Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về phương tiện giao thông, vận tải và công nghiệp hỗ trợ. Tham dự hội thảo có ông Đỗ Hữu Hào - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội kỹ sư Ô tô Việt Nam; ông Phạm Ngọc Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương; đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương; đại diện Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính; đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận nghiên cứu xoay quanh các vấn đề như: Những chính sách và giải pháp ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ; Chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ; Tiềm năng, nhu cầu phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy và Cơ hội nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam...
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Từ những dòng xe thô sơ chỉ với vài trăm chi tiết cấu tạo, đến nay, những chiếc ô tô đời mới ngày càng thể hiện được sự tinh vi, đẳng cấp nhờ khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển, cũng như mức độ đầu tư của các doanh nghiệp. Mỗi chiếc xe ô tô hiện đại ngày nay được cấu thành từ hàng chục nghìn linh kiện, phụ tùng, tất cả đều đòi hỏi sự chính xác, khớp nối hoàn chỉnh với nhau. Do đó, có thể thấy ngành công nghiệp sản xuất xe hơi không thể thành công nếu không có được mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo”.
Ông Đỗ Hữu Hào - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam chia sẻ: “Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô luôn được coi là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển và đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%. Năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tốc độ tăng so với 2014, đạt 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015. Năm 2017, sản lượng sản xuất, lắp ráp đạt 258,7 ngàn xe, giảm 9% so với năm 2016. Năm 2018 đạt 250 ngàn xe, giảm khoảng 3% so với năm 2017.
Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.
Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo, số doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ tính đến năm 2016 là khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động, với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh trong năm 2016 tăng 20,9% so với năm 2015.
Tuy nhiên, hiện nay các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đều gặp phải các điểm nghẽn trong việc phát triển, đối với công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thì điểm nghẽn là quy mô thị trường còn nhỏ, rất ít nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Vì vậy, các đại biểu tham dự hội thảo cũng khẳng định rằng, để giải quyết điểm nghẽn này cần điều kiện cần và điều kiện đủ: Điều kiện cần là tăng quy mô thị trường bao gồm thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều kiện đủ là nâng cao năng lực nhà cung cấp trong nước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp thành phẩm, cạnh tranh được với nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu.
![]() |
![]() |
![]() |
Quang Hưng
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng