Thú vị “luật làng” của người Cơ Tu

07:10 | 16/02/2019

324 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cấm dân làng đi xe máy vào dịp Tết; người say rượu, trộm cắp, tảo hôn, thậm chí mang nhầm đôi dép không chịu trả cũng bị phạt, từ mức cảnh cáo cho đến tiền triệu. Đó là những “luật làng” độc đáo của người dân Cơ Tu sống dọc đại ngàn Trường Sơn (huyện Tây Giang, Quảng Nam). 

Thu hết xe máy dịp Tết

Thôn A Rần 1 (xã Axan, huyện Tây Giang) nằm giữa lưng chừng núi. Thôn A Rần 1 có 46 hộ được di chuyển về từ núi sâu về nơi ở mới từ năm 2008. Từ ngày ổn định nơi ở mới, cuộc sống người dân dần thay đổi hẳn. Từ du canh du cư chuyển qua định canh định cư, trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi và trang trại nên cuộc sống ngày càng khấm khá. Gần hết số hộ trong thôn đều có xe máy.

thu vi luat lang cua nguoi co tu
Người dân Cơ Tu vui tươi trong mùa lễ hội

Từ đồn biên phòng Axan, chúng tôi phóng xe máy theo con dốc cao uốn lượn đến A Rần 1. Đến đầu thôn, một tấm biển bằng gỗ với nét chữ nguệch ngoạc: “Xe máy vào thôn chú ý tốc độ, cấm chạy nhanh, chạy ẩu”. Mặt sau ghi: “Ai uống bia, rượu cấm lái xe máy”.

Phóng xe vào làng, một người đàn ông nhỏ thó, da ngăm đen miệng ngậm còi thổi tuýt dừng xe chúng tôi lại. Dừng xe, chưa hết ngạc nhiên sau cái bắt tay niềm nở, ông kéo tôi lại gần, miệng cười nói: “Cán bộ không có mùi rượu”. Ông là PơLoong Za, Trưởng thôn A Rần 1.

Biết khách là nhà báo, ông Za giải thích, trên tivi dân làng thấy nói nhiều chuyện cấm bia, rượu khi đi xe. Mấy năm trước, tai nạn liên tiếp xảy ra, có người chết, nhiều người bị thương nặng, vừa mất tiền của vừa bị thương tật. Tai nạn chủ yếu do dân làng uống rượu bia nhiều quá, không làm chủ được nên đâm vào người khác, đâm vào vách đá, trâu, bò, chó, mèo, ôtô. Nhức nhối quá nên trưởng thôn và già làng ngồi lại, bàn nhau: Chỉ có cấm uống bia, rượu mới hết xảy ra tai nạn thôi.

Bao nhiêu cuộc họp làng, già làng, trưởng thôn khuyên nhủ, nhưng đám thanh niên không nghe. Năm 2012, các già làng ở đây quyết định phải kiểm soát việc dân làng uống bia, rượu khi đi xe. Trong làng, ai đã uống rượu, bia không cho chạy ra khỏi làng. Chúng tôi hỏi ông Za: “Kiểm soát bằng cách nào?”. Ông cười rồi chỉ vào mũi: “Ngửi! Hễ đứa nào lên xe máy mà ngửi mùi rượu là không cho đi xe!”.

Quy định đưa ra, nhưng đám thanh niên chẳng mấy mặn mà, thi thoảng vẫn xảy ra tai nạn. Nghĩ nát óc, ông Za bàn với các già làng quản lý bằng cách tạm thu xe máy vào dịp Tết. Họp dân làng lại, già làng thông báo: Các hộ có xe máy phải giao nộp chìa khóa và xe cho già làng và trưởng thôn quản lý vào dịp Tết để tránh tai nạn đáng tiếc.

thu vi luat lang cua nguoi co tu
Dân A Riêu không uống rượu, bởi say vào quậy phá sẽ bị phạt tiền

Dân làng biểu quyết tán thành. Toàn bộ xe máy của dân làng được để tập trung hết ở nhà Gươl của thôn, chìa khóa xe được giao cho trưởng thôn quản lý. Dân làng chỉ được lấy xe đi trong trường hợp đặc biệt và được sự đồng ý của trưởng thôn và già làng. Thanh niên trai gái đi bộ chơi tết. Ai có hơi rượu, đến năn nỉ lấy xe chỉ tốn thời gian. Đến ngày mùng 5 Tết, ai có xe mới được nhận về.

Nhà báo cũng phải vui lòng nộp phạt

Làng A Riêu (xã Tr’Hy, huyện Tây Giang) chỉ vỏn vẹn hơn ba chục nóc nhà, nằm quây quần bên nhau giữa khu đất san bằng lưng chừng núi. A Riêu mấy năm nay đề ra luật cấm trai làng rồ ga, phóng ẩu xe máy khi đi trong làng.

Để kiểm chứng, chúng tôi vào làng thử về số, rú ga xe máy, lập tức, những mái đầu từ ô cửa nhà sàn ló ra, tròn xoe mắt nhìn.

Trưởng thôn Zơ Râm A Lung chạy ra chặn xe, biết nhà báo thử, ông Lung cười: “Nhà báo vui lòng nộp 50 nghìn đồng, đây là luật”. Nộp phạt, ghi sổ xong xuôi, Trưởng thôn A Riêu cho biết, trước đây thanh niên mua được chiếc xe máy là nẹt pô suốt ngày đêm, ồn ào không chịu được, thế nên phải phạt để mọi người ý thức hơn trong việc giữ gìn trật tự.

thu vi luat lang cua nguoi co tu
Thanh niên A Rần giao nộp chìa khóa xe cho trưởng thôn vào dịp Tết

Năm 2012, cán bộ thôn bàn nhau phải đưa ra một quy ước riêng, vừa cụ thể, vừa dễ hiểu để mọi người sống nghiêm túc, nề nếp hơn. Một cuộc họp được triệu tập. Bà con xưa nay chỉ biết bàn chuyện thời tiết, mùa màng, nương rẫy, nay được mời đi họp để lấy ý kiến thảo luận luật nên ai cũng tròn mắt. Trưởng thôn A Lưng thông báo: Từ nay về sau, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, từ 500 nghìn đồng cho tới vài triệu đồng. Đến khi biểu quyết, chỉ có 20% “đại biểu” đồng ý. Cán bộ thôn phải sửa lại khung phạt, cụ thể: Say xỉn 150 nghìn đồng; nẹt pô 50 nghìn đồng; nói tục, chửi bậy 200 nghìn đồng; tảo hôn sớm 1 tháng 100 nghìn đồng… Riêng trường hợp ngoại tình bị phạt nặng nhất, phải cúng làng một con trâu thật to. Mức phạt này được bà con đồng thuận.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bà con bưng ra hũ rượu ba kích, mỗi người nhấm nháp một ly, đến giờ cơm thì về. Cạn ly, anh Cơ Lâu Vũ giải thích: “Có khách quý, bà con mới ngồi uống lâu đến vậy, chứ bình thường không có đâu, uống say, quậy phá là bị phạt 150 nghìn đồng liền”.

A Lung kể, người làng A Riêu hiền lành chất phác, sống ngay thẳng, biết ai có lòng tham, tính xấu là phải trị ngay. Từ những chuyện nhỏ nhặt như mang nhầm dép, biết mà cố tình không chịu trả bị phạt thấp nhất là cảnh cáo trước cả làng, cho đến trộm cắp tài sản, phải đền bù theo yêu cầu của người bị mất. Câu chuyện cách đây vài năm về một gia đình gom góp, chắt chiu được hơn 10 triệu đồng, trong một đêm bỗng dưng bị trộm mất khiến làm cả làng mất đoàn kết, nghi ngờ lẫn nhau. Từ đó, dân làng ghét cay ghét đắng thói hư tật xấu. Luật làng đưa ra là để răn đe, nhất là cho giới trẻ.

Trong căn nhà xập xệ, ông Cơ Lâu Nhia (50 tuổi) vẫn chưa hết buồn rầu vì đứa con gái Cơ Lâu Thị Nhếch mới lấy chồng. Nhếch chưa tròn 17 tuổi, đem lòng thương A Ting Vối ở làng bên, năm nay đã ngoài 20 tuổi. Biết lệ làng, vợ chồng ông khuyên răn đủ đường nhưng Nhếch vẫn quyết về làm vợ người ta. Ngày đằng trai đưa lễ vật đến nhà, cả làng biết chuyện, phạt ngay A Ting Vối 1,5 triệu đồng. Ông Nhia nói: “Con mình nhưng mình cũng mong làng phạt để làm gương cho mấy đứa em sau này!”.

Trưởng thôn A Lưng bảo, trước nay chưa có cặp vợ chồng nào của A Riêu bỏ nhau, cũng không ai dám ngoại tình. Ghét trộm cắp một, bà con ghét quan hệ ngoài luồng tới mười. Thế nên hôm thảo luận, cả làng nhất trí tội ngoại tình phải phạt kịch khung bằng việc phải cúng làng một con trâu thật to... Sau nhiều năm triển khai luật, đến nay nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử phạt, số tiền thu được sung vào quỹ của thôn để thăm hỏi người bệnh, giúp các em nhỏ khó khăn đến trường.

Lãnh đạo xã Tr’Hy cho hay, cả xã có 7 thôn, nhưng chỉ mỗi A Riêu làm luật riêng. Ba năm nay, người dân A Riêu sống yên bình, không còn đánh nhau, trộm cắp. Hiện tại, các thôn khác cũng đang học tập A Riêu để xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh.

Thanh Nguyễn

Người Cơ Tu thời đổi mới
Người “giữ hồn” văn hóa nhà mồ Cơ Tu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps