Hán gì mà dùng chữ văn hoa vậy hỉ”. Đỗ Mậu vội thưa: “Dạ, chúng con đều nhờ mấy cụ đồ Nho viết hộ cả”. Đính đang lẽo đẽo theo sau Diệm, nghe vậy mặt tái xanh và giận thầm Đỗ Mậu.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 5
Đại gia đình Ngô Đình Diệm chúc thọ thân mẫu

Sau khi xem qua những đồ chúc thọ thân mẫu, Diệm bảo mọi người trong gia đình họ Ngô đứng quây quần sau lưng thân mẫu để chụp bức ảnh đầu xuân năm Canh Tý. Và, không biết vô tình hay hữu ý, năm đó một tờ báo xuân ở Sài Gòn (tờ T.D) đã cho in một phụ bản bức tranh do họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ có một quả dưa có năm con chuột đang đục khoét. Khi tờ báo xuân này vừa phát hành vào ngày 20 tháng Chạp, ngày ông Táo về trời, thì bị bọn mật vụ hốt hết lên xe cây chở về Tổng nha cảnh sát. Theo chúng tôi biết, có kẻ đã xuyên tạc trình lên Lệ Xuân là bức tranh này ám chỉ năm anh em nhà Ngô đang thao túng miền Nam, con chuột đen ám chỉ Ngô Đình Thục hoặc Trần Lệ Xuân. Vì vậy, Lệ Xuân sôi gan lên, bảo Nhu đóng cửa báo T.D và nhốt chủ nhiệm, chủ bút lại không cho ăn Tết.

“Áo dài” bà Nhu

Nói về cách ăn mặc thì Trần Lệ Xuân cũng ăn mặc bình thường như những người đàn bà Việt Nam khác thôi. Nhưng sở dĩ Lệ Xuân bị người ta phê phán bởi vì Lệ Xuân là vợ Nhu, lại là em dâu của Tổng thống Diệm. Trong những năm 1960 - 1963, Lệ Xuân xuất hiện tại nhiều nơi và “bà Cố” đã nặng phần trình diễn hoặc “lăng-xê” những cái mới khác đời, trở thành trung tâm chú ý của dư luận.

Lệ Xuân vốn xuất thân từ trường Tây, hấp thụ nếp sống Tây phương, cho nên việc giao thiệp của bà ta đối với cả giới nam lẫn nữ đều bình đẳng. Về chuyện ăn mặc cũng vậy. Trong những ngày đầu, khi chế độ Diệm còn đang đối đầu với Bình Xuyên, Lệ Xuân mặc áo cánh trắng, quần đen, cầm biểu ngữ, truyền đơn đi rải khắp phố phường. Đến khi Bình Xuyên đã thanh toán xong, vợ chồng Nhu vào ở trong dinh, Lệ Xuân thay đổi. Những lúc rảnh rỗi, Lệ Xuân rủ cậu em là Trần Văn Khiêm ra sau dinh đánh quần vợt, Lệ Xuân mặc áo thể thao, váy đầm trắng trên đầu gối, cũng áo pull cộc tay, hở cổ. Khiêm thì mặc quần soọc trắng, tay cầm vợt đi đứng nghênh ngang từ trên lầu dinh Độc Lập xuống với Lệ Xuân. Bất chợt, Diệm ở tầng trệt văn phòng đi lên gặp Khiêm đang cười nói nghênh ngang coi như không có ai. Diệm ngước nhìn lên, rồi đi thẳng lên lầu vừa lẩm bẩm nói: “Thằng cha trông dị hợm quá!”. Diệm nói một mình, chỉ có viên sĩ quan tùy viên là thiếu tá Liêm nghe được.

Ý của Diệm là thấy Khiêm chẳng có chức vụ gì ở trong dinh mà lại vào đây ăn mặc lố lăng với môi trường vốn có nhiều người quan trọng trong nước cũng như ngoài nước lui tới, như vậy sẽ làm mất thể diện cả Phủ Tổng thống. Song giận Khiêm thì ít mà giận cô em dâu thì nhiều, vì Diệm thấy Lệ Xuân ăn mặc Tây quá, váy cũn cỡn tới gần mông, hở đùi trông khó coi! Diệm cứ lẩm bẩm “Dị hợm quá!”, về tới phòng rồi mà mặt Diệm còn đỏ gay. Sau đó, Diệm nổi trận lôi đình gọi Lệ Xuân tới gặp Diệm ngay.

Đang đánh quần vợt, thấy Diệm cho người gọi, Lệ Xuân biết là có chuyện chẳng lành, nên vội bỏ dở cuộc chơi chạy về, lên phòng thay quần áo dài đàng hoàng, rồi sang gặp Diệm. Diệm nét mặt còn bực tức nói: “Cái anh chàng đi với cô chức vụ gì trong Phủ mà ăn mặc dị hợm quá! Lại nghênh ngang chỗ trang nghiêm, nếu anh ta không phải người có chức vụ gì ở đây thì mời anh ta ra ngoài cho khuất mắt, kẻo mất cả thể thống nghi lễ và làm nhiều người ta thán là anh ta hống hách này nọ”.

Lệ Xuân im lặng, rồi thưa: “Dạ, nó là em ruột tôi, vì chưa có chỗ nên tới ở tạm đây, nay mai cũng ra ngoài để làm luật sư”.

Từ bữa đó, Lệ Xuân phải cho Khiêm ở ngoài vì bà ta biết Diệm đã “giận cá chém thớt”. Còn Lệ Xuân cũng không dám mặc đồ thể thao từ phòng ngủ đi ra sân quần vợt nữa, mà phải xuống phòng thay quần áo ở ngay sân để thay đồ.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 5
Trần Lệ Xuân với trang phục áo dài của mình

Cũng từ chuyện quần áo, Lệ Xuân nổi tiếng nhất là khi tung ra kiểu áo dài hở cổ. Bấy giờ, Phong trào Phụ nữ Liên đới thường có những cuộc lễ lạt khánh thành bệnh viện, trụ sở, khóa huấn luyện phụ nữ bán quân sự. Trần Lệ Xuân hay đi chủ tọa. Bà ta thường mặc bộ áo dài bằng vải lụa Hà Đông hay Châu Đốc, tuy rẻ tiền nhưng là vải lụa quê hương trang nhã, và dưới bàn tay chuyên “lăng-xê” mốt của Lệ Xuân, chiếc áo dài của bà ta đã khác với chiếc áo dài trước kia bằng cách xẻ hở cổ tới vai, tay hơi ngắn, trên thân áo lại thêu cành trúc, con rồng, cành mai, con phượng… Mốt đó đã nhanh chóng được đám phụ nữ theo hầu hưởng ứng, dù tuổi đã ngũ tuần hoặc lục tuần.

Thực ra “kiểu áo bà Nhu” chẳng có gì mới lạ cả, nó chỉ là kiểu áo của người Chăm đã mặc từ xưa mà chúng ta vẫn thường thấy, nay bà ta thay đổi chút ít và hiện đại hóa: quần và áo phải cùng một loại hàng, cùng màu (phần lớn là màu thiên thanh, màu vàng), giày và ví đầm cũng cùng màu với quần áo. Có lần Lệ Xuân đã mặc màu nâu, vải xoa thôi, nhưng trông rất lạ, rồi có lúc mặc màu tím trông rất nổi, vì thế làm nhiều người chú ý vì sức hấp dẫn của bà hơn là trang phục.

Chúng tôi có dịp đi họp báo và được nghe những bà xúm xít quanh Trần Lệ Xuân, thốt lên những câu nịnh bợ hết sức trơ trẽn: nào là bà Cố vấn mặc kiểu áo đẹp nhất miền Nam, nào là bà Cố vấn là người đã “lăng-xê” mốt quần áo phụ nữ Việt Nam đầu tiên…

Có lần, Diệm đã cau mày khi thấy Lệ Xuân mặc áo dài thêu “khóm trúc”, Diệm cho là hỗn, “cành trúc” là biểu tượng tranh cử của Diệm, chỉ có Tổng thống mới được dùng mà thôi. Song Lệ Xuân lại nghĩ khác, cho vậy là đúng, là đề cao tinh thần dân tộc. Dân gian không ưa Diệm và Lệ Xuân lại luận chuyện trên theo nghĩa khác. Bởi bấy giờ Diệm cho ngân hàng đúc tiền 1 hào, 1 xu bằng kền, một mặt in hình đầu Diệm, một mặt in hình “khóm trúc”. Nhưng, không biết vô tình hay cố ý, hình in trên hai mặt đồng tiền bị đảo ngược. Nhân dân cho rằng đó là cái điềm Diệm sắp bị “lộn lèo” vì đầu cúi xuống đất, chân chổng lên trời…

Lại nói về cái áo hở cổ kiểu bà Nhu, thời đó chỉ có bà ta và mấy bà trong Phong trào Phụ nữ liên đới, hay mấy nữ dân biểu muốn lấy lòng bà Cố vấn, mấy em ca sĩ, gái nhảy… mới mặc, còn những phụ nữ trí thức, nữ sinh, sinh viên đứng đắn không ai ăn vận kiểu đó cả.

Nói về Trần Lệ Xuân thì còn nhiều chuyện rất lố bịch, một phần là do tính tự cao, tự đại, kiêu căng của bà ta, phần khác là do những kẻ theo hầu chung quanh tâng bốc, nịnh bợ khiến cho Lệ Xuân không thấy hết được mình, coi trời bằng vung. Chẳng hạn như vụ sau đây được Nguyễn Thái (cận thần triều Ngô, cựu Tổng Giám đốc Việt Tấn Xã) viết lại trong hồi ký sau khi bị thất sủng chạy qua Mỹ: Có lần khi ông ta còn tại chức, Lệ Xuân đã ra lệnh cho ông ta phải ghi lại danh xưng “Bà Ngô” trên các bản thông tin của cơ quan Việt Tấn Xã. Nhưng Thái từ chối vì như vậy sẽ gây ra sự hiểu lầm vô cùng tai hại.

Vào tháng 6.1961, khi hai vợ chồng Nhu viếng thăm Maroc, thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao chế độ Diệm sẽ gọi Lệ Xuân là “Bà Ngô” như vậy người ta sẽ hiểu là vợ của Diệm, chứ không thể là vợ của Nhu theo đúng chữ nghĩa ngoại giao!

Nhưng, một khi đã nắm trong tay quyền cao chức trọng, Lệ Xuân nào có đếm xỉa gì, chỉ tìm cách làm sao cho mình được nổi bật lên, trở thành trung tâm chú ý của thiên hạ. Và, chung quanh bà ta thì lại không thiếu những kẻ dựa hơi “bà Cố” để lòe bịp mọi người, nào là lập công ty này, công ty nọ, thậm chí cả công ty phân bón, vệ sinh cũng được khai là của bà Nhu!

Nói như vậy có nghĩa là Lệ Xuân không có tiền của hùn hạp làm ăn với chỗ này, chỗ kia. Chỉ nội cái “quỹ đen” mà Diệm được quyền chi tiêu hàng tháng cũng đủ cho Lệ Xuân xài thả cửa. Số tiền này lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng (vào những năm 1960, đó là một số tiền rất lớn). Nhưng Diệm là người hà tiện, keo kiệt không tiêu xài cái gì, giao “quỹ đen” cho Ngô Đình Nhu giữ để dùng vào việc an ninh, tình hay hay đoàn thể tùy ý. Nhu nghĩ xa, chẳng dại gì mà không đem số tiền dư thừa đó gởi ở ngân hàng nước ngoài với tên người khác để đề phòng bất trắc. Còn Lệ Xuân lại cũng chẳng dại gì mà không sử dụng thoải mái số tiền trên.

(Còn tiếp)

Lý Nhân