Tính đến 15/8, cán cân thương mại khối FDI thặng dư 17,13 tỷ USD

14:36 | 21/08/2018

657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dữ liệu thống kế của Tổng cục Hải quan cho thấy, điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính và sản phẩm điện tử tiếp tục là những nhóm hàng có đóng góp lớn nhất vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tính đến giữa tháng 8.
Tính đến 15/8, cán cân thương mại khối FDI thặng dư 17,13 tỷ USD
Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2018 (từ ngày 1/8 đến ngày 15/8/2018) đạt 19,51 tỷ USD, giảm 17,1% (tương ứng giảm 4,03 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 7/2018.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 286,29 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 34,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017, trong đó:

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2018 đạt 9,73 tỷ USD, giảm 17,6% (tương ứng giảm 2,08 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2018. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2018, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 144,6 tỷ USD, tăng 16,1% (tương ứng tăng 20,05 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến 15/8, cán cân thương mại khối FDI thặng dư 17,13 tỷ USD

Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam

(Lũy kế đến 15/8/2018 so với cùng kỳ năm 2017)

So với nửa cuối tháng 7/2018, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2018 biến động giảm ở hầu hết các mặt hàng, trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh là điện thoại các loại và linh kiện giảm 18,8%, tương ứng giảm 448 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 20,2%, tương ứng giảm 305 triệu USD; hàng dệt may giảm 207 triệu USD, tương ứng giảm 13,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 164 triệu USD, tương ứng giảm 20,4%; sắt thép các loại giảm 54,1%, tương ứng giảm 154 triệu USD; giày dép các loại giảm 17,8%, tương ứng giảm 144 triệu USD…

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 6,84 tỷ USD, giảm 18,5% (tương ứng giảm 1,56 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2018. Như vậy, tính đến hết ngày 15/8/2018 tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 101,3 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 13,94 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017 và chiếm 70,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2018 đạt 9,78 tỷ USD, giảm 16,6% (tương ứng giảm 1,95 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2018. Tính đến hết ngày 15/8/2018, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 141,68 tỷ USD, tăng 11,4% (tương ứng tăng 14,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến 15/8, cán cân thương mại khối FDI thặng dư 17,13 tỷ USD

Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam

(Lũy kế đến 15/8/2018 so với cùng kỳ năm 2017)

So với nửa cuối tháng 7/2018, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2018 biến động giảm ở một số nhóm hàng sau: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 241 triệu USD, tương ứng giảm 15,1%; vải các loại giảm 135 triệu tương ứng giảm 21,7%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 123 triệu USD, tương ứng giảm 12,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 98 triệu, tương ứng giảm 5,2%....

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 8/2018 đạt 6,16 tỷ USD, giảm 15,7% (tương ứng giảm 1,14 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2018. Như vậy, tính đến hết ngày 15/8/2018, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 84,17 tỷ USD, tăng 11,4%, tương ứng tăng 8,6 tỷ USD, chiếm 59,4% tổng trị giá ngạch nhập khẩu của cả nước.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 8 năm 2018 tiếp tục thặng dư với mức 2,92 tỷ USD, trong đó, cán cân thương mại hàng hóa của khối FDI đạt thặng dư 687 triệu USD trong nửa đầu tháng 8/2018 và tính đến hết ngày 15/8/2018 đạt 17,13 tỷ USD.

Hải Anh

Thu trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ đưa bánh phồng tôm ra thế giới
Việt Nam nhập hơn 4 tỷ USD hàng dệt may từ Trung Quốc