Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 6)

12:30 | 25/02/2019

16,426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phần trên, chúng ta đã nghe nói nhiều đến đám quần thần của Lệ Xuân và những “đặc điểm” của họ. Họ là những người như thế nào tưởng cũng nên biết qua. Phần lớn bọn họ là loại xuất thân vợ lính Tây, khố đỏ, khố xanh, học hành chữ nghĩa lôm côm, nhưng lại thích đua đòi, lên mặt với thiên hạ.   
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 6Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 5)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 6Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 4)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 6Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 3)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 6Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 6Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1)

Có lần chúng tôi dự một buổi lễ của Phong trào Liên đới Phụ nữ, bữa đó Lệ Xuân không dự mà ủy quyền cho người phó của mình là bà Nguyễn Thị Minh (vợ tướng Nguyễn Văn Là) chủ tọa. Bà Minh cũng diện áo dài “kiểu bà Nhu”, cầm giấy ra đọc: “Hôm nay, tôi lấy làm hân hạnh thay mặt bà Cố vấn, chủ tịch Phong trào Liên đới Phụ nữ, xin kính chào quan khách và xin bế mạc buổi lễ bắt đầu”. Nghe vậy, tất cả hội trường ngẩn ra chẳng biết ất giáp gì, nhưng nhìn lên thì thấy bà chủ tọa không hề đính chính câu nói, lại còn đọc tràng giang đại hải lời kêu gọi của “bà Cố” gởi chị em phụ nữ và đồng bào. Cũng cần nói thêm, bà Minh còn là “dân biểu” đơn vị Biên Hòa trong Quốc hội của Diệm.

Tất nhiên, bên cạnh những người như bà Minh cũng còn có những bà có học thức, học vị hẳn hoi làm việc trong văn phòng của Lệ Xuân (chẳng hạn như bà Khánh Trang). Các bà này đã soạn thảo diễn văn, văn bản, điều lệ… và nhất là nghi lễ xã giao đón tiếp các bậc phu nhân nước ngoài đến thăm viếng. Chẳng hạn như lúc phu nhân Phó Tổng thống Mỹ là Bird Johnson sang thăm Sài Gòn, bà Khánh Trang làm thông dịch viên tiếng Anh cho Lệ Xuân vì Lệ Xuân chỉ thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh biết ít sợ nói sai, thất thố.

Các bà này cũng đã giúp Lệ Xuân tránh nhiều vụ xì-căng-đan về văn tự. Có lần Lệ Xuân dự phiên họp Quốc hội khóa đầu năm 1959, bà ta đã công khai đả kích một số dân biểu ngay tại diễn đàn Quốc hội: “Ai chống đối luật gia đình chỉ là những kẻ ích kỷ, hèn nhát, muốn lấy “vợ lẽ”. Thái độ chống đối đó thật hèn”. Vì mấy câu nói trên mà mấy ông dân biểu quyết làm to chuyện và đòi Lệ Xuân phải xin lỗi về thái độ hống hách của bà ta. Cuối cùng, Lệ Xuân phải ra một thông cáo cải chính là bà ta nói các dân biểu “thất hẹn”. Dĩ nhiên, ai cũng biết rằng vụ cải chính này có “đầu óc” của những bà cố vấn của Lệ Xuân.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 6
Trần Lệ Xuân và con gái lớn

Nói về vụ chụp hình lõa thể các nhân vật có tên tuổi thì trên thế giới người ta đã thực hiện từ nửa thế kỷ trước rồi. Đa số những tấm hình này đều thật và do những tay gián điệp nhà nghề chụp được.

Sau cuộc đảo chính Diệm ngày 1.11.1963, một số tờ báo ở Sài Gòn đã cho in hình một phụ nữ nằm khỏa thân và chú thích là hình Trần Lệ Xuân , vợ Ngô Đình Nhu. Mục đích cốt để bán báo, đập vào thị hiếu của độc giả và bên trong còn ẩn ngầm sự trả thù với Lệ Xuân khi trước. Chúng tôi vì muốn xác minh sự thật đã đem tấm hình trên hỏi các vị có tên tuổi trong làng nhiếp ảnh như Cao Đàm, Cao Lĩnh, Mạch Đan, Lại Hữu Đức, Nguyễn Văn Mùi… thì các vị trên chỉ trả lời rất lịch sự là: Nghề làm ảnh cũng như nghề làm bạc giả thôi. Và, các vị trên còn phân tích, một phụ nữ đã có bốn mặt con, người lại thấp như Lệ Xuân mà sao hình người nằm ở đây lại có bộ ngực căng phồng, gọn gàng như cô gái 20, còn chân thì thon và dài như đầm. Còn bộ mặt, với kỹ thuật ghép hình của các tay chụp ảnh nhà nghề thì chẳng có gì là khó.

Viết đến đây, chúng tôi lại nhớ đến vụ Lon Nol bên Miên dạo xưa đã ghép hình bà Monique nằm khỏa thân vì Lon Nol có mục đích nhằm bôi họ ông hoàng Sihanouk. Song, trường hợp của Trần Lệ Xuân chúng tôi lại thấy là “chuyện có đi có lại”. Số là vào cuối tháng 10.1963, Liên hiệp quốc đã cử một phái đoàn do ông Abdui Rahman Pazhwak dẫn đầu đến Sài Gò ngày 24.10.1963, trong phái đoàn có đại biểu các nước Afghanistan, Maroc, Nepal, Tích Lan, Brazin và Costa Rica. Cố vấn Ngô Đình Nhu đã phân trần khá lâu với phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc về vụ Phật giáo - có tin đồn nhân viên phái đoàn được chiều chuộng đặc biệt bằng mọi cách.

Sau này, ông Đỗ Mậu viết rõ trong hồi ký như sau:

“Sau nhiều phiên họp, hội viên các quốc gia trong tổ chức Liên hiệp quốc quyết định gửi một phái đoàn đến Việt Nam để điều tra. Ngày 24.9 (tháng 10 mới đúng - L.N), tuy đại sứ Bửu Hội đại diện chính phủ Ngô Đình Diệm phản đối quyết định đó, nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận cuộc điều tra của phái đoàn Liên hiệp quốc. Chấp nhận không chỉ vì áp lực quốc tế, mà còn vì Ngô Đình Nhu đã nuôi sẵn thủ đoạn đánh lừa và mua chuộc nhân viên Liên hiệp quốc. Trong những mưu mô của Ngô Đình Nhu, thủ đoạn dơ bẩn nhất là tổ chức cho nhân viên phái đoàn chăn gối với gái điếm để rồi chụp hình làm “áp lực”. Nghĩa là nhân viên nào không chịu bênh vực lập trường nhà Ngô thì Ngô Đình Nhu sẽ đưa ra những tấm hình kia trước công luận để bôi nhọ nhân viên ấy, đồng thời làm mất uy tín quốc gia của nhân viên đó. Những tấm hình này sau đã bị Thủy quân lục chiến thu được tại phòng giấy của Ngô Đình Nhu trong dinh Gia Long ngày 2.11.1963”.

Những tấm hình trên sở dĩ không kịp trưng ra để làm “áp lực” với phái đoàn Liên hiệp quốc nói trên khi điều tra về vụ Phật giáo vì chế độ Diệm đã bị lật đổ.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 6
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 6)

Luật gia đình hay “Luật bà Nhu”?

Như chúng ta đã biết, vào năm 1959, Ngô Đình Diệm đã cho ban hành một đạo luật tại miền Nam gọi là Luật gia đình số 1/59 gồm 135 điều, cấm ly dị, cấm đa thê, truất quyền của con ngoại hôn. Đạo luật này do dân biểu Trần Lệ Xuân dự thảo và trình bày trước Quốc hội ngày 13.12.1957. Khi đem dự thảo của luật trên ra thảo luận để biểu quyết tại Quốc hội, thì có nhiều ông dân biểu chống đối, nên cuộc thảo luận trở nên rất sôi nổi. Trần Lệ Xuân tức giận vì bị các ông dân biểu phản đối nên bẽ mặt, tức giận bỏ phòng họp ra về.

Cái Luật gia đình đó thực sự do một số dân biểu như Nguyễn Phương Thiệp, Lại Tư và một số luật gia khác soạn thảo, rồi Lệ Xuân góp ý sửa đổi thêm bớt vào, sau đó đem ra Quốc hội thảo luận để biểu quyết. Vì vậy lúc đó dân chúng gọi là “Luật bà Nhu” mà ít ai gọi là “Luật gia đình”. Báo chí trong và ngoài nước thời đó cũng đả kích rất nhiều, vì họ cho là đạo luật đã đi ngược lại truyền thống sinh hoạt của gia đình Việt Nam và nhất là không phù hợp với tình hình chính trị xã hội lúc bấy giờ.

Sự thực thì cái luật gia đình của Trần Lệ Xuân được ban hành cấp tốc không hẳn tác giả nó muốn bảo vệ gia đình chung cho người phụ nữ Việt Nam mà còn có một thâm ý riêng. Thời đó, Trần Lệ Xuân có người chị ruột là Trần Lệ Chi, chồng là luật sư Nguyễn Hữu Châu đang làm Bộ trưởng Phủ Tổng thống cho Ngô Đình Diệm, nhưng vợ chồng Nguyễn Hữu Châu có sự “cơm không lành, canh không ngọt” sao đó khiến hai người phải sống ly thân, rồi ông Châu làm đơn ly dị vợ.

Trong vụ này, có nhiều lời đồn đãi là bà Lệ Chi có tư tình với nhiều người khiến ông chồng mất mặt, nên xin ly dị. Nhưng cũng có người cho là ông Châu có nhân tình nên bà vợ mới trả thù bằng cách “ông ăn chả, bà ăn nem” công khai cho biết tay. Và, theo như một cận thần của chế độ Ngô Đình Diệm là Nguyễn Thái đã tiết lộ thì: “Việc cho ban hành đạo luật của bà Nhu cho thấy chế độ Ngô Đình Diệm đang đi đến một khúc quanh làm nổi bật bà Nhu như là một trung tâm quyền lực quan trọng nhất.

Với đạo luật gia đình, lần đầu tiên bà ta đã chứng tỏ công khai bà là người thực sự nắm quyền tại miền Nam. Đạo luật được thông qua đúng lúc địa vị của ông Nguyễn Hữu Châu bị lung lay. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Châu là nhân vật quan trọng thứ hai sau Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nổi tiếng là một luật sư thành công nhất Sài GÒn, lại là con cháu một đại phú gia tại Gò Công, ông Nguyễn Hữu Châu được coi là một Bộ trưởng liêm khiết và tài ba của chế độ Diệm.

“Tại Sài Gòn, từ năm 1957, những ai từng biết tình cảnh gia đình của ông Châu đều lo âu cho sự nghiệp chính trị của ông ta sẽ bị lung lay và đều nghi ngờ sự thất sủng của Tổng thống Ngô Đình Diệm đối với ông Châu có liên hệ đến đạo luật gia đình của bà Nhu. Họ bảo rằng khi nào ông Châu quyết định ký giấy ly dị vợ ông ta, một người đang sống với tình nhân tại Paris, tức là lúc ông ký bản án chôn vùi sự nghiệp chính trị của mình. Dù đúng hay không thì giới trí thức Sài Gòn đều giải thích rằng luật gia đình của bà Nhu đã ngăn cản ông Châu ly dị vợ. Những điều quan trọng trong đạo luật gia đình lại là những điểm nói về tài sản của hai vợ chồng khi xảy ra ly dị như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Châu. Những tài sản của cặp vợ chồng ly dị vẫn là tài sản chung cho đến khi có phán quyết của tòa án, tài sản sẽ thuộc về người thắng cuộc, trong khi gia đình ông Diệm còn cầm quyền, bà Nhu vẫn còn là nữ hoàng, thì bà chị bà, là người đàn bà ngoại tình Trần Lệ Chi, chắc chắn sẽ thắng kiện và ông Châu sẽ mất hết gia tài, sự nghiệp. Vì lý do đó nên vấn đề ly dị chưa phải là vấn đề trầm trọng của xã hội Việt Nam mà bỗng nhiên đưa ra để cấm ly dị…”

Ngoài ông Nguyễn Thái đã tiết lộ những điều đó trên báo chí, ông Phan Xứng cũng là kẻ thân tình của nhà Ngô đã tiết lộ rằng: “Bà Trần Lệ chi từ lâu đã sống với một người Pháp tên Ogery vốn là chủ nhân một garage tại Đà Lạt. Dân chúng Đà Lạt đã hết lời nguyền rủa người đàn bà lăng loàn đó, thế mà bà Nhu lại lạm dụng quyền hành, bất chấp đạo lý, bất chấp dư luận quần chúng, xuống tay làm luật gia đình mong hại người anh rể, hại kẻ hiền tài”.

Vì những lý do trên, ngày 4.5.1958, ông Châu đã xin từ chức Bộ trưởng và không hợp tác với chế độ gia đình trị họ Ngô nữa. Sau đó, ông Châu đã bí mật sang Cao Miên, rồi sang Pháp lập nghiệp, lại mở văn phòng luật sư và cưới một cô đầm trẻ, có học thức tại Paris

(Còn tiếp...)