Tin tức kinh tế ngày 1/9: Mỹ gia hạn điều tra với sản phẩm gỗ dán cứng từ Việt Nam
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng tháng 8 tiếp tục giảm
Ngày 1/9/2021, IHS Markit công bố báo cáo chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2021. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tháng 8/2021 của Việt Nam tiếp tục giảm còn 40,2 điểm so với 45,1 điểm trong tháng 7, cho thấy "sức khỏe" của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã giảm 3 tháng liên tiếp.
Trong đó có 3 điểm đáng chú ý: Đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay khiến sản lượng giảm mạnh; những biện pháp hạn chế khiến việc làm giảm mạnh nhất trong 16 tháng do những biện pháp hạn chế và thời gian giao hàng của các nhà cung cấp bị kéo dài ở mức kỷ lục mới. IHS Markit nhận định tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trầm trọng hơn trong tháng 8 khi bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở mức độ tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Sản xuất, tiêu thụ tôm sụt giảm
Ngành tôm hàng năm có giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng - chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm. Năm 2020, nhờ thành công trong việc kiểm soát Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ, xuất khẩu tôm đạt 3,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ khi các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêu thụ tôm bị đình trệ.Giá bán tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg, có địa phương giảm nhiều hơn. Giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm, khiến hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động vì Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu.
Mỹ gia hạn điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán cứng từ Việt Nam
Bộ Thương mại Hòa Kỳ (DOC) vừa thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Việt Nam. Theo đó, cơ quan này dự kiến sẽ ban hành kết luận điều tra vào ngày 24/11/2021 (đối với nội dung điều tra về phạm vi sản phẩm) và ngày 20/4/2022 (đối với nội dung điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại).
Đây là lần thứ hai DOC gia hạn thời gian điều tra vụ việc. Trước đó, ngày 11/3/2021, DOC đã gia hạn thời gian ban hành kết luận điều tra đến ngày 24/8/2021.
Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát trái phiếu doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu: Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Đồng USD giúp giá vàng trụ vững trước sức ép từ chứng khoán
Ghi nhận vào đầu giờ ngày 1/9, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.814,41 USD/ounce, tăng khoảng 4 USD so với cùng thời điểm ngày 31/8. So với đầu năm 2021, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 187 USD. Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 50,38 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 7,02 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 10/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.814,3 USD/ounce, giảm 1,3 USD/ounce trong phiên.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 31/8, giá vàng 9999 hiện được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh đứng ở mức 56,70-57,40 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,50-57,50 triệu đồng/lượng. Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,70-57,70 triệu đồng/lượng.
OPEC bơm khối lượng dầu thô cao nhất kể từ tháng 4/2020
Trong tháng 8 vừa qua, OPEC đã bơm khối lượng dầu thô cao nhất kể từ tháng 4/2020, sau khi liên minh OPEC+ đồng ý nới lỏng cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8.
Theo đó, nhóm OPEC đã khai thác 26,93 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tăng 210.000 thùng/ngày so với sản lượng ước tính vào tháng 7, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy. Mặc dù OPEC tiếp tục tăng sản lượng khai thác, song mức tăng trong tháng 8 so với tháng 7 thấp hơn dự đoán do gián đoạn khai thác và xuất khẩu tại một số quốc gia thành viên. Sự gia tăng sản lượng dầu của OPEC diễn ra sau khi nhóm OPEC+ đạt được thống nhất về việc họ sẽ bắt đầu mang 400.000 thùng/ngày trở lại thị trường vào mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 8 cho đến khi phục hồi tất cả mức cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày. OPEC+ đã đồng ý gia hạn thỏa thuận hiện tại từ tháng 4/2020 cho đến hết tháng 12/2022.
M.C
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
-
Tin tức kinh tế ngày 9/5: Hơn 165.000 gian hàng thương mại điện tử đóng cửa
-
EVN điều chỉnh tăng giá điện thêm 4,8%
-
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư
-
Ngành công nghiệp LNG Mỹ đưa ra cảnh báo mới