TP HCM: Vận tải hành khách công cộng dần được mở lại

15:33 | 11/10/2021

189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trên tinh thần chung sống an toàn với Covid-19, TP HCM từng bước mở lại các hoạt động vận tải hành khách công cộng nội đô; vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường hàng không và tới đây, từ ngày 13/10, vận tải hành khách tuyến cố định đường bộ sẽ được nối lại.

Từ chiều ngày 7/10, dịch vụ xe công nghệ chở khách được mở lại trên địa bàn TP HCM để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Riêng xe công nghệ 2 bánh chưa hoạt động. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Sở Giao thông vật tải (GTVT) TP HCM giới hạn số lượng xe, tài xế và phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phòng dịch mới được phép hoạt động.

TP HCM: Vận tải hành khách công cộng dần được mở lại
Xe buýt được yêu cầu chở không quá 50% công suất (ảnh minh họa)

Sau 3 ngày hoạt động, các hãng xe công nghệ chở khách đã duy trì tốt hoạt động theo quy định của Sở GTVT TP. Theo đó, mỗi hãng xe công nghệ chạy không quá 10% số xe đăng ký. Xe có mã QR khi hoạt động. Trong suốt quá trình hoạt động, tài xế khử khuẩn liên tục, mở kính xe không bật điều hòa, duy trì nhiệt độ từ 26 độ trở lên, chủ động nhắc nhở hành khách tuân thủ nguyên tắc 5K phòng dịch... Hành khách đi xe phải có thẻ xanh Covid-19 và khai báo y tế trước khi thực hiện chuyến đi...

Đối với xe taxi, Sở GTVT TP HCM cho các hãng hoạt động với 20% đầu xe đăng ký.

Xe buýt cũng được mở dần hoạt động từ ngày 5/10. Theo đó, 4 tuyến xe buýt đầu tiên được thí điểm chạy lại tại huyện Cần Giờ, gồm tuyến 77 (Đồng Hòa - Cần Thạnh), tuyến 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh), tuyến 127 (An Thới Đông - ngã ba Bà Xán), tuyến 128 (Tân Điền - An Nghĩa). Đây là các tuyến hoạt động trong vùng xanh. Các xe được yêu cầu chở không quá 50% công suất. Sau một tuần hoạt động cho thấy công tác phòng dịch được đảm bảo, tuy nhiên lượng khách còn ít.

Trong khi đó, từ ngày 10/10, chuyến bay nội địa đầu tiên từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng đã được thực hiện. Do ảnh hưởng của bão nên chuyến bay đến miền Trung bị hủy do bão; các chuyến bay từ TP HCM đi các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thực hiện được vì không có khách đăng ký...

Theo kế hoạch thí điểm các chuyến bay thương mại từ ngày 10/10 đến hết ngày 20/10, mỗi ngày sẽ có 13 chuyến từ TP HCM đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ng.

Trong thời gian thí điểm, các hãng hàng không chỉ ưu tiên tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.

Đáng chú ý, từ ngày 13 đến 20/10, xe khách liên tỉnh tại TP HCM sẽ được chạy thí điểm với tối thiểu 5% và tối đa 30% số chuyến trong ngày, hành khách ngồi giãn cách.

Theo đó, với hành khách từ địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương có nguy cơ tương đương, hoạt động vận tải được tổ chức bình thường.

Thành phố đề xuất 3 giai đoạn tổ chức vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ. Giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến 15/11, mỗi tuyến khai thác 3-5 chuyến/ngày (riêng các tuyến có tần suất khai thác trên 100 tuyến/ngày trước dịch sẽ khai thác tối đa 15 chuyến/ngày). Số khách trên xe không quá 50% công suất (trừ xe giường nằm).

Giai đoạn 2 từ ngày 15 đến 30/11, tần suất khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại của hành khách, riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày.

Giai đoạn 3, sau ngày 30/11 đến hết tháng 12, tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến (đã được chấp thuận khai thác trước thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Theo đề xuất của thành phố, để tham gia vận tải hành khách liên tỉnh, hành khách đi từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong 6 tháng; có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong 72 giờ.

Trường hợp người không đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định thì phải có xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm nhanh âm tính.

Nếu đi từ địa phương có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương có nguy cơ cao hơn, hành khách phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong 72 giờ trước khi lên ô tô; thực hiện biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế; không lên xe khi ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau họng...

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan