Người “giữ hồn” văn hóa nhà mồ Cơ Tu

10:01 | 12/09/2011

1,527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Theo phong tục của người Cơ Tu, làm nhà mồ không phải thích làm như thế nào cũng được. Muốn chạm khắc bao nhiêu đầu trâu, phải giết bấy nhiêu con trâu để cúng thần linh và mời dân làng đến chứng kiến mới được làm” nghệ nhân dân gian Bríu Nga cho biết.

Nếu có dịp đi lên huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), dọc theo tuyến tỉnh lộ ĐT 604, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng kiến trúc văn hoá nhà mồ độc nhất vô nhị của người Cơ Tu nơi núi rừng Trường Sơn đại ngàn. Đó chính là ngôi nhà mồ duy nhất còn sót lại của đồng bào Cơ Tu, do chính tay nghệ nhân dân gian Bríu Nga, 48 tuổi, trú thôn Aliêng (xã Ating, huyện Đông Giang, Quảng Nam) xây dựng cho người bố vợ cách đây hơn 20 năm về trước.

Về thăm buôn làng của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang mới đây, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà mồ “độc nhất vô nhị” của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Đã hơn 20 năm nay, ngôi nhà mồ này vẫn đang được bảo quản trong khu nghĩa địa của thôn Aliêng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm.

Bríu Nga bên ngôi nhà mồ xây dựng cho người bố vợ của mình (Ảnh: Thảo Nguyên).

Ông Bríu Nga, người đã chế tác ngôi nhà mồ này kể: Năm 1984, từ huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), ông theo gia đình về sinh sống tại thôn Aliêng, xã Ating, huyện Đông Giang bây giờ. Khi ấy, ông đã từng được chứng kiến một cụ già phác thảo nguyên bản ngôi nhà mồ cổ của đồng bào Cơ Tu. Thích thú vì sự mới lạ này, ông Nga đã quyết tâm học món nghề này từ cụ ông đó. “Về sau, cụ ông đó chính là bố vợ của mình. Ông ấy là người am hiểu văn hóa Cơ Tu nên giúp mình thực hiện được công trình nhà mồ khá độc đáo được nhiều người Cơ Tu khắp vùng khen ngợi” – ông Nga cho biết.

Theo ông Nga, đối với đàn ông Cơ Tu, một trong những việc quan trọng nhất là làm nhà mồ cho bố vợ. Nhà mồ càng đẹp, vai trò vị trí của họ càng lớn, càng có uy tín. Một người đàn ông nếu giàu có bao nhiêu nhưng không làm nổi nhà mồ cho bố vợ thì cũng chỉ được xem thuộc loại người tầm thường mà thôi.

Khi biết tôi có ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về văn hoá nhà mồ của người Cơ Tu, ông Bríu Nga hào hứng lắm. Ông cho biết: “Năm tôi vừa tròn 20 tuổi, bố vợ đã đến tuổi gần đất xa trời nên thường kể cho tôi nghe về những ngôi nhà mồ mà ông từng được nhìn thấy hồi nhỏ. Ông có một ý nguyện là được chính người con rể duy nhất là tôi xây dựng cho một ngôi nhà mồ như ông đã từng mong ước. Rồi ông dùng than vẽ nguệch ngoạc hình dáng trên đất. Chỉ có thế, tôi đã bắt tay vào công việc làm nhà mồ tặng bố vợ dù không phải thợ mộc chuyên nghiệp…”.

Theo ông Bríu Nga, cái khó nhất trong việc tạo được nhà mồ là việc đục đẽo, chạm khắc. Bên cạnh đó, yếu tố về kinh phí để xây dựng được nhà mồ cũng không phải là chuyện nhỏ. Thông thường, chỉ có những nhà khá giả (có nhiều của cải, trâu bò…) thì mới huy động được nguồn nhân lực chuẩn bị các nguyên vật liệu từ trên rừng về, rồi phải qua các công đoạn phức tạp mới có thể phục dựng nguyên sơ. Ông cho biết: “Theo phong tục của người Cơ Tu, làm nhà mồ không phải thích làm như thế nào cũng được. Muốn chạm khắc bao nhiêu đầu trâu, phải giết bấy nhiêu con trâu để cúng thần linh và mời dân làng đến chứng kiến mới được làm”.

Năm 2006, ông Bríu Nga vinh dự được Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tặng Bằng khen (Ảnh: Thảo Nguyên).

Đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà mồ mà ông dày công sức làm nên xây dựng cho bố vợ, Bríu Nga chỉ cho chúng tôi từng hình tượng điêu khắc, chạm trổ cụ thể qua những lời thuyết minh. Nhà mồ có 6 cột, 4 kèo, 4 đầu trâu hai bên, một hình rồng trên nóc được chạm khắc hoàn hảo. Đặc biệt, bên trong, tấm đong Pa ză (nhà múa) dù khá nhỏ nhưng chạm khắc tinh vi với nhiều chi tiết độc đáo: heo rừng, cá, cua, rắn, ngựa, hai bên là hai đầu trâu húc nhau đối diện.

Ông Nga cũng cho biết, từ ngày ông thự hiện công trình nhà mồ này đã có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tìm đến xem, chiêm ngưỡng. Ai cũng tấm tắc khen ngợi bàn tay tài hoa của ông, thông qua công trình nghệ thuật này. “Thỉnh thoảng cũng có rất nhiều người từ dưới xuôi lên tìm hiểu về công trình nhà mồ này, kể cả người nước ngoài” – ông Nga cho biết thêm.

Theo già làng Bh’riu Prăm, 84 tuổi, nguyên Chủ tịch huyện Đông Giang, hiện đang sinh sống tại thôn Bhờ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) tự hào: “Khắp vùng này không ai làm được nhà mồ đẹp như Bríu Nga đâu. Đây được xem là một tuyệt tác nghệ thuật về ngôi nhà mồ cổ của đồng bào Cơ Tu, đảm bảo quan chuẩn về nghệ thuật và tài năng”.

Còn ông Pơloong Chiến – Chủ tịch UBND xã Ating thì hết lời khen ngợi tài nghệ của ông Bríu Nga. Ông Chiến nói: “Mặc dù công trình nhà mồ này, trước đây ông Nga chỉ làm cho người bố vợ đã khuất, nhưng lại mang một ý nghĩa xã hội bởi chính ông Nga là người đã phục dựng lại nhà mồ mà nhiều năm nay người Cơ Tu đã dần đánh mất”.

Với tài năng điêu khắc của mình, năm 2006, ông Bríu Nga đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào tận nơi đặt hàng và mời Bríu Nga ra tận Hà Nội phục dựng ngôi nhà mồ tương tự trưng bày tại Bảo tàng. Cũng dịp này, ông Bríu Nga đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian” và nhận Bằng khen của Bảo tàng Dân tộc Việt Nam.

Ngoài tài năng trong nghệ thuật điêu khắc, ông Bríu Nga còn hết lòng thương yêu, chăm lo đến đời sống của đồng bào Cơ Tu ở thôn Aliêng. Năm 2009, ở tuổi 46 ông đã được đồng bào tín nhiệm bầu làm già làng, một vị già làng trẻ tuổi nhất của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang. Hiện ông Nga còn giữ chức Trưởng thôn Aliêng, xông xáo trong công việc, được người dân tin yêu, kính mến.

Thảo Nguyên