Bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021:

Tiêu chí nào để sàng lọc ứng viên đại biểu Quốc hội?

07:10 | 05/03/2016

1,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều cử tri tỏ bày tỏ sự quan tâm đặc biệt trước việc lựa chọn người đại diện cho “tiếng nói” của người dân.

Không thể phủ nhận vai trò của ĐBQH trong thời đại mới ngày càng nặng nề. ĐBQH do dân bầu ra, nên bao giờ họ cũng mong mỏi người đại diện cho mình phải là những người không chỉ có trí tuệ, có trách nhiệm với dân, với nước mà còn phải là người phản ánh được mong muốn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân.

tieu chi nao de sang loc ung vien
Hình ảnh phiên họp Quốc hội 

Thế nhưng những năm trở lại đây, một số ĐBQH đã tự biến hình ảnh của mình trở thành “xấu xí” trong lòng cử tri.

Rất nhiều những hình ảnh xấu xuất hiện trong những phiên họp Quốc hội như: ĐBQH vắng mặt không có lý do, ĐHQH ngang nhiên làm việc riêng như đọc báo, ngủ gật trong phiên họp, rồi có hiện tượng ĐHQH nói xấu nhau… Thậm chí nhiều đại biểu cả nhiệm kỳ chẳng phát biểu một lời nào.

Điều này khiến bà Hà Thị Liên, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải than phiền: Đã đến lúc phải có tiêu chí để lựa chọn ĐBQH. Phải lựa chọn những đại biểu đạt tiêu chuẩn, vì nhiều đại biểu được bầu cho đủ cơ cấu, số lượng nhưng không có đóng góp gì cho Quốc hội, làm cho Quốc hội yếu đi. Nhiều khi cứ bầu cho đủ cơ cấu như phải đủ nữ, phải là người dân tộc… nhưng thực tế có nhiều đại biểu đi họp bao nhiêu khóa mà không thấy phát biểu gì.

ĐBQH phải mang tiếng nói của dân, những trăn trở của dân, khó khăn của dân đến với nghị trường… Vậy mà cả khóa, thậm chí cả nhiệm kỳ không hề phát biểu, dù là ở tổ. Vậy thử hỏi, vào Quốc hội để làm gì? Chưa kể, nhiều khi người dân còn phải đặt câu hỏi về “trình độ” của các ĐBQH khi đặt những câu hỏi quá “ngây ngô”. Và những lo ngại về vấn nạn “dọn dẹp hành lang”, “chạy ghế” vào Quốc hội thì vẫn đang còn đó.

Vậy nên, hơn lúc nào hết việc làm sao để chọn ra người thực sự xứng đáng vào hàng ngũ ĐBQH đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Phải chăng đã đến lúc cần cuộc cách mạng cho cuộc bầu cử tới đây?!

Nguyên phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông:

Cần tiêu chí để sàng lọc ứng viên

tieu chi nao de sang loc ung vien

Tôi rất ủng hộ việc tự tham gia ứng cử ĐBQH. Việc này thể hiện rõ ràng quyền con người mà Hiến pháp đã quy định, cũng như thể hiện một xã hội dân chủ với mong muốn nhiều người có đức, có tài sẵn sàng và tự nguyện đứng ra gánh vác trọng trách phát triển đất nước, đem lại lợi ích cho người dân.

Thông qua vấn đề này, có thể tìm ra những con người thực sự tâm huyết đại diện đóng góp tiếng nói của người dân vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Việc tự tham gia ứng cử sẽ là bàn đạp để những người có năng lực thật sự phát huy hiệu quả tiếng nói, đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước, nói lên thực trạng của địa phương và mong muốn của người dân để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, đây là một tín hiệu đáng mừng.

Tất nhiên, việc tự ứng cử ĐBQH rất dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình triển khai như: Sự lợi dụng và lạm dụng chức danh; người không đạt được các tiêu chuẩn vẫn hăng hái tham gia ứng cử tạo nên sự phức tạp cho cơ quan bầu cử. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm giảm đi những ý kiến của người dân khi đóng góp vào Quốc hội.

Do vậy cần có những quy định, tiêu chí rõ ràng về tiêu chuẩn của người tham gia ứng cử. Tránh tình trạng nhiều người tham gia ứng cử khi không đủ điều kiện, với tâm thế “không còn gì để mất”, tranh thủ vấn đề này cũng làm đơn tham gia gây phức tạp cho tổ chức và người dân trong việc lựa chọn cũng như sau này không thực thi được nhiệm vụ của đại biểu sẽ gây mất niềm tin cho quần chúng và ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội.

Quyền của người dân cần được phát huy tối đa trong việc lựa chọn người tham gia ứng cử ĐBQH.

Trong tình hình xã hội hiện nay, hiện tượng tiêu cực vẫn còn diễn ra khá phức tạp, ở đâu có lợi ích là rất dễ xuất hiện tiêu cực. Cho nên việc “chạy” vào Quốc hội hay HĐND đang manh nha xuất hiện. Ngay cả việc gần thời điểm bầu cử, nhiều cá nhân liên tục ủng hộ người tâm thần, thương binh, hộ nghèo… để lấy điểm cũng đã có. Do vậy, việc đưa ra những tiêu chí cụ thể để tránh việc lựa chọn những người không đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH là điều cần thiết.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, một số ĐBQH đã không làm tròn trách nhiệm của mình và vi phạm pháp luật dẫn đến bị bãi nhiệm như đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến; đại biểu Châu Thị Thu Nga. Điều này càng làm cho người dân cảm thấy lo lắng khi đưa ra quyết định lựa chọn một người đại diện tiếng nói của mình.

Thực tế, tại các kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu đưa ra những quan điểm rất ngẫu hứng trước Quốc hội trong khi những tâm tư, nguyện vọng của người dân lại không được nêu ra. Do vậy, việc đưa ra tiêu chí để sàng lọc những ứng viên tham gia ứng cử vào ĐBQH là thực sự cần thiết.

Trước mắt cần có những chữ ký tín nhiệm của người dân địa phương, nơi mà ứng cử viên ĐBQH sinh sống và làm việc để có thể có những đánh giá khách quan và công bằng nhất thông qua việc giám sát. Bằng việc làm này vừa có thể loại bỏ được những người không đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử, vừa có thể rút ngắn thời gian trong quá trình bầu cử.

Thứ hai, những ứng cử viên cần đưa ra những mục tiêu cụ thể rồi đối thoại trực tiếp trước người dân để có thể chứng minh được họ sẽ là người phù hợp nhất đại diện cho tiếng nói của người dân.

Thông qua đó, người dân có thể dễ dàng lựa chọn người đại diện cho họ bằng những mục tiêu cụ thể mà các ứng viên đưa ra. Đây là những sàng lọc ban đầu ở cấp cơ sở vừa phát huy được tính công bằng, vừa giảm tải công việc cho cơ quan Nhà nước  trong việc lựa chọn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để việc ứng cử ĐBQH thực sự phát huy được hiệu quả.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, ngày 4-1-2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Trong đó quan trọng nhất là các cấp cần có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Dự kiến cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22-5-2016.

Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội PGS.TS Bùi Thị An:

tieu chi nao de sang loc ung vien

Cần cảnh giác với những người toan tính vào Quốc hội

Trong Hiến pháp đã quy định rất rõ, mọi người có quyền bình đẳng như nhau trong việc tham gia ứng cử vào ghế ĐBQH nếu thấy mình đủ điều kiện tham gia cơ quan dân cử. Tôi được biết, ở thời điểm hiện tại đã có người chuẩn bị hồ sơ để tham gia ứng cử. Tuy nhiên, việc ứng cử đó với việc trúng cử còn là một quá trình.

Hiện nay, đã có một số nhà hoạt động tự ứng cử và công bố các cương lĩnh tranh cử của cá nhân mình. Nếu mục đích của họ không vì muốn lấy danh ĐBQH để hoạt động cho lợi ích cá nhân thì rất đáng hoan nghênh.

Tôi hy vọng, việc bầu cử cho nhiệm kỳ tới sẽ tạo ra một sự chuyển biến nhận thức của người dân về vấn đề chính trị, để từ đó dần hướng đến nền dân chủ thông qua lá phiếu bầu của mình.

Tất nhiên, những người ứng cử đừng nghĩ việc tham gia ứng cử là đã đặt một chân vào Quốc hội. Vì các ứng viên còn phải chứng minh được năng lực, tiếng nói thật sự của mình trước các cử tri. Quan trọng nhất, ứng viên phải thể hiện qua việc làm thiết thực từ những đề xuất và kiến nghị ý kiến của người dân trước cơ quan quyền lực cao nhất Nhà nước.

Việc sàng lọc, xem xét hồ sơ của các ứng viên ĐBQH là rất quan trọng. Đây là yếu tố quyết định việc ứng viên đó có đầy đủ năng lực để tham gia ứng cử hay không. Trên thực tế là những kỳ bầu cử gần đây, việc ứng viên tham gia ứng cử ngày càng nhiều nên đòi hỏi phải sàng lọc kỹ lưỡng. Sự cẩn thận ở tất cả các khâu sẽ tránh được để lọt các ứng viên không đủ năng lực tham gia vào ghế ĐBQH, để tránh hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Để làm được điều này thì trước tiên các cơ quan hiệp thương cần phải rà soát hết sức chặt chẽ và nghiêm túc lý lịch của các ứng viên khi tham gia ứng cử dựa trên những tiêu chí nhất định.

Thứ hai, cần lấy ý kiến người dân nơi mà ứng viên đó sinh sống để biết rõ về năng lực cũng như đóng góp của các ứng viên đó đối với xã hội như thế nào. Điểm mạnh, điểm yếu ra sao?

Thứ ba, cử tri phải thực sự sáng suốt trong việc lựa chọn ra người đại diện tiếng nói của mình. Bởi vì việc lựa chọn ĐBQH phải xuất phát từ 2 phía để đảm bảo tính khách quan và dân chủ. Cử tri cần phải thấy được trách nhiệm lá phiếu của mình trong việc lựa chọn ra người đại diện tiếng nói của mình trước Quốc hội.

Để làm được việc này cần phải cho cử tri có thời gian tìm hiểu những ứng viên tham gia ứng cử. Điều quan trọng là những ứng viên đó phải đại diện cho tiếng nói của cử tri để nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân trước Quốc hội, tránh việc bầu cử xong rồi mới cảm thấy tiếc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương:

tieu chi nao de sang loc ung vien

ĐBQH phải dám nói, dám làm

Điều cơ bản nhất là người ĐBQH phải có tâm muốn phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà hành động, chứ không phải vì các mục đích khác. Người dân đã bầu nên đại biểu thì người đó phải có sự nhiệt huyết, dám nói ra những tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc của nhân dân.

Chúng ta đang ngày càng phải quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và khi đó thì tính trách nhiệm của từng đại biểu cần phải cao hơn. Người dân cần biết thái độ của các đại biểu đại diện cho quyền lợi của mình là như thế nào, đồng ý/không đồng ý hay bỏ phiếu trắng trước những quyết sách quan trọng. Thực tế, có không ít đại biểu mập mờ với chính quan điểm của mình và kéo theo đó là sự không thỏa mãn của cử tri.

ĐBQH phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về hành vi, lời nói của mình; phải trải qua thực tế, tinh thông nghiệp vụ về lĩnh vực sắp tới được giao nhiệm vụ chuyên trách. Ví dụ trong lĩnh vực tư pháp thì khi đọc hồ sơ đại biểu phải biết được đâu là oan sai, đâu là ngụy tạo. Nếu không có trình độ thì chất lượng thẩm tra, giám sát rất hạn chế. Nếu đại biểu chuyên trách không có kinh nghiệm thực tiễn thì thường đến khi làm luật sẽ lấy luật hiện hành để soi chiếu, tức là lấy lá vàng của mùa thu trước để chắn nẻo xuân sang, kìm hãm sự phát triển.

Yêu cầu hàng đầu là công tác lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ về thời gian quy định cho từng công việc và chất lượng, số lượng người được giới thiệu thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặt khác, quá trình triển khai phải bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân…

Ứng viên ĐBQH phải xác định rõ mình sẽ là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Do vậy, việc lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân là hết sức cần thiết. Qua đó, đưa ra những kiến nghị đến Quốc hội nhằm đạt được những tín hiệu tích cực cho cộng đồng.

Để làm được những việc này theo tôi thông qua các buổi hội nghị cử tri chúng ta phải có sự phối hợp chặt chẽ với đoàn thể nhân dân, vận động cử tri đến họp, bảo đảm đủ số lượng, tỷ lệ người họp nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc đặc biệt chú trọng hoạt động giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức bầu cử, nhằm mục tiêu bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật.

Thứ hai, cần chú trọng chất lượng đại biểu ứng cử, không quan trọng số lượng được phân bổ hay giới thiệu tại cấp nào mà phải bảo đảm tính đại diện, trí tuệ, trình độ, xứng đáng để đưa ra nhân dân bầu vào các cơ quan dân cử.

Thứ ba, trong quá trình bầu cử bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ của các ứng viên cần đẩy mạnh việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử. Qua đó đôn đốc các cơ quan, tổ chức xem xét, giải quyết các đơn thư liên quan đến công tác bầu cử theo quy định. Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về công tác bầu cử để thể hiện tính dân chủ, minh bạch.

tieu chi nao de sang loc ung vien

Những tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội

Theo Điều 2 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-6-2015, quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của luật này”.

Để ứng cử là ĐBQH, cần đáp ứng các tiêu chí được quy định cụ thể tại Ðiều 3 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội sau:

1. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật.

3. Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Công dân ứng cử ĐBQH (người được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử) theo quy định của Luật Bầu cử này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử.

Những công dân có nguyện vọng ứng cử tự do vào Quốc hội ngay từ bây giờ có thể đến Ủy ban Bầu cử ở các địa phương để kê khai hồ sơ của mình. Các thủ tục này sẽ có người ở Ủy ban Bầu cử hướng dẫn chi tiết.

Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cụ thể như sau: Các ứng cử viên nộp hồ sơ trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 17-2-2016 và kết thúc vào lúc 17 giờ 00 ngày 13-3-2016. Riêng thứ Bảy, ngày 12-3-2016 và Chủ nhật, ngày 13-3-2016, Tiểu ban Nhân sự và Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Bầu cử các cấp cử người trực để nhận hồ sơ ứng cử.

Huyền Anh - Thảo Phượng