TPP: Xuất khẩu gạo khó tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Đình Bích, Nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công Thương, mặc dù cộng đồng TPP rất mạnh về lương thực nói chung nhưng chủ yếu là lúa mì, ngô và các loại ngũ cốc khác còn về lúa gạo thì rất hạn chế. Sản lượng gạo của Việt Nam chiếm hơn 50% tổng sản lượng gạo trong TPP. Do đó, TPP mở ra thị trường khổng lồ, cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vì chắc chắn điều kiện nhập khẩu gạo trong nội khối sẽ ưu đãi hơn so với bên ngoài.
Tuy nhiên, nhiều khả năng chúng ta sẽ chỉ tận dụng được rất ít cơ hội này. Bởi các phân tích cho thấy, trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn năm 2014 của nước ta, thị trường lớn nhất trong TPP là Malaysia chỉ đạt 473 nghìn tấn, đứng thứ hai là Singapore với chỉ 186 nghìn tấn và đứng thứ ba là Hoa Kỳ với chỉ 67 nghìn tấn. Còn lại, ba quốc gia khác có nhập khẩu gạo của Việt Nam là Brunei, Chi Lê, Australia thì chỉ với tổng số lượng là 34 nghìn tấn.
Như vậy, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào TPP năm 2014 chỉ hơn 700 nghìn tấn, trong khi đó 11 quốc gia trong TPP này đã nhập khẩu tổng cộng là 4,69 triệu tấn gạo. Điều đó cho thấy, các nước trong TPP hiện không chuộng gạo Việt Nam.
|
Xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo sẽ khó tận dụng cơ hội từ TPP |
Các chuyên gia đánh giá, nhiều lý do khiến gạo Việt nam khó có thể gia tăng mạnh xuất khẩu vào các thị trường trong TPP. Do gạo nước ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hoá chất và không truy xuất được nguồn gốc.
Lấy ví dụ với thị trường Nhật Bản, năm 1990 Nhật Bản đã nhập khẩu 15 tấn gạo của Việt Nam và đến năm 2005 đạt kỷ lục nhập khẩu gần 200 nghìn tấn nhưng sau đó giảm mạnh và đến năm 2010 thị trường này bắt đầu chấm dứt việc nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Trong khi quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản trong ba thập kỷ qua phát triển rất tốt đẹp thì việc các nhà nhập khẩu gạo Nhật Bản bỏ rơi gạo Việt nam suốt 5 năm qua cho thấy, để khôi phục lòng tin của thị trường là hết sức khó khăn và cũng cho thấy việc đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu có vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài vấn đề chất lượng, các nhà phân tích cũng cho rằng, mặt hàng gạo của Việt Nam còn quá nghèo nàn, không có nhiều loại để lựa chọn, không đáp ứng nhu cầu thị hiếu của các khách hàng khác nhau. Cho nên cũng không thể tăng mạnh khối lượng xuất khẩu vào những thị trường không chỉ đòi hỏi về an toàn thực phẩm mà còn đòi hỏi rất cao về nhiều yếu tố khác như TPP.
Đặc biệt, việc sản xuất các loại gạo đặc sản lâu nay ở nước ta rất hạn chế, đã có một số doanh nghiệp nhỏ chuyển hướng vào sản xuất các loại gạo hữu cơ, gạo “chức năng”, gạo “thảo dược” nhưng không được khuyến khích tạo điều kiện phát triển.
Theo ông Nguyễn Đình Bích, với tình hình hiện nay, điều kiện tiên quyết để tận dụng tốt cơ hội TPP có thể mang lại cho xuất khẩu gạo là xây dựng cho được thương hiệu gạo Việt nam. Đồng thời, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các tiềm năng sinh học và sinh thái phong phú của nước ta để đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Mai Phương