Thói quen văn minh

17:43 | 26/05/2011

606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 6 năm thực hiện, chuyện phân loại rác ở nhiều thành phố lớn ở nước ta lại đang có dấu hiệu chìm vào quên lãng.

Ở các đô thị văn minh, hiện đại nhiều nước trên thế giới người dân đã có thói quen phân loại rác như một phần trong sinh hoạt thường ngày của gia đình trước khi cho vào túi nylon bỏ vào hai thùng chứa rác có ghi rõ: "Thùng rác hữu cơ” và "Thùng rác vô cơ” để xe lấy rác công cộng thu gom mang về tái chế. Đây là thói quen trong lao động giữ vệ sinh cá nhân, từng hộ gia đình và cộng đồng vì mục đích bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên môi trường đã hình thành trong ý thức văn hóa của người dân từ bé đến lớn.

Việt Nam cũng học tập nếp sống văn hóa này của các nước phát triển từ năm 1998. Nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh khi đó đã triển khai cuộc vận động này và đến năm 2004 UBND TP HCM đã quyết định thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn ở 6 quận, huyện như: quận 1, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10 và huyện Củ Chi. Nhưng sau 6 năm thực hiện, đến năm 2010 tổng kết cuộc vận động chỉ có quận 6 thực hiện một cách tương đối, còn những quận, huyện khác hầu như… giậm chân tại chỗ. Phong trào phân loại rác tại nguồn này chìm dần và người ta lãng quên luôn, thế là tất cả các loại rác không còn phân biệt vô cơ hay hữu cơ tiếp tục cho vào một túi nylon, xe lấy rác cũng cứ thế mà thu gom tập trung về bãi chứa rồi… chôn luôn xuống đất cho "tiện việc sổ sách”. Trong nhiều nguyên nhân được dẫn ra của cuộc tổng kết rút kinh nghiệm có hai nguyên nhân chính còn khập khiễng từ "đầu vào” và "đầu ra” trong việc phân loại rác tại nguồn.

Nguyên nhân "đầu vào” thì các quận, huyện đổ thừa do thiếu kinh phí để lắp đặt thùng rác hai ngăn và phát bao nylon để phân loại rác cho từng hộ gia đình. Còn nguyên nhân "đầu ra” các Công ty Dịch vụ công ích quận, huyện cũng vẫn kêu thiếu kinh phí để xử lý từ khi thành phố không bao cấp kinh phí nữa mà giao về cho các quận, huyện tự cân đối ngân sách theo chỉ tiêu được giao. Riêng Công ty Môi trường Đô thị thành phố mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác trong số 6.000 tấn rác thu gom, 3.000 tấn rác còn lại do Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam tiếp nhận. Tuy nhiên, thay vì đưa vào nhà máy tái chế thì cả hai đơn vị này đều… đem chôn. Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam giải thích dù, đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân compost từ rác tái chế, nhưng do thành phố chưa giao được rác đã phân loại nên không thể làm khác hơn được. Chỉ có duy nhất Công ty Vietstar thực hiện việc tái chế rác phân loại thành phân compost nhưng công suất chỉ có 600 tấn/ngày (khoảng 70%).

Ai cũng biết việc chôn lấp rác xuống đất là một cách tiếp theo của vấn đề làm ô nhiễm môi trường. Nhưng tác động tiêu cực trước mắt là khiến cho cuộc vận động của thành phố không mang lại hiệu quả như mong muốn và việc giáo dục thói quen văn hóa của người dân thành phố bị chững lại, không những thế, còn quay trở lại từ đầu thói quen xấu, lối sống bừa bãi là cứ… tống tất cả các loại rác ra ngoài phạm vi nhà mình cho thoát nợ. Thói quen này thật quả hết sức xa lạ đối với cộng đồng cư dân của một thành phố văn minh, hiện đại như ta vẫn tự hào.

Từ Kế Tường

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc