Doanh nhân Nguyễn Vũ Anh: Nếu phải lựa chọn, tôi sẽ chọn thời trang

13:30 | 27/11/2012

6,468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chủ tịch hãng thời trang có tiếng tại Việt Nam (Hãng Ivy Moda), ông Nguyễn Vũ Anh cho rằng, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang, dù các nhà thiết kế thời trang Việt Nam đầy sáng tạo. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Nguyễn Vũ Anh sau sự kiện hãng thời trang của Ivy Moda là đơn vị duy nhất đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc triển lãm thời trang tại Daegu, Hàn Quốc.

PV: Hãng thời trang Ivy Moda vừa có cuộc trình diễn tại Triển lãm Thời trang quốc tế ở Daegu. Anh có thể nói rõ hơn về sự kiện này?

Nguyễn Vũ Anh: IVY Moda được KRIFI (Viện Công nghiệp thời trang Hàn Quốc) mời tham gia DAFIC (Chương trình hợp tác công nghiệp thời trang châu Á - Deagu) trong khuôn khổ Triển lãm Thời trang quốc tế Deagu. Đây là một sự kiện thời trang của châu lục mang tính thương mại và công nghiệp hơn là giao lưu văn hóa nghệ thuật. Ở sự kiện này, nhà tổ chức muốn kết nối các thương hiệu thời trang của các quốc gia châu Á với những tổ chức kinh doanh, sản xuất… trong ngành công nghiệp thời trang khu vực.

PV: Hàn Quốc là một quốc gia nổi tiếng về ngành công nghiệp mỹ phẩm và thời trang, không chỉ ở châu Á mà còn trên trường quốc tế nữa. Khi nhận được lời mời, ông có lo lắng vì điều này?

Nguyễn Vũ Anh: Hàn Quốc có thể nói là kinh đô thời trang của châu Á. Chỉ số thiết kế nói chung của Hàn Quốc đứng đầu châu Á và ngang với Mỹ. Tôi có cơ hội được sang Hàn Quốc nhiều lần và nghiên cứu khá kỹ về công nghiệp thời trang Hàn Quốc. Vì vậy khi được KRIFI mời tham gia, chúng tôi hiểu đây là cơ hội có thêm điều kiện kết nối với những hãng thời trang trong khu vực. Chúng tôi khá hồi hộp chứ không lo lắng. Sao mà phải lo lắng với một cơ hội được cọ sát và tích lũy kinh nghiệm như thế cơ chứ!

Doanh nhân Nguyễn Vũ Anh

PV: Khi có mặt tại sự kiện, bản thân anh có bị “ngợp” trước những gì mà các quốc gia khác mang đến?

Nguyễn Vũ Anh: Tôi hoàn toàn không bị ngợp khi đối diện với những bộ sưu tập hay nhà thiết kế nước ngoài. Nhưng tôi ngợp những gì đằng sau họ, là một ngành công nghiệp thời trang phát triển quy mô và có bề dày kinh nghiệm. Ví dụ như Ấn Độ, ngành dệt của họ có chỗ đứng trên thế giới. Ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, những nhà buôn vải đều là thương nhân Ấn Độ. Hay như Trung Quốc, không nói thì chị cũng biết họ là công xưởng thời trang của cả thế giới. Nhật Bản có thương hiệu UNQLO tầm cỡ thế giới, chủ tịch của thương hiệu này cũng được xếp vào danh sách tỉ phú thế giới.

PV: Anh cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ thời trang thế giới?

Nguyễn Vũ Anh: Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang. Đấy là một sự thật và đáng buồn cho một đất nước có một lịch sử trồng dâu nuôi tằm. Tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo của các nhà thiết kế thời trang Việt Nam. Khả năng sáng tạo của họ không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Nhưng họ làm được gì khi đằng sau họ không có một ngành công nghiệp cho họ cống hiến? Những gì ta nhìn thấy trong những năm qua là các nhà máy may mọc lên như nấm trong các khu công nghiệp, đó mới chỉ là một mắt xích trong quy trình sản xuất thời trang, mà lại là gia công cho nước ngoài. Ngành công nghiệp thời trang được hiểu là một chuỗi các quy trình thiết kế - sản xuất - phân phối với nhiều lĩnh vực phụ trợ cho quy trình đó. Ta gần như chả có cái gì cả?

Các nhà thiết kế muốn vẽ một sản phẩm đẹp cũng khó, vì lấy đâu ra vải. Kiếm được vải rồi, ai có thể triển khai được mẫu vẽ bằng vải đúng với ý đồ nhà thiết kế. Tìm được một thợ cắt chuyên nghiệp cũng khó như tìm kim đáy bể. Ở Việt Nam ngày xưa cứ trượt đại học là đi học may, học cắt. Tính ra thì thợ cắt không ít nhưng kém chuyên nghiệp. Hơn nữa, những công thức cắt may hiện nay đang sử dụng ở Việt Nam là những công thức có hàng trăm năm trước khi Pháp mang vào. Trong khi đó thời trang là thứ thay đổi nhanh nhất, đòi hỏi có sự cập nhật xu hướng kịp thời nhất trong các ngành công nghiệp nói chung.

PV: Qua sự kiện lần này thì anh cho rằng, tính chuyên nghiệp và tính sáng tạo của một nhà thiết kế, điều gì nên được đề cao hơn?

Nguyễn Vũ Anh: Không cần qua sự kiện này, mà từ khi bước chân vào kinh doanh, tôi vẫn đánh giá cao tính chuyên nghiệp. Sáng tạo mà thiếu tính chuyên nghiệp cũng không bao giờ thành công được. Khổ nỗi người Việt ta lại yếu nhất tính chuyên nghiệp (cười).

Nguyễn Vũ Anh và các nhà thiết kế đến từ các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc

PV: Làm việc được một thời gian dài trong lĩnh vực dành cho phụ nữ này, anh đánh giá thế nào về gu thẩm mỹ của người Việt?

Nguyễn Vũ Anh: Gu thẩm mỹ trong thời trang thôi nhé. Nhìn thị trường thời trang Việt Nam thì thấy rõ, có thua kém gì các nước đâu. Thế giới có mẫu gì, có xu hướng gì, ở ta ngay tức thì có trên thị trường. Điều ấy chứng tỏ gu thẩm mỹ trong thời trang của người Việt Nam đã bắt kịp thế giới. Nhưng cụ thể của từng cá nhân thì vẫn còn nhiều điều phải bàn, tuy vậy cũng đã tiến bước dài so với cái thời ai cũng quần lụa, guốc mộc, áo cánh.

PV: Đối tượng tiếp xúc của anh là các người mẫu, nhiếp ảnh gia, đối tác thương mại và cả các nhà văn. Anh thấy sự khác nhau thế nào khi luân chuyển cảm xúc giữa các môi trường khác biệt này, khi mà các nhà văn thường khá xa lạ với khái niệm thời trang?

Nguyễn Vũ Anh: Câu hỏi rất hay nhưng cũng khó trả lời quá. Tôi vốn giao tiếp không được giỏi cho lắm, nên thay đổi môi trường giao tiếp luôn là vấn đề lớn của tôi. Mỗi một môi trường có những nét văn hóa khác nhau, cách giao tiếp khác nhau mà mình phải nắm được những nét cơ bản để công việc được thuận lợi. Tôi không có năng khiếu diễn viên nên chọn điểm chung của các môi trường này là sự chân thành. Tôi có thể không hoạt giao, nhưng có sự chân thành và cầu thị nên được mọi người trong các lĩnh vực trên đón nhận với tình cảm ấm áp.

PV: Trong hai lĩnh vực này, anh nghĩ công việc nào mình chuyên nghiệp hơn, hoặc thành công hơn? Nếu chỉ được lựa chọn một và duy nhất (trong khi tất nhiên anh sẽ muốn cả hai), kinh doanh và văn chương, anh lựa chọn sự thành công nào?

Nguyễn Vũ Anh: Ngay từ khi bước chân vào đời, nhiệm vụ lớn nhất tôi đặt ra cho mình là kiếm tiền. Mãi sau này tôi mới viết văn. Bây giờ kiếm tiền của tôi là thời trang, đấy là công việc chiếm nhiều thời gian và tâm sức nhất. Viết là một sự giải tỏa, cân bằng, thú chơi, nhưng tôi vẫn cố gắng chuyên nghiệp nhất có thể. Nếu phải lựa chọn, tôi không ngần ngại chọn thời trang, bởi nếu không có tiền tôi cũng chẳng viết được văn. Chị thấy đấy, nhà tôi có mấy cái tàu há mồm.

PV: Chiến lược mới trong thương hiệu thời trang và cả những cuốn sách mới của anh là gì?

Nguyễn Vũ Anh: Tôi có chiến lược cũ thôi chứ không có chiến lược mới. Đấy là chiến lược theo tôi suốt cả cuộc đời còn lại. Nhưng mỗi một thời kỳ lại xây dựng những bước phát triển phù hợp với chiến lược đã định. Đây là giai đoạn tôi đang mở rộng các chủng loại sản phẩm thời trang của mình. Tôi vẫn dành thời gian cho viết và cũng có những kế hoạch lớn hơn cho nghiệp viết. Nhưng để tôi làm đã rồi nói chưa muộn.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Di Li (thực hiện)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...