Tràn lan biển hiệu quảng cáo bằng chữ nước ngoài

07:26 | 15/05/2017

2,840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh đất nước mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, việc đông đảo người nước ngoài đến du lịch, làm việc và sinh sống tại Việt Nam là điều dễ hiểu. Cùng với đó, các hoạt động dịch vụ hướng tới đối tượng là người nước ngoài cũng phát triển mạnh mẽ.

Sẽ không có gì đáng nói nếu các biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài này tuân thủ các quy định về luật pháp của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài đang được dựng lên tràn lan, từ Anh đến Nhật, từ Pháp đến Hàn… Trên rất nhiều biển quảng cáo chữ viết bằng tiếng nước ngoài lấn át chữ Việt, đặc biệt có nhiều biển quảng cáo chỉ có chữ viết nước ngoài.

tran lan bien hieu quang cao bang chu nuoc ngoai

Người Việt Nam có lẽ chỉ đọc được địa chỉ của biển hiệu quảng cáo này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo thì trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP cũng quy định biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

Đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về biển hiệu, theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng, không ghi đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu. Ngoài ra tổ chức, các nhân còn phải có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tháo dỡ biển hiệu vi phạm.

tran lan bien hieu quang cao bang chu nuoc ngoai

Các biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài tại một đoạn đường ở khu Đình Thôn.

Luật quy định là như vậy, nhưng tại Khu Đô thị Mỹ Đình, phường Mễ Trì và khu Đình Thôn, phường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thể dễ dàng thấy la liệt các biển hiệu quảng cáo bằng tiếng Hàn Quốc trên các khu phố.

Trên phố Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) và phố Kim Mã (Ba Đình) cũng dễ dàng nhìn thấy các biển biệu bằng đủ các chữ nước ngoài, vi phạm quy định về chữ viết trên biển hiệu quảng cáo.

Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật nước ta lại có những quy định về sử dụng chữ viết trên các biển hiệu quảng cáo. Bởi chữ viết chính là biểu tượng của mỗi quốc gia. Việc sử dụng ngôn ngữ quốc gia đúng quy định còn thể hiện chủ quyền của quốc gia.

Rộng hơn, ngôn ngữ chính là con đường để tìm hiểu nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Việc người nước ngoài đến Việt Nam phải học ngôn ngữ của chúng ta cũng dễ hiểu như việc người Việt Nam khi ra nước ngoài phải nắm được ngôn ngữ của nước khác để hòa nhập vào cuộc sống nước sở tại. Qua việc sử dụng tiếng Việt, người nước ngoài ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều điều kiện để tìm hiểu nền văn hóa của đất nước ta. Từ đó, chúng ta có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế.

tran lan bien hieu quang cao bang chu nuoc ngoai

Chữ viết Việt Nam “khiêm tốn” đứng dưới chữ nước ngoài trên biển hiệu này.

Là biểu tượng của đất nước, ngôn ngữ, chữ viết của Việt Nam phải được bảo vệ và phát huy. Hàng ngày, trên báo chí và các phương tiện truyền thông chúng khác chúng ta đều không ngớt nói về sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt và nhấn mạnh phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy mà trên các biển hiệu quảng cáo ở các tuyến phố đông đúc, nhộn nhịp chúng ta lại lãng quên ngôn ngữ của đất nước mình.

Nguyễn Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc