Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ cuối)

12:30 | 02/03/2019

12,199 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau đó, Nhu cho họp Thanh niên Cộng hòa và ra tuyên cáo ủng hộ chính phủ, trong đó Thông cáo số 2 và số 3 yêu cầu loại những phần tử quá khích và Cộng sản ra khỏi hàng ngũ Phật giáo (!). Còn Lệ Xuân thì lại ra mặt công khai thóa mạ các Thượng tọa, như dùng chữ “nướng sư” (ý Lệ Xuân dùng chữ Pháp - rôti). 
tran le xuan thang tram quyen tinh ky cuoi Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 10)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky cuoi Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 9)

Những lời lẽ quá nặng nề này chẳng làm ai bằng lòng dù không phải là Phật tử. Và, để phản ứng lại câu nói bất nhã đối với nhà tu hành khả kính hy sinh vì đạo pháp, ngày 12.8.1963, nữ sinh Mai Tuyết An, một Phật tử của chi hội Phật tử Thị Nghè đã can đảm lấy búa chặt cánh tay trái để cúng dường Phật và kêu gọi tinh thần tranh đấu của sinh viên học sinh. Hành động của Mai Tuyết An, một nữ sinh liễu yếu đào tơ, đã làm tăng thêm không khí đấu tranh sôi sục.

Dương Văn Hiếu nghe được hai tiếng “nướng sư” của Lệ Xuân tuyên bố trước Tòa Đô chánh Sài Gòn, vội vã chạy vào dinh Độc Lập trình Ngô Đình Diệm là bà Cố ăn nói gì mà ghê quá, dùng chữ “nướng sư” thật là ác độc. Ngô Đình Diệm tái mặt, thở dài. Hiếu còn bẩm thêm: “Chúng con đang tiếp xúc bí mật với bên Phật giáo và họ đã xiêu lòng, bây giờ bà Cố lại nói như vậy làm hỏng tất cả”. Một lúc sau, Ngô Đình Diệm nhấc máy điện thoại gọi sang phòng của Lệ Xuân. Ngô Đình Diệm bảo: “Cho nói chuyện với bà Cố vấn gấp”. Dương Văn Hiếu đứng gần nghe Ngô Đình Diệm nói to: “Tui cho biểu mụ im ngay đi”. Rồi Ngô Đình Diệm còn nói vu vơ: “Nói năng gì mà lạ rứa, người ta đang hòa giải, phải thế này rồi nói với người ta thế nào”.

Lệ Xuân bị Ngô Đình Diệm la mắng đáng lẽ phải nhận lỗi và im đi, nhưng bà ta lại chạy sang mách chồng. Nhu bênh vợ và giận kẻ nào tâu với Ngô Đình Diệm, quyết phải tìm ra thủ phạm. Nhu bóp trán suy nghĩ xem sáng nay có ai vào gặp Ngô Đình Diệm không, một lúc sau thì nhớ ra hồi 10 giờ sáng có Dương Văn Hiếu vào phòng Tổng thống. Tức tốc, Nhu nhấc máy điện thoại kêu Hiếu vào trình Nhu gấp. Hiếu biết là việc chẳng lành rồi, vì vụ Lệ Xuân thôi!

Hiếu đã khôn lanh vào dinh, nhưng trình diện Ngô Đình Diệm trước để cầu cứu. Theo sĩ quan tùy viên Đỗ Thọ kể lại, thì lúc đó mặt Hiếu xanh như tàu lá chuối, cắt không ra hạt máu. Hiếu tâu với Ngô Đình Diệm: “Bẩm cụ! Ông Cố vấn cho gọi con vào… ông Cố vấn biết là con có báo cáo với cụ về lời tuyên bố của bà Cố vấn… Bẩm cụ! Con chết với ông Cố vấn”.

Ngô Đình Diệm trầm tư một lúc, rồi hỏi: “Bây giờ anh tính thế nào?” Hiếu thưa ngay: “Trình cụ, nếu ông Cố vấn có hỏi, con xin nói là cụ có nghe qua radio và cụ có hỏi con có biết gì về lời tuyên bố của bà Cố vấn không, thì con nói là có biết”. Ngô Đình Diệm bảo: “Thôi được, anh cứ lên gặp ông Cố vấn, đã có tôi”. Hiếu lò dò lên phòng Nhu, còn Ngô Đình Diệm thì loay hoay lấy một chiếc radio để trên bàn và ra gọi già Ẩn lại hỏi. Già Ẩn đáp: “Bẩm cái này chạy pin”. Ngô Đình Diệm mỉm cười nói: “Ờ… ờ… Tìm cho ta cục pin ngay”.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky cuoi
Ngô Đình Diệm và Tổng thống Mỹ J. F. Kenedy

Dương Văn Hiếu vào trình diện Nhu. Với nét mặt lạnh lùng, Nhu hỏi: “Ai vào báo cáo cho ông Cụ?”. Nhu gằn giọng: “Ngoài anh ra thì không có đứa nào báo cáo với ông cụ”. Hiếu trả lời: “Thưa ông Cố vấn, sáng nay con có việc vào trình cụ, có nhẽ cụ nghe radio nên hỏi con có hay biết gì về lời tuyên bố của bà Cố vấn không, con ngay tình không biết nên trả lời cụ là có nghe qua radio”. Nhu cho là Hiếu nói dối vì Nhu biết Ngô Đình Diệm có khi nào nghe radio đâu.

Ngô Đình Diệm thấy Hiếu lâu không trở lại phòng, vội cầm chiếc radio trên tay và mở thật to để chứng tỏ Ngô Đình Diệm có nghe radio và có nghe Lệ Xuân tuyên bố gì đó. Nhu thấy Ngô Đình Diệm lững thững đi vào dáng điệu có vẻ không tự nhiên, Nhu mỉm cười, biết là ông anh đóng kịch, vì vậy sau đó Nhu cũng quên chuyện Hiếu và không phiền trách Hiếu nữa.

Phải nói rằng trong vụ Phật giáo năm 1963, Lệ Xuân là diều hâu thứ thiệt, vì bà ta không bị mặc cảm tôn giáo. Đã có lần Lệ Xuân nói: “Bộ họ mới là Phật tử hay sao? Bố mẹ tôi, cả họ ngoại nhà tôi đều theo Phật giáo. Ai đàn áp ai?”. Chính vì vậy, Nhu cũng bị Lệ Xuân biến thành diều hâu thứ hai.

Những ngày trung tuần tháng 6.1963, khi vụ Phật giáo vừa nổ ra, chưa đi đến hồi quyết liệt và lúc đó vợ chồng Nhu - Lệ Xuân cũng chưa ra mặt công khai chống Phật giáo, hai bên Ngô Đình Diệm và Phật giáo đang đi dần đến chỗ hòa giải. Ủy ban Liên phái Phật giáo và Ủy ban Liên bộ của chính phủ đã đồng ý ký một thông cáo chung để giải quyết 5 nguyện vọng của Phật giáo đưa ra. Bên phía Phật giáo có 3 Thượng tọa là Tâm Châu, Thiện Minh và Thiện Hoa, về phía chính phủ có Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky cuoi
Nhân dân giật đổ tượng đài Hai Bà Trưng của mẹ con Trần Lệ Xuân

Dưới bản thông cáo có Hòa thượng Thích Thanh Khiết “khán” với tư cách Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Bản thông cáo được trình cho Ngô Đình Diệm xem để ký. Ngô Đình Diệm cầm lên đọc có vẻ thỏa mãn vì nghĩ sẽ êm đẹp. Song, không biết ký vào chỗ nào cho đúng. Việc tuy nhỏ, nhưng lại quan trọng vì “thể diện quốc gia”. Chả lẽ Tổng thống lại ký ngang với Hòa thượng Thích Thanh Khiết, vì dù sao Ngô Đình Diệm cũng đường đường là một “nguyên thủ quốc gia”, còn Hòa thượng Thích Thanh Khiết chỉ là người đứng đầu một hội đoàn trong cộng đồng quốc gia.

Ngô Đình Diệm ngần ngại cầm bút trên tay, còn Nhu suy nghĩ mãi, nhưng chưa đưa ra ý kiến gì. Chẳng ai giải quyết được cái chỗ ký cho hợp lý, để không bị “mất mặt” Tổng thống được, trong khi đứng quanh đó toàn là dân “học rộng biết nhiều”! Cuối cùng, Ngô Đình Diệm đành bảo Thuần: “Cho mời bà Nhu sang đây xem bà ấy có ý kiến nào hay không?”.

Theo như bác sĩ Tuyến cho biết thì nhiều lần Ngô Đình Diệm đã nói: “Đàn bà họ kém về lý luận nhưng trực giác của họ thì hay lắm”. Và, với Lệ Xuân thì điều này có vẻ đúng.

Khi Lệ Xuân vào phòng, Ngô Đình Diệm đưa bản thông cáo cho Lệ Xuân đọc và nói: “Giờ ta ký chỗ nào cho đúng tư cách nguyên thủ quốc gia?”. Lệ Xuân trả lời: “Ký ngang hàng với họ đâu có được. Nếu sau này Phụ nữ Liên đới có chuyện tranh giành với chính phủ đòi chính phủ phải giải quyết nguyện vọng, chính phủ cũng ra thông cáo chung, rồi Tổng thống cũng ký ngang hàng với tôi hay sao?”.

Ngô Đình Diệm suy nghĩ một lúc, hỏi: “Vậy ý kiến của bà?”. Lệ Xuân nói ngay: “Có khó gì đâu. Bây giờ hai bên ký cả rồi. Ông cụ Tịnh Khiết đã ký “khán” như thế này rồi thì Tổng thống ký ở ngoài lề như là bút phê vậy”. Ngô Đình Diệm cho là phải và đồng ý ký. Ngô Đình Diệm cầm bút phê phía ngoài lề bản thông cáo như sau: “Những điều ghi trong bản thông cáo chung đã được tôi chấp thuận trên nguyên tắc ngay từ lúc đầu”. Và, dưới hàng chữ này ký tên Ngô Đình Diệm.

Nhưng, dù bản thông cáo đã được ký, thì chiều ngày 16.6 hơn 100 tăng ni dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Tâm Châu kéo tới trước tư dinh Đại sứ Mỹ để cầu cứu Mỹ và các quốc gia trên thế giới, phải dùng áp lực thuyết phục chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi đúng đắn bản thông cáo chung sắp ban hành.

(Hết)

Lý Nhân