TP HCM: Cần một nhà hát giao hưởng đúng tầm

11:00 | 21/04/2013

1,149 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hơn 10 năm qua, Nhà hát giao hưởng vũ kịch TP HCM (HBSO) luôn phải đi “ăn nhờ ở đậu”. Vì vậy, để HBSO có thể “an cư lập nghiệp” vừa qua UBND thành phố đã có quyết định thông qua việc xây dựng một nhà hát giao hưởng mới tại công viên 23/9. Tuy nhiên, quyết định này lập tức gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

“Ăn nhờ ở đậu”

Có thể nói, không một nhà hát nào phải di chuyển qua nhiều địa điểm và phải phân chia lực lượng ở khắp nơi như HBSO. Bà Nguyễn Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc HBSO cho biết: Trước đây, nhà hát “ở nhờ” rạp chiếu phim Khải Hoàn, sau đó là rạp Nhân Dân. Một thời gian sau, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM thấy không ổn mới cho nhà hát chuyển về “ở nhờ” trong trụ sở 2 của Sở. Đến cuối năm 2012, nhà hát chính thức được chuyển về ở tầng hầm của Nhà hát Thành phố cho đến nay. Tuy nhiên, về đây cũng chỉ có văn phòng, còn để lưu trữ nhạc cụ và tập luyện giao hưởng lại phải nhờ rạp Thanh Vân, tập vũ kịch, múa thì phải nhờ địa điểm của trường múa thành phố…

Việc phải đi “ăn nhờ ở đậu” khắp nơi đã khiến cho hoạt động của nhà hát gặp rất nhiều khó khăn như: việc sắp xếp giờ tập luyện, giờ biểu diễn đều phải phụ thuộc vào các đơn vị khác.

TP HCM cần một nhà hát giao hưởng đúng tầm

Mặc dù, mỗi bộ phận bị phân tán ra một nơi, nhưng trong thời gian qua, HBSO luôn nỗ lực cố gắng đem âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với người dân thành phố, đặc biệt là phổ cập bộ môn nghệ thuật này đến với giới sinh viên, học sinh, thiếu nhi, giới trí thức trẻ của thành phố.

Theo bà Hạnh, những buổi biểu diễn định kỳ của HBSO ở Nhà hát Thành phố gần đây luôn bán hết vé. Chẳng hạn như chương trình ballet “Kẹp hạt dẻ” đã diễn lại nhiều lần và lần nào cũng “cháy vé”. Hoặc như chương trình “Giai điệu mùa thu” kéo dài 3 đêm trong tháng 8 hàng năm và đêm nào cũng “cháy vé”… Không chỉ những chương trình nghệ thuật định kỳ của HSBO luôn thu hút khán giả mà những chương trình dành cho sinh viên, học sinh lúc nào cũng thu hút hàng ngàn sinh viên tham dự. Đó là những minh chứng cho sự cần thiết hay không cần thiết, gần gũi hay xa vời nghệ thuật hàn lâm với đời sống văn hóa nghệ thuật của người dân thành phố? Người dân thành phố đang dần yêu thích môn nghệ thuật này bên cạnh nhiều dòng nghệ thuật khác.

Bà Hạnh chia sẻ thêm, trong thời gian tới nhà hát rất cần một cơ sở vật chất cho riêng mình, để mọi thứ “quy về một mối” và được thống nhất trong quản lý. Đồng thời, điều này cũng tránh lãng phí tiền của và nhân lực khi bị rải ra khắp nơi như hiện nay. Và chỉ khi không phải chạy khắp nơi lo chỗ ở, chỗ tập luyện thì nghệ sĩ, nhân viên mới có thời gian tập trung luyện tập để nâng chất lượng nghệ thuật lên ngang tầm với  khu vực và quốc tế.

Nhu cầu cần thiết

Hiện nay, các nhà hát ở TP HCM khán phòng nhỏ, sức chứa chỉ dưới 500 ghế, sân khấu cũng nhỏ nên nhiều dàn nhạc giao hưởng lớn trong khu vực và Quốc tế không đến được Việt Nam và người dân cũng mất đi nhu cầu thưởng thức âm nhạc hàn lâm có tầm quốc tế và khu vực.

Bà Hạnh cho biết: Trước đây có những dàn nhạc giao hưởng lớn của các nước trên thế giới đến Việt Nam nghiên cứu các nhà hát để đưa dàn nhạc qua biểu diễn nhưng vì khán phòng các nhà hát quá nhỏ, không đúng chuẩn quốc tế cho nên họ không ghé. Cụ thể, dàn giao hưởng Philadelphia của Mỹ từng tới Thành phố đặt vấn đề muốn diễn ở một sân khấu lớn, sức chứa khoảng 1.000-1.500 ghế, có tiêu chuẩn quốc tế nhưng chúng ta không đáp ứng được; hoặc gần đây có dàn nhạc giao hưởng Thái Lan muốn qua biểu diễn nhưng họ “chê” khán phòng nhà hát Thành phố quá nhỏ không biểu diễn được.

Những dự án biểu diễn xuyên châu Á của các nước trong khu vực, xuyên châu lục của các nước châu Âu, châu Mỹ, đi lưu diễn tại Singapore, Thái Lan và muốn tới Việt Nam, nhưng chúng ta không có nhà hát chuẩn quốc tế cho nên họ đều không đến nước ta.

Trước nhu cầu bức thiết trên, vừa qua UBND TP HCM đã lên kế hoạch xây nhà hát giao hưởng mới ở vị trí là công viên 23/9. Nhà hát có diện tích khoảng 1,2 ha, chiếm hơn 10% diện tích công viên, quy mô của nhà hát sẽ có 1.700 chỗ ngồi. Dự kiến, công trình này sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Công viên 23/9 nơi dự kiến xây nhà hát giao hưởng thành phố

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng nhà hát trên một công viên cây xanh sẽ làm thu hẹp diện tích mảng xanh của thành phố. Nhưng bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kiến trúc lại đồng tình cho rằng việc xây dựng nhà hát không phá bỏ mảng xanh vì vị trí dự kiến xây ở cuối của công viên, thuộc đoạn không có quá nhiều cây xanh. Và việc xây dựng nhà hát còn tạo nên một quần thể văn hóa nghệ thuật cho thành phố.

Trước đây đã có nhiều địa điểm được đưa ra để đặt ví trí xây dựng HBSO như: Thảo Cầm Viên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, hội trường Diên Hồng, Công ty sổ xố kiến thiết thành phố… nhưng cuối cùng UBND thành phố đã quyết định chọn vị trí tại công viên 23/9 vì cho là hợp lý nhất.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng: Việc xây dựng nhà hát là cần thiết cho đời sống tinh thần của người dân. Việc này không thể trì hoãn mãi bởi thành phố đã dự định xây nhà hát giao hưởng từ hơn chục năm trước.

Ngoài ra, vị trí xây dựng ở công viên 23/9 rất thích hợp, bởi người dân có thể đến đây thưởng thức âm nhạc, dạo mát xung quanh khu quảng trường của nhà hát hay đến các trung tâm thương mại, một quần thể về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, công viên 23/9 vốn không phải là một công viên cây xanh đúng nghĩa mà trước đây là ga xe lửa. Sau đó, một dự án của nước ngoài chiếm gần hết diện tích của công viên, nhưng sau đó họ rút lui nên thành phố mới cho phép trồng cây xanh để giữ đất. Vì vậy, xây dựng nhà hát ở đây không là phá mảng xanh của thành phố mà sẽ có thêm một tòa nhà hài hòa với con người và môi trường, làm đẹp thêm cảnh quan của thành phố.

Mai Phương