Tin tức kinh tế 9/10: Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước gấp 3 khối FDI

07:00 | 10/10/2019

994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới; Chính phủ xin miễn 5.000 tỷ đồng tiền tài nguyên nước, khoáng sản; Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước gấp 3 khối FDI; Tỷ trọng GDP khu vực hợp tác xã có xu hướng giảm mạnh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 9/10.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 67 thế giới về năng lực cạnh tranh, tăng 10 bậc so với năm ngoái.

tin tuc kinh te 910 nang luc canh tranh cua viet nam tang manh nhat the gioi
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới

Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được WEF công bố, Việt Nam xếp thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm nay với 61,5 điểm trên thang 100. So với năm ngoái, Việt Nam tăng 10 bậc, chỉ khác là năm ngoái có 140 nền kinh tế trong khi năm nay là 141 nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia tăng nhiều nhất và cũng là duy nhất trên thế giới.

Trong 12 trụ cột của WEF, Việt Nam được đánh giá cao nhất tại Sức khỏe, với 81 điểm, đứng thứ 71. Thấp nhất là Năng lực sáng tạo, chỉ được 37 điểm, đứng thứ 76. Dù vậy, lĩnh vực này đã có cải thiện so với năm ngoái. Nhìn chung, gần như tất cả lĩnh vực của Việt Nam đều tăng điểm.

Với 103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ phân thành 4 nhóm chính gồm: Môi trường thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin - viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá), WEF xếp hạng các nền kinh tế. Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.

Trong báo cáo của WEF năm nay, Mỹ đã mất ngôi nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới và nhường lại cho Singapore. Hai quốc gia này được chấm điểm lần lượt 84,8 và 83,7.

Top 10 chủ yếu là các đại diện châu Âu, gồm Hà Lan (4), Thụy Sĩ (5), Đức (7), Thụy Điển (8), Anh (9) và Đan Mạch (10). Còn lại là ba nền kinh tế châu Á Singapore (1), Hong Kong (3) và Nhật Bản (6). Đông Á - Thái Bình Dương vì vậy là khu vực cạnh tranh nhất thế giới, theo sau là châu Âu và Bắc Mỹ.

Báo cáo năm nay tập trung vào vấn đề tăng trưởng năng suất lao động trên toàn cầu liên tục ở mức thấp sau 10 năm khủng hoảng tài chính. WEF gọi đây là câu hỏi 10.000 tỷ USD - số tiền mà 4 ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã bơm ra giai đoạn 2008-2017. Quan điểm của tổ chức này là nới lỏng tiền tệ giúp kéo nền kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái, nhưng không phải giải pháp cho mọi vấn đề.

Chính phủ xin miễn 5.000 tỷ đồng tiền tài nguyên nước, khoáng sản

Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu và miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010 và tài nguyên nước nêu tại Luật Tài nguyên nước 2012, lần lượt có hiệu lực 1/7/2011 và 1/1/2013.

Tuy nhiên, do chậm ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết mức thu, phương pháp thu, nên Chính phủ thấy "khó khả thi" khi hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong 2,5 năm (7/2011-1/2014) và tiền tài nguyên nước trong hơn 4 năm (1/2013-9/2017).

tin tuc kinh te 910 nang luc canh tranh cua viet nam tang manh nhat the gioi
Chính phủ xin miễn 5.000 tỷ đồng tiền tài nguyên nước, khoáng sản

Cụ thể, Nghị định 203 quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ban hành vào 1/1/2014, chậm 2 năm 6 tháng sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực. Còn Nghị định 82 hướng dẫn chi tiết Luật Tài nguyên nước ra đời sau 4 năm 8 tháng, ngày 1/9/2017, khi luật có hiệu lực.

Vì thế, cơ quan này đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, lần lượt từ 1/1/2014 và 1/9/2017, thay vì trùng với thời điểm Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực trước đây. Số tiền ước tính miễn thu khoảng 5.000 tỷ đồng.

Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước gấp 3 khối FDI

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tính tới hết quý III, xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, bằng 73,9% kế hoạch năm.

Bên cạnh những con số về ngành hàng hay thị trường xuất khẩu, điểm đáng lưu ý nhất trong "bức tranh" xuất khẩu hàng hóa là sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp nội địa.

Bộ Công Thương nêu rõ: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 5%. Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với mức tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.

Đáng chú ý hơn cả, năm nay, khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3%. Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo, cao su... của khối doanh nghiệp trong nước đều đạt mức tăng trưởng tốt.

Dự báo, trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm.

Để đối mặt với vấn đề này, Bộ Công Thương xác định việc cần làm ngay là tận dụng cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát nhập khẩu vào Việt Nam và xử lý các vấn đề về lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ, Trung Quốc và cả các quốc gia khác.

Tỷ trọng GDP khu vực hợp tác xã có xu hướng giảm mạnh

Báo cáo của Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ KH&ĐT) cho thấy, về mô hình tổ hợp tác, hiện cả nước có 101.400 tổ hợp tác (tăng 0,58% so với năm 2003), thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia (tăng khoảng 57,3% so với 2003). Số lao động thường xuyên trong tổ hợp tác khoảng 1,1 triệu lao động (tăng 11,2% so với năm 2003) và doanh thu bình quân của mỗi tổ hợp tác đạt khoảng là 408 triệu đồng (tăng 75,7% so với năm 2003).

tin tuc kinh te 910 nang luc canh tranh cua viet nam tang manh nhat the gioi
Mô hình hợp tác xã tại Lâm Đồng

Về mô hình hợp tác xã, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng hợp tác xã tăng 59% so với năm 2003, trong khi số thành viên hợp tác xã lại có xu hướng giảm xuống (giảm 5,6% so với 2003). Số lao động làm việc trong hợp tác xã là 1,2 triệu người (tăng 14,8% so với năm 2003).

Theo đánh giá, số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả có xu hướng tăng lên (chiếm khoảng 57% tổng số hợp tác xã). Doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã năm 2018 đạt 4,4 tỷ đồng, (tăng gấp 5,2 lần so với năm 2003). Điều này kéo theo thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã cũng tăng lên, đạt 133% (từ 15,7 triệu đồng/năm trong năm 2003 lên 36,6 triệu đồng/năm trong năm 2018).

Đáng chú ý, số liệu của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác xã vào GDP của cả nước đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, sau 15 năm (2003-2018), tỷ trọng đóng góp của kinh tế khu vực hợp tác xã giảm xuống một nửa, từ 7,49% xuống còn 3,7% GDP. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình vẫn giữ vững sự ổn định, chiếm hơn 30% GDP cả nước.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong thời gian qua, các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực hợp tác xã còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng ước tính đạt 33,5 nghìn tỷ đồng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 420,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý III/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.246,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 941,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 13,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 148,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 9,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% và tăng 9,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 144,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% và tăng 9%.

tin tuc kinh te 910 nang luc canh tranh cua viet nam tang manh nhat the gioi
Điểm du lịch Cầu Vàng, Đà Nẵng

Tính chung 9 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.634,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,1%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 2.762,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,4%; lương thực, thực phẩm tăng 15,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13%; may mặc tăng 12%; phương tiện đi lại tăng 10,2%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay ước tính đạt 434,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng mức và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bình Định tăng 19,5%; Quảng Bình tăng 16,2%; Hải Phòng tăng 15,9%; Cần Thơ tăng 15,3%; Vĩnh Long tăng 11,9%; Hà Nội tăng 11,3%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 11,2%; Đà Nẵng tăng 10,3%.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng ước tính đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,6%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Tú Anh