Tiếng nói thanh niên và văn minh xe buýt
Tại buổi tọa đàm, hơn 400 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP HCM đã đến tham dự và trực tiếp đưa ra nhiều câu hỏi với đại diện Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP HCM, những tài xế và người phục vụ xe buýt.
Các ý kiến xoay quanh những vấn đề nóng hiện nay như: Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu gây mất trật tự giao thông của các tài xế xe buýt; nạn trộm cắp, móc túi trên xe buýt; đề nghị tăng cường các phương tiện hỗ trợ giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận với phương tiện vận tải hành khách công cộng; cải tạo một số xe buýt đã quá cũ; khắc phục tình trạng phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé bán trước, đặc biệt là sinh viên, đối tượng được trợ giá xe buýt.
Buổi tọa đàm “Tiếng nói thanh niên và văn minh xe buýt”
Bạn Khánh - sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM phản ánh: Hiện nay, xảy ra tình trạng một số xe buýt “câu giờ” ở những trạm đầu tiên, có khi ngừng đến 15 phút ở một trạm để đón khách, sau đó phóng nhanh, vượt ẩu ở những trạm sau để kịp hành trình. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến giờ giấc của hành khách trên xe mà còn làm mất trật tự, an toàn giao thông.
Nói về tình trạng trên, ông Phạm Vương Bảo – Trung tâm Quản lý điều hành Vận tải hành khách công cộng cho biết: Trung tâm đã ghi nhận hiện tượng này từ đầu năm 2012 và đã đưa vào hoạt động hệ thống giám sát hành trình trên một số tuyến xe buýt để theo dõi hành trình của xe. Theo quy định, xe buýt chỉ được dừng đón khách ở mỗi trạm không quá 1 phút, những trường hợp ngừng quá lâu để đón khách như trên là sai quy định. Nếu phát hiện tình trạng này hành khách có thể báo về đường dây nóng của trung tâm để trung tâm kiểm tra, xử lý.
Ngoài ra, ông Phạm Vương Bảo cũng cảnh báo về tình trạng bán vé tập xe buýt giả xảy ra trong 6 tháng trở lại đây và đề nghị những hành khách mua vé tập phải cẩn trọng, nên mua ở những đại lý chính thức, tránh mua ở những nơi bán vé trôi nổi trên thị trường.
Với chính sách hỗ trợ phát triển như: hỗ trợ đầu tư, trợ giá..., trong những năm qua, vận tải hành khách bằng xe buýt ở TP HCM phát triển khá mạnh. Đến nay, lực lượng xe buýt trên địa bàn phục vụ khoảng 400 triệu lượt khách/năm, tăng 11 lần so với năm 2002. Với số lượng xe buýt ngày càng tăng cao, công tác quản lý không tránh khỏi những hạn chế. Các đơn vị vận tải hành khách công cộng trên địa bàn đang nỗ lực khắc phục những hạn chế này để phương tiện vận tải hành khách công cộng ngày càng tiện lợi, văn minh, thu hút nhiều người dân tham gia.
Một bạn sinh viên khiếm thị mong muốn xe buýt sẽ gần gũi hơn với người khuyết tật
Dự án “Nào ta cùng buýt” được thực hiện bởi nhóm học viên khóa học “Be Change Agents” (Những tác nhân thay đổi) dưới sự bảo trợ của Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) cùng với sự tài trợ của mạng lưới Thế hệ Xanh và Quỹ châu Á.
Dự án nhằm thúc đẩy và lan tỏa các hành động, lối sống thân thiện với môi trường mà cụ thể là sử dụng xe buýt, các phương tiện công cộng trong di chuyển nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu việc phát thải CO2 trong không khí.
Mai Phương
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn việc sáp nhập, trình Trung ương trước tháng 5
-
Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
-
Tên gọi dự kiến của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả cháy rừng tại Quảng Ninh