Thời trang Việt - điểm yếu cốt tử
Về năng lực sản xuất, hiện nay Việt Nam đã đứng trong Top 5 nước sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của thế giới, với trị giá xuất khẩu năm 2017 dự kiến lên tới 30,5 tỉ USD. Do đó, việc đáp ứng sản phẩm cho một thị trường nội địa với mức cao là hết sức bình thường. Vấn đề ở đây là khâu thiết kế, marketing và phân phối của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.
“Các sinh viên ngành thiết kế thời trang cần phải góp phần thúc đẩy thời trang Việt tiến lên phía trước” - ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nói - “Các nhà thiết kế thời trang và sinh viên ngành thiết kế thời trang cần nỗ lực vào cuộc, dẫn dắt thiết kế tiến lên phía trước để chiếm lĩnh vị trí xứng đáng cho mình. Tương lai của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức dành cho các nhà thiết kế trẻ”.
![]() |
Mẫu thiết kế của sinh viên ngành thời trang |
Việt Nam hiện có lợi thế là nước đứng đầu trong khối ASEAN về quy mô xuất khẩu, sản xuất và phát triển thương hiệu thời trang của riêng mình. Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta phát triển một nền công nghiệp thời trang đầy sức mạnh. Tuy nhiên, cũng theo ông Giang, chúng ta có những hạn chế cốt tử khiến nền công nghiệp thời trang Việt vẫn chỉ dừng lại ở ước mơ.
Trước hết, đó là Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa. Khâu xơ, sợi và khâu may phát triển tốt, nhưng khâu dệt nhuộm vải và sản xuất phụ liệu, bao bì lại yếu kém, nếu không muốn nói là hoàn toàn trắng. Những sản phẩm vải dệt thoi, yarn dyed (vải nhuộm sợi, rồi dệt), sản phẩm vải cho hàng thời trang nữ vẫn hoàn toàn thiếu hụt. Bên cạnh đó, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi thế giới đã dịch chuyển lên phương thức thiết kế 3D, phòng trưng bày mẫu thiết kế ảo, thực hiện hàng cao cấp đơn chiếc bằng tự động hóa, thì chúng ta vẫn đang thiếu một tầm nhìn chiến lược, thiếu kế hoạch hành động để thay đổi bắt nhịp với nền sản xuất thế giới.
Ngay cả phương thức quản trị cũng đã dịch chuyển lên số hóa, liên kết giữa các khâu từ đặt hàng - thiết kế - sản xuất - phân phối… đều được quản trị thống nhất, chặt chẽ qua một trung tâm thông tin. Ở thời điểm này, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào xây dựng được chiến lược phát triển công nghệ số hóa cho sản xuất kinh doanh thời trang. Đó là điểm yếu khiến chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn trong cạnh tranh ở tương lai gần. Một hạn chế vô cùng đáng tiếc nữa là, các sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang và thiết kế thời trang chưa được tập hợp vào một “sân chơi” bài bản. Vì thế mỗi người phải tự thiết lập hệ thống của mình rất vất vả và tốn thời gian. Thiếu tính chiến lược trong phát triển nên cũng khó trong tư duy và tầm nhìn.
Hiện nay, thế giới đang xoay chuyển trục thời trang sang châu Á. Và đứng trước cơ hội lớn này các sinh viên thời trang cần nhanh chóng nắm bắt để trở nên lớn mạnh hơn, vững vàng hơn.
![]() |
Ông Vũ Đức Giang (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với sinh viên và giảng viên ngành thời trang |
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kể rằng, đã tới một nhà máy sản xuất vải hàng đầu của Italia có tuổi đời hơn 140 năm, nhưng lại chỉ sản xuất những mặt hàng cá biệt, được đặt riêng bởi các tỉ phú trên thế giới, có giá trị rất cao. Ông nhận thấy: “Chúng ta cần đào tạo sinh viên ngành thời trang, không chỉ thiết kế quần áo như xưa nay quan niệm, mà cần thiết kế từ sợi, vải trở đi. Đơn cử như vải để may đồng phục cho tiếp viên Hàng không Việt Nam, với thiết kế sợi 4 thành phần, phải đặt sợi từ nước ngoài do Việt Nam chưa thiết kế và sản xuất được loại sợi đó. Như vậy thật đáng tiếc”.
Để mơ ước đưa thương hiệu thời trang Việt Nam ra thế giới thành hiện thực, ngoài nỗ lực của các sinh viên ngành thời trang, còn cần các cơ sở đào tạo, bắt kịp sự phát triển, thay đổi của ngành mà thay đổi chương trình đào tạo, chuẩn bị hành trang vững vàng cho sinh viên trở thành những người chèo lái thông minh, đưa ngành công nghiệp thời trang tiến lên phía trước.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Chủ tịch Liên đoàn thời trang châu Á:
“Mỗi sinh viên ngành thiết kế thời trang hãy đặt câu hỏi cho chính mình, rằng trong giai đoạn phát triển từ 2020-2030, mình sẽ tìm được cơ hội gì, có đóng góp gì cho sự lớn mạnh của thời trang Việt Nam? Tại sao tới giờ phút này mà Việt Nam chưa có thành phố nào được mệnh danh là thành phố sáng tạo của ngành thời trang, dù thị trường tiêu thụ hàng may mặc đã vô cùng lớn. Chẳng lẽ chúng ta cứ để cho các thương hiệu thời trang ngoại tiến vào thị trường và dẫn dắt người tiêu dùng Việt?”. |
Việt Quất
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số