Thụ động với phòng vệ thương mại
Có “khiên”, có “giáp” không dùng!
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và bằng mẽ với một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương được ký kết. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc vòng đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2017, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực vào cuối năm 2015 đang mở ra rất nhiều kỳ vọng phát triển cho kinh tế. Hàng hóa Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận một thị trường ASEAN rộng lớn với quy mô dân số trên 600 triệu dân, GDP khoảng 2.500 tỉ USD và cả những thị trường hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ phải đón nhận làn sóng hàng hóa từ các nước ASEAN, các nước đối tác thương mại ồ ạt đổ vào nền kinh tế. Hàng hóa trong nước vì thế sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt với hàng ngoại.
![]() |
Cá basa của Việt Nam từng bị kiện bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ |
Và trong cuộc chiến đó, theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, hàng hóa của Việt Nam phải đối diện với vô vàn rủi ro về việc cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí nhiều hàng hóa nhập khẩu được bán với giá thấp kỷ lục, mang tính chất “hủy diệt” hàng nội địa. Việc sử dụng các biện pháp PVTM vì thế theo bà Trang là vô cùng cấp bách. Nó không chỉ góp phần đảm bảo tính minh bach, cạnh tranh lành mạnh của hàng hóa trên thị trường, bảo vệ các ngành sản xuất nội địa khỏi các đối tượng cạnh tranh nước ngoài. PVTM bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó, chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài.
Nói như vậy để thấy rằng, hàng hóa Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh rất lớn, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương có hiệu lực. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Trung tâm WTO và Hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam lại đang rất thụ động với các công cụ PVTM. Đây là một điều hết sức đáng lo ngại bởi PVTM là công cụ quan trọng trong thương mại quốc tế và nó cũng không hề xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam khi cách đây 10 năm, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối diện với vụ kiện về cá tra, cá basa và sau đó là tôm đông lạnh.
Thông tin cụ thể về câu chuyện này, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho hay: Tính đến tháng 10-2015, trong 70 vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài đã có 36 vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM; trong đó, chống trợ cấp là 7, điều tra tự vệ là 17 vụ và 6 vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM. Trong khi đó, số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam chỉ là 1 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM.
“Thực tế này dường như đi ngược lại thông lệ quốc tế, theo đó các biện pháp tự vệ là những biện pháp rất ít được sử dụng so với 2 biện pháp còn lại. Và với những hạn chế về việc áp dụng các biện pháp PVTM, doanh nghiệp Việt Nam giống như những “người lính ra trận” có “khiên”, có “giáp” nhưng lại không biết dùng” - bà Trang đưa ý kiến bình luận!
Phải trở thành chiến lược
Doanh nghiệp Việt Nam đang rất thụ động trong việc áp dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất của ngành, của lĩnh vực. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng hóa Việt Nam bị điều tra PVTM tới 94 lần, còn hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bị điều tra PVTM 4 lần. Lý giải cho điều này, theo TS Nguyễn Thị Thu Trang thì ngoài những yếu tố về nhận thức, hiểu biết về PVTM mới ở mức sơ khởi, biết đấy nhưng không biết dùng thì nguyên nhân sâu xa chính là khả năng tập trung nguồn lực vào các vụ kiện PVTM rất hạn chế!
Phân tích cụ thể hơn, bà Trang cho hay: Theo quy định của WTO, để đứng đơn khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, bên đi kiện phải có đủ 2 điều kiện. Thứ nhất, các doanh nghiệp đi kiện phải sản xuất ra ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm liên quan sản xuất tại Việt Nam. Thứ hai, đơn đi kiện phải nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp sản xuất ra ít nhất 50% tổng sản lượng sản phẩm liên quan sản xuất tại Việt Nam.
Kiện PVTM vì thế theo bà Trang “không phải là cuộc chơi của cá nhân mỗi doanh nghiệp mà là cuộc chơi tập thể, là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan”. Và để sử dụng công cụ PVTM, doanh nghiệp phải tập hợp với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan. Ngoài ra, một vụ kiện PVTM cũng như các vụ kiện khác, nó không phải công cụ bảo vệ lợi ích miễn phí, mà để có công cụ này doanh nghiệp phải bỏ ra một chi phí nhất định và trước mắt đó là chi phí cho quá trình đi kiện. Doanh nghiệp đi kiện cũng phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực theo kiện, tập hợp bằng chứng chứng minh có hiện tượng bán phá giá, trợ cấp… Đây là một thách thức lớn đối bởi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế, các doanh nghiệp cũng hầu như chưa đưa việc sử dụng công cụ PVTM vào chiến lược kinh doanh của mình.
“Ở các nước phát triển trên thế giới, PVTM được xem là một yếu tố cấu thành trong chiến lược kinh doanh. Ở những mức độ nhất định họ cũng đều xây dựng những công cụ PVTM cụ thể và có nguồn kinh phí riêng để thực hiện công cụ đó. Nhưng ở Việt Nam, dường như các doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa có bất kỳ chuẩn bị vật chất gì sẵn sàng cho việc sử dụng công cụ kiện PVTM khi cần thiết” - bà Trang đưa quan điểm.
Từ thực tế trên, bà Trang cho rằng, để cải thiện được tình hình thì vấn đề cơ bản, cốt lõi là các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận và phải có sự chuẩn bị cho việc sử dụng các công cụ PVTM. Về phía các cơ quan Nhà nước thì cần công khai thông tin, hỗ trợ tìm kiếm, tập hợp số liệu chính thức thuộc kiểm soát của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng các hình thức như: Đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính liên quan tới việc đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp gắn với mục tiêu kiện PVTM; phối hợp hiệu quả, kịp thời với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra.
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới 470
-
Tin tức kinh tế ngày 11/9: Huy động trái phiếu chính phủ đạt gần 60% kế hoạch
-
Tin tức kinh tế ngày 20/7: Xuất khẩu trứng cá tăng trưởng đột biến
-
Tin tức kinh tế ngày 4/7: Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang thị trường Australia
-
Xuất khẩu Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực
-
Tin tức kinh tế ngày 13/5: Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số
-
Thuyết âm mưu về chính sách của OPEC+?
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
-
Tin tức kinh tế ngày 9/5: Hơn 165.000 gian hàng thương mại điện tử đóng cửa