Thị trường hàng Tết: Doanh nghiệp lo sức mua yếu
Sẵn sàng nguồn cung
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là sẽ đến Tết nguyên đán, tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuẩn bị cung ứng hàng tết ra thị trường. Tại TP HCM, ngay từ tháng 7, Sở Công Thương TP HCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp có kế hoạch chi tiết về nguồn hàng cung ứng cho dịp Tết nguyên đán. Theo số liệu của Sở Công Thương thành phố, hiện nay khả năng cung ứng hàng hóa của các DN tăng bình quân 114% so với kế hoạch TP giao, trong đó lượng hàng trong chương trình tăng bình quân 69,4% so với kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, khả năng chi phối từ 30% - 60% nhu cầu thị trường như dầu ăn (61,5%), đường (75,4%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thực phẩm chế biến (64,7%), thịt gia súc (32,2%).
Kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp lo sức mua hàng hóa Tết yếu
Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chuẩn bị sản xuất, dự trữ cho 2 tháng trước và sau tết tăng đến hơn 40%. Trong đó trên 50% hàng hóa nằm trong diện bình ổn giá của các doanh nghiệp. Đây là lượng hàng hóa lớn góp phần chi phối và đẩy mạnh thị trường tết trong năm nay.
Năm nay, TP HCM không phân bố ngân sách cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để tham gia bình ổn giá dịp tết, tuy nhiên tổng giá trị lượng hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia bình ổn vẫn tăng. Cụ thể là tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường tết Giáp Ngọ của các doanh nghiệp trên địa bàn năm nay ước tính lên đến 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng so với Tết Quý Tỵ.
Ngoài các doanh nghiệp sản xuất, hiện nay các đơn vị phân phối cũng đang nỗ lực lập kế hoạch chi tiết cho hoạt động bán hàng tết. Tại các siêu thị, ước tính lượng hàng hóa bày bán trong dịp tết sẽ tăng gấp 2-3 lần. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tăng cường củng cố hoạt động của các cửa hàng bình ổn giá tại các quận, huyện nhằm giúp người dân dễ
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, tính đến nay, cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn đã sẵn sàng cho việc cung ứng hàng hóa ra thị trường. Dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp đều đã có sự cố gắng vượt bậc trong việc ổn định sản xuất và đầu tư cho thị trường hàng hóa tết.
Giữ giá bán ổn định
Dù lượng hàng hóa đã được doanh nghiệp chuẩn bị kĩ lưỡng, nhưng nhiều đơn vị vẫn lo lắng về sức hút của thị trường. Không ít doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại về sức mua của thị trường thời điểm cuối năm sẽ không như những năm trước.
Theo ông Văn Ðức Mười, Tổng giám đốc Vissan, với tình hình hiện nay thì rất khó để xác định được sức tiêu thụ hàng hóa tết. Tuy nhiên, để đảm bảo việc đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong dịp tết Vissan vẫn tăng lượng cung ứng hàng hóa tết. Theo đó, Vissan đã tăng mức dự trữ hàng tết của công ty lên 20% so với cùng kỳ năm trước. Bù lại, Vissan chủ động không tăng giá hầu hết các mặt hàng trong dịp tết. Đây được cho là chiến lược thu hút mãi lực của người dân của doanh nghiệp khi mùa tết cận kề.
Không chỉ Vissan mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng tỏ ra lo lắng với sức mua của thị trường tết. Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM cho thấy, mức tăng giá hàng hóa dịp tết của các doanh nghiệp chỉ nằm ở ngưỡng 5%, và tập trung chỉ ở một số mặt hàng đặc trung của mùa tết. Còn đại đa phần các mặt hàng thiết yếu vẫn được các doanh nghiệp giữ nguyên giá nhằm kích thích người dân chi tiêu mua sắm.
Thùy Trang
-
Vì sao sản lượng của OPEC+ giảm mặc dù đã cam kết tăng sản lượng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/5: Sản lượng dầu thô của OPEC+ giảm
-
Kế hoạch bí mật của EU về khí đốt Nga và ảnh hưởng đối với xuất khẩu LNG của Mỹ
-
Nga dự báo mạnh mẽ trở lại thị trường dầu mỏ
-
Tin tức kinh tế ngày 14/5: Hà Nội thu ngân sách cao nhất cả nước