Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2)

12:30 | 21/02/2019

20,426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc Ngô Đình Nhu mê Lệ Xuân là chuyện bình thường giữa một người lớn tuổi lúc nào cũng ru rú bên sách vở, ít giao tiếp và một cô gái xuân thì phơi phới, được hấp thụ lối sống Tây. 
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1)

Tuy nhiên, những người trong gia đình Nhu lại không hài lòng lắm về cô dâu tương lai của họ. Chúng ta hãy đọc lại một đoạn hồi ký của ông Trần Văn Lý, một người thân trong gia đình Lệ Xuân:

“Năm 1943, ông Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục đi Hà Nội cưới cô Trần Lệ Xuân cho ông Nhu. Đoạn đường Huế - Hà Nội quá xa nên họ phải dừng xe và nghỉ lại đêm tại Hà Tĩnh trong dinh tuần vũ của tôi. Trong dịp này, sợ tôi chê cười nên hai ông Khôi và Thục phải tâm sự phân trần với tôi như sau: Gia đình chúng tôi nào có muốn rước “ngữ ấy” về nhà để phá hoại gia phong, huống chi cụ tôi ngày xưa với các ông Trần Văn Thông, Thân Trọng Huề vốn chống đối nhau thì làm sao có thể kết làm thông gia được. Nhưng vì chú Nhu quá mê con gái ông Trần Văn Chương, nên chúng tôi đành phải khổ tâm mà chiều lòng chú ấy”.

Dù Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục, hai ông anh lớn trong gia đình, có than vãn thế nào thì lễ cưới cũng phải tiến hành như đã định. Trước khi làm lễ dạm hỏi, hai gia đình đã thống nhất là vợ phải theo đạo nhà chồng, vì vậy Lệ Xuân đã đồng ý theo đạo Công giáo, mặc dù gia đình Lệ Xuân theo đạo Phật. Việc nhập đạo Thiên Chúa đối với Lệ Xuân chẳng khó khăn gì vì từ nhỏ Lệ Xuân đã học ở trường dòng Couvent des Oiseaux, được các nữ tu dạy kinh và phép đạo, giáo lý, tích thánh trong đạo... Lễ nhập đạo của Lệ Xuân được tổ chức tại Nhà thờ Lớn (chánh tòa) Hà Nội, do Ngô Đình Thục làm chủ lễ, rất long trọng, có nhiều nhân vật quan trọng người Việt lẫn Pháp dự.

Sau lễ rửa tội là lễ dạm hỏi và gần nửa tháng sau là lễ cưới của Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu. Lễ cưới được tổ chức tại Nhà Thờ Lớn (Hà Nội) cũng do Ngô Đình Thục chủ lễ với sự hiện diện của Đức cha Chaize cùng mấy chục linh mục Tây, ta và các nữ tu... các dòng tu tới dự. Còn về phía nhà gái thì có Tây, đầm, Nhật kiều, Hoa kiều, các quan tuần, tổng đốc... có quan hệ với luật sư Trần Văn Chương. Mặc dù thời đó có chiến tranh giữa phe Đồng Minh với Nhật, nhưng lễ cưới vẫn được tổ chức như thường. Đó là một lễ cưới có thể nói là rình rang nhất thời bấy giờ. Mấy chục chiếc xe hơi đậu chật hai bên đường Gambetta gần nhà ga hàng Hàng Cỏ phô trương sự sang giàu, thế lực của hai họ Trần - Ngô.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 2
Bà Trần Lệ Xuân.

Khi đến nhà thờ làm lễ, Trần Lệ Xuân mặc đồ cưới màu trắng dát kim tuyến, đi sau nâng đuôi áo có hai em bé cầm cành thiên tuế đi hai bên. Làm lễ nhà thờ xong, về nhà, cô dâu Trần Lệ Xuân thay vào bộ quốc phục quần trắng, áo dài gấm đỏ thêu vàng, đầu đội khăn màu thiên thanh quấn nhiều vành gần giống như lễ phục của Nam Phương Hoàng hậu trong ngày cưới với Bảo Đại.

Tiếng pháo nổ liên tục ở ngôi biệt thự của luật sư Trần Văn Chương. Xác pháo đỏ cả mặt phố, ngập tới gót chân. Đoàn đón dâu của nhà trai theo đúng lễ nghi cổ truyền đất Thần Kinh, có hai đứa trẻ cầm hai lồng đèn đi trước, hai trẻ em cầm hai nhành thiên tuế, hai trẻ ôm hai con ngỗng trắng, châu án có bốn lọng đỏ, cau lồng, rượu ché, rồi heo đóng củi, bò đeo bông... Cô dâu Trần Lệ Xuân được họ nhà Ngô đón về Phú Cam (Huế) trong một lễ rước dâu có thể nói là long trọng và đúng với các lễ nghi phong kiến.

Vợ chồng Ngô Đình Nhu lấy nhau được mấy năm thì nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám, Nhu lúc ấy đang làm tại Thư viện Đông Dương (ở Hà Nội), bỏ chạy về Thanh Hóa, còn Lệ Xuân thì được đưa về trú tạm với mẹ chồng và em chồng ở Phú Cam (Huế).

Bấy giờ Nhu được tin anh cả là Ngô Đình Khôi cùng con là Ngô Đình Huân bị quân dân tỉnh Quảng Nam bắt xử tử cùng với Phạm Quỳnh (Thượng thư Bộ Lại của Bảo Đại). Khôi bị ghép tội khi làm Tổng đốc Quảng Nam đã đàn áp những chiến sĩ Cách mạng, lại tham ô, tàn bạo, còn Ngô Đình Huân thì làm thanh tra lao động cho Pháp rồi sau làm hiến binh cho Nhật (trong thời kì Nhật chiếm đóng Việt Nam). Cả hai bị xử tử trong cùng một đêm tại Hát Phú cách Huế 20 cây số (sau này đến ngày 28 Tết năm 1958, gia đình họ Ngô mới tìm thấy hài cốt hai bố con Khôi - Huân chôn cùng một huyệt với Phạm Quỳnh, đem về cải táng tại nghĩa địa riêng của gia đình họ Ngô tại Phú Cam).

Trước khi về Thanh Hóa, Ngô Đình Nhu cùng với Hoàng Bá Vinh là thân hữu trong nhóm Công giáo mà Nhu đang tập hợp, chạy về Phát Diệm, khu an toàn của Công giáo vào thời đó. Nhu và Vinh ở nhờ trong khu Nhà Chung, sau đó ít ngày được đưa về Thanh Hóa. Lúc bấy giờ, vùng Phát Diệm - Thanh Hóa đang phát động phong trào chống Việt Minh. Nhu đã cùng với một số tu sĩ ở Phát Diệm, Thanh Hóa và Hà Nội tập hợp lại hoạt động trong một nhóm mang tên “Liên Đoàn Kháng Chiến Cần Lao Việt Nam” do Nhu lãnh đạo.

Khi Hà Nội bị quân Pháp đánh chiếm, Việt Minh phải tạm rút lui ra khỏi thành phố để lập khu kháng chiến ở ngoại thành, nhóm Nhu bàn nhau tìm cách trở về vùng tề (vào thành). Từ Thanh Hóa, Nhu được linh mục Trọng ở Điển Hộ tận tình giúp đỡ vì lúc này Nhu đã mất liên lạc với Lệ Xuân và gia đình. Linh mục Trọng giới thiệu với Nhu một người gốc ở Điển Hộ, mới từ Hà Trung ra, vốn là chủng sinh ở tiểu chủng viện Thanh Hóa, tính cẩn thận và cũng có đầu óc chính trị muốn gia nhập nhóm xã hội của Nhu. Người này dáng dấp nhỏ bé, nhưng tỏ ra thông minh và điềm đạm. Người này chính là Trần Kim Tuyến - nhân vật khét tiếng sau này, trùm mật vụ của chế độ Diệm. Cuộc gặp gỡ khiến cho Nhu và Tuyến rất tương đắc...

Được sự giúp đỡ và giới thiệu của linh mục Trọng, Nhu và Tuyến tìm đường dinh tê. Lương Khải Minh đã mô tả cuộc dinh tê này như sau:

“Dạo đấy ông Tuyến vừa đậu tú tài II, ba lô trên vai với chiếc xe đạp “cuộc”, ông Tuyến là hướng dẫn viên. Ông Nhu thì ngồi trên chiếc xe kéo bánh gỗ che kín. Ở lại Nhà Chung (Thanh Hóa) trong 3 tuần lễ, ông Nhu lên thẳng Bái Thượng, ông Tuyến từ giã ông Nhu, rồi được linh mục Trọng hướng dẫn lên châu Thường Xuân (Hòa Bình).

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 2
Bà Trần Lệ Xuân

Ở đây ít ngày, ông lại được vị linh mục thuộc họ đạo Mường đưa qua Sầm Nưa theo ngả đường rừng.

Trong thời gian này, ông chịu ơn các linh mục địa phận Thanh Hóa. Về sau, ông còn nhớ mãi ơn người đó. Linh mục Trọng đã cho ông mượn tấm áo “soutane” (linh mục) để hóa trang trên bước đường trốn tránh”.

Chính tại khu an toàn Phát Diệm - Thanh Hóa, Nhu và một nhóm tu sĩ trí thức đã thành lập đảng Cần Lao để làm hậu thuẫn cho chế độ Diệm tại miền Nam từ 1954 đến 1963. Các cán bộ nòng cốt đầu tiên của đảng này là luật sư Lê Quang Luật, Hoàng Bá Vinh, Trần Kim Tuyến, Đái Đức Tuấn (Mai Nguyệt) nhưng lúc đầu nhóm này lấy tên là nhóm Xã hội Công giáo (1946 - 1954).

Đến khi Nhu về tới Hà Nội thì được tin Lệ Xuân hãy còn ở Huế với gia đình mình, chưa dám đi đâu vì sợ bị bắt. Sau đó Nhu được tin Lệ Xuân về Đà Lạt ở với gia đình người chị là Lệ Chi, vì lúc đó người Pháp đã kiểm soát thành phố này.

Nhu cũng liên lạc được với người anh là Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long và người em ở Sài Gòn là Ngô Đình Luyện. Còn Ngô Đình Diệm thì bị chính quyền cách mạng bắt giữ ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa thắng lợi. Đến đầu năm 1946, Diệm được Bác Hồ thả ra, Diệm đã nhanh chân chạy vào Hà Nội.

Vào Hà Nội, Diệm ẩn náu trong nhà dòng Chúa Cứu Thế ở ấp Thái Hà (tức nhà thờ Nam Đồng). Ở đây, Diệm được các linh mục giúp đỡ để liên lạc với các nơi. Chính thời kỳ này, Diệm mới quen biết linh mục Nguyễn Văn Thính.

Cũng từ nhà thờ Nam Đồng, Diệm cho mấy đệ tử là Nguyễn Văn Châu (sau này là đại tá Giám đốc Nha Chiến tranh tâm lý, Bộ Quốc phòng chế độ Diệm), Đỗ Mậu (sau là đại tá Giám đốc Nha An ninh Quân đội) đi sang khu Phúc Xá để liên lạc với linh mục Bằng, tổ chức phong trào Lao động Công giáo, sửa soạn hậu thuẫn cho Diệm tham chính sau này.

Ít lâu sau, linh mục Bằng bị cách mạng bắt và mất tích, Diệm sợ nên phải chạy vô Sài Gòn ở với người em là Ngô Đình Luyện tại nhà số 2 đường Armand Rousseau (Nguyễn Văn Tráng hiện nay)...

(còn tiếp)

Lý Nhân