Thiệt tiền tỉ cũng phải cấm!

06:32 | 27/05/2012

932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Bẫy cấp 3”, bộ phim kinh dị dành cho tuổi teen bị cấm đã trở thành “sự kiện” trong giới điện ảnh nước nhà. Bởi từ trước tới nay, những bộ phim của các nhà sản xuất trong nước như vậy bị cấm không nhiều do “barem” chỉ cần được 5 điểm như một lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết thì phim sẽ được duyệt. Cùng với “Bẫy cấp 3”, còn có một số bộ phim nước ngoài khác cũng bị cấm.

Sau hàng loạt những phim bị cấm như vậy, có ý kiến cho rằng, hội đồng duyệt phim quốc gia đã quá mạnh tay khi cấm trình chiếu bộ phim đó trong khi nó là sản phẩm của một tập thể, một quá trình lao động và bao nhiêu tiền bạc đổ vào đây.

Bạo lực và sex

Hãy nhìn lại những bộ phim bị cấm để hiểu vì sao chúng lại có kết cục không mong muốn như vậy. Là một trong những phim kinh dị đầu tiên ở Việt Nam dành cho giới trẻ sau “Ngôi nhà trong hẻm”, “Bẫy cấp 3” của nhà sản xuất người Mỹ gốc Việt Trần Trọng Dần xoay quanh các nhân vật chính là một nhóm học sinh THPT gồm Minh, Hằng, Chấn, Trang, Chuột… Trong đó, Minh – Hằng, Chấn – Trang là hai cặp “tình yêu” tuổi học trò. Nhân thầy giáo thông báo cả lớp sẽ đi picnic Đà Lạt, quá sung sướng vì hiếm khi nào lại được ở gần người yêu nên Minh dự định sẽ “đánh lẻ” với Hằng. Nhưng để kế hoạch được toàn mỹ, Minh đã tiết lộ cho Chấn, người bạn thân cùng lớp và phải chấp nhận cho Chấn – Trang cùng tham gia kế hoạch của mình. Không ngờ, Chuột, một học sinh dị biệt của lớp chuyên bị các bạn trêu chọc, vô tình biết được.

Vậy là cả Minh, Chấn phải cho Chuột “đồng hành”. Chuyến picnic tưởng rằng sẽ thơ mộng, hạnh phúc ngọt ngào của từng lứa đôi, nào ngờ đó là một cái bẫy mà từng thành viên trong nhóm lần lượt bị giết chết một cách mờ ám. Chủ mưu của cái bẫy đó không ai khác chính là một học sinh trong nhóm. Cốt truyện nghe thì tưởng chừng đơn giản. Nhưng thực tế ở các tình tiết, phim cho thấy cảnh bạo lực tàn ác và dục vọng thái quá ở tuổi học trò. Ngay nhà sản xuất Trần Trọng Dần cũng thừa nhận với báo chí: Mặc dù hồn nhiên song phim mang nội dung hơi… nhảm nhí. Nhưng nhà sản xuất Việt kiều này nhấn mạnh, vì chỉ mang mục đích giải trí nên ông đã làm phim như vậy.

Còn Cục Điện ảnh có ý kiến: “Bộ phim xoay quanh chuyện một học sinh vì hận cha mẹ lạnh nhạt, bạn bè coi thường, trong chuyến đi chơi với bốn bạn cùng lớp đã sắp đặt một chuỗi các sự kiện như những cái bẫy để lần lượt giết chết những người bạn cùng đi và hai người vô tội khác. Phim một mặt mô tả khát khao chuyện “giường chiếu” của một số cô cậu tuổi teen, mặt khác phản ánh sự thù hận của nam sinh đã ra tay giết chết người dã man, mất nhân tính, từ đó mang tính kích động bạo lực. Nội dung phim không phù hợp với đạo đức, lối sống Việt Nam, đặc biệt là đối với lứa tuổi của học sinh trung học”. Trên cơ sở nhận định này, Cục Điện ảnh không đồng ý cho phép phổ biến bộ phim “Bẫy cấp 3” dưới bất kỳ hình thức nào”.

Tương tự, “The Hunger Games” (Trò chơi sinh tử), phim “bom tấn” của Mỹ có doanh thu khổng lồ khi mở màn công chiếu đã thu về 620 triệu USD trên toàn thế giới, trong đó riêng Mỹ đã thu 380 triệu USD, nhưng lại bị cấm phát hành ở Việt Nam. Sở dĩ bị cấm vì sau khi duyệt phim, đại diện Hội đồng duyệt phim Quốc gia – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã nhận định: Nội dung phim nói về 24 thanh niên đại diện cho 12 quận của một nước bắn giết nhau để tồn tại, ai sống thì chiến thắng. Cuộc chơi này được truyền hình trực tiếp cho dân 12 quận xem con cái họ chết thế nào. Người Mỹ xem hiểu được là ai giỏi, ai gan dạ thì sống. Nhưng với Việt Nam thì bạo lực quá, tàn nhẫn quá dù đó là trò chơi”. Chình vì nội dung phim như vậy mà Cục Điện ảnh đã “Không cho phép phổ biến bộ phim”. Cùng với “Trò chơi sinh tử”, “Cô gái có hình xăm rồng” cũng không được chiếu tại Việt Nam với lý do tương tự, mặc dù diễn viên chính trong phim đều là những diễn viên “đình đám” được đề cử giải Oscar.

“Mất” tiền hay “mất” người?

Sau hàng loạt những phim bị cấm trên đây, có rất nhiều ý kiến khác nhau, trong đó quan điểm “trái chiều” cũng không ít, đặc biệt từ phía các nhà làm phim. Như sau khi bị cấm phổ biến, nhà sản xuất của “Bẫy cấp 3” Trần Trọng Dần đã “bóng gió xa xôi”: “…Đối với các nhà làm phim, vấn đề thiệt hại thì có nhiều thiệt hại khác nhau. Nhưng trong đó phải kể đến thiệt hại về sự tin tưởng của họ trên thị trường này… Thiệt hại về đầu tư cho các dự án điện ảnh mới về sau”.

Hình ảnh trong phim "Bẫy cấp 3"

Còn ông Brian Hall, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MegaStar, đơn vị phát hành “Trò chơi sinh tử” thì tính toán sòng phẳng ngay: “Quyết định cấm phát hành bộ phim này ở Việt Nam đã gây ra những thiệt hại có thể đong đếm được là khoảng 30 tỉ đồng lợi nhuận cho phía sản xuất phim, các rạp chiếu phim của Việt Nam và MegaStar. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng tiền thuế VAT mà doanh thu phòng vé mang lại. Chưa kể đến những thiệt hại tài chính mà MegaStar và nhà sản xuất phim đã chi cho các hoạt động quảng bá, hậu cần…”.

Có thể không hề ngạc nhiên trước những phản ứng của các nhà làm phim, phát hành đối với quyết định cấm phổ biến phim của Cục Điện ảnh. Vì “của đau con xót”. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là trong tất cả những “tính toán” của họ về thiệt hại, thì tuyệt nhiên những “thiệt hại” về mặt xã hội, văn hóa không thấy đề cập đến nếu trình chiếu những bộ phim đó trước công chúng. Chỉ vừa mới đây thôi, trên các trang báo mạng của Việt Nam tràn ngập hình ảnh các nữ sinh đánh nhau, “xử” nhau dã man theo kiểu thời trung cổ.

Rồi cảnh bạo lực len lỏi vào tận mỗi nhà khi cháu giết bà, con giết cha, vợ giết chồng, chồng giết vợ… Hay như thủ phạm giết người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường ngày một nhiều hơn đến nỗi Cơ quan Công an phải cảnh báo về tình trạng tội phạm tuổi học trò gia tăng… Cũng không thể không kể đến, tính chất những vụ án giết người ngày càng dã man, tàn bạo. Và cả những chuyện “sống thử”, quan hệ tình dục bừa bãi… Tất cả những tệ nạn đó, mặc dù không quy kết ảnh hưởng duy nhất từ các sản phẩm văn hóa nhưng cũng không thể không nói những sản phẩm văn hóa ấy không tác động phần nào tới lối sống, suy nghĩ của khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Vì bên cạnh phản ánh, những sản phẩm văn hóa mang “thiên chức” định hướng xu thế, lối sống… của xã hội. Bởi vậy, nếu cho trình chiếu những bộ phim như vậy, hệ lụy gì sẽ xảy ra? Có thể cả một thế hệ trẻ, những người làm chủ tương lai đất nước sẽ sống không định hướng, lạc lối trong tình dục, bạo lực, lấy đó làm mục đích sống… Do đó, cấm phổ biến những phim khai thác chủ yếu hai yếu tố này là quyết định đúng đắn của Cục Điện ảnh, ngay cả khi đó là những phim “bom tấn” hay mang lại lợi nhuận hàng chục tỉ đồng như ông Chủ tịch HĐQT Mega Star đã tính.

Có ý kiến cho rằng, thời kỳ hội nhập, giao lưu văn hóa như hiện nay cũng nên tiếp nhận những nền văn hóa không cùng tiếng nói, quan điểm. Tuy nhiên, tiếp nhận và tiếp nhận cái gì là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn luôn tiếp nhận những nền văn hóa khác thông qua những bộ phim, giao lưu ca nhạc… Nhưng điều quan trọng: những sản phẩm mà ta tiếp nhận phải làm cho con người, xã hội ở đây tốt đẹp hơn, toàn mỹ hơn và làm phong phú hơn nền văn hóa mà chúng ta đang có. Chứ không phải vì toàn cầu hóa, vì lợi ích kinh tế mà chúng ta tiếp nhận ngay cả rác, chất độc hại văn hóa! Còn các nhà làm phim đã tham gia sân chơi thì phải biết tuân thủ luật chơi. Vậy thôi!

Dạ Hương

(Năng lượng Mới số 123, ra thứ Sáu ngày 25/5/2012)