Thêm một đình cổ "gặp nạn" trùng tu

09:20 | 20/09/2012

1,342 lượt xem
|
(Petrotimes) - Nỗi lo lắng của dư luận về số phận của gác Khánh và nhà Tổ chùa Trăm Gian còn chưa “hạ nhiệt” thì mới đây lại có thêm một vụ tu bổ di tích sai nguyên tắc nữa diễn ra tại đình Ngu Nhuế - xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cuộc “đại trùng tu” này đã khiến dư luận đặt vấn đề, liệu có nên rút bằng công nhận Di sản Quốc gia như một hình thức nghiêm khắc đối với sai phạm trong tu bổ.

Tu bổ theo kiểu… nhân thể

Việc tu bổ đình Ngu Nhuế được địa phương mà cụ thể là UBND xã Vĩnh Khúc thực hiện từ nhiều tháng qua. Ban đầu, sự đồng thuận của người dân làng Vĩnh Nội đối với việc trùng tu đình gần như tuyệt đối. Thế nhưng, sau khi đình bị hạ giải và “được” di chuyển sang một thửa đất mới, cách đó 18m thì sự đồng thuận bỗng chia thành 2 quan điểm đối lập nhau gay gắt. Một ủng hộ chủ trương dịch chuyển đình, một yêu cầu trả đình về vị trí cũ, như nó vốn có… Đơn khiếu nại của người dân được gửi lên các cấp chính quyền và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

Cấu kiện của đình Ngu Nhuế

Lật giở lại lịch sử, ngôi đình này được khởi dựng từ thế kỷ thứ 12, cách đây hơn 800 năm trên nền một ngôi miếu nhỏ. Năm Chính Hòa thứ 20 (tức năm 1669 - đời Lê) dân làng quyên góp, dựng nên ngôi đình như hiện nay. Đình Ngu Nhuế có kiến trúc chữ Đinh, gồm 5 gian tiền bái và hậu cung. Tòa tiền bái có chiều dài 18,4m, rộng 9,1m, kết cấu kiến trúc vì kèo kiểu giá chiêng, đứng trên bốn hàng cột gỗ. Toàn bộ kết cấu khung được làm bằng gỗ lim, trên chạm khắc tinh xảo, các xà nách chạm hoa lá cách điệu… Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, thiên nhiên mất cả trăm năm vẫn chưa hủy hoại được di tích, nhưng dưới bàn tay con người và trong cái “vỏ bọc trùng tu” thì di tích bỗng bị san phẳng chỉ trong một cái chớp mắt.

Dù đã được thông tin về hiện trạng ngôi đình, nhưng khi chứng kiến tận mắt, chúng tôi không khỏi giật mình xót xa. Trên nền ngôi đình từng được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, nay chỉ còn là đống đổ nát, ngổn ngang gạch ngói. Phần duy nhất còn là hậu cung, rộng chưa đầy 10m2, nhưng cũng xập xệ như sắp đổ đến nơi. Theo những người dân làng Vĩnh Nội cho biết, nhiều hạng mục của đình đã xuống cấp trầm trọng, vì thế năm 2010, dân làng đã làm đơn xin kinh phí tu bổ, sửa chữa. Các đơn vị chức năng của Sở VH-TT&DL Hưng Yên đã về kiểm tra và cũng thừa nhận tình trạng xuống cấp này, song với lý do đã hết chỉ tiêu kinh phí nên đợi năm 2011 giải quyết. Đến năm 2011, đình được cấp kinh phí tu bổ tròn 100 triệu đồng. Với số tiền này Ban Quản lý di tích ban đầu thống nhất chỉ đảo ngói trên dưới để không dột, còn dui, mè, cái nào hỏng thì thay. Thế rồi chẳng hiểu thế nào, khi chưa hề có dự án, không có giấy tờ thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL về việc tu bổ, tôn tạo, song đơn vị thi công từ việc đảo ngói rồi với lý do mục nát hết thảy đã tiến hành hạ giải toàn bộ đình.

Và đoạn cuối của quy trình tu bổ là phá hủy toàn bộ ngôi đình cổ và xây dựng một ngôi đình mới thay thế cách đó không xa. Kể từ đó, nhiều chi tiết tinh xảo tạo nên giá trị đặc biệt đã khiến đình Ngu Nhuế được công nhận là di tích kiến trúc lịch sử quốc gia như mảng chạm, đầu kê, đòn bẩy được chạm lộng tinh xảo… sau khi hạ giải phần thì mất mát, hỏng hóc, phần thì được tái sử dụng, nhưng lại không ăn khớp với cấu kiện gỗ mới ở đình mới, thành ra cọc cạch… Trong các mảng chạm cũ, có hình đầu rồng, râu dài ôm lấy thân cột, khi lắp những họa tiết này vào cột mới thì râu rồng bỗng thừa ra và để cho vừa, đơn vị thi công không ngần ngại cắt phéng đi. Vì, kèo, cột cũ - mới khi lắp ráp với nhau cũng không đâu vào đâu, các mối liên kết cách nhau đến gần nửa mét. Đáng chú ý nhất, những chi tiết mắt rồng ở đình cũ được thiết kế tinh tế, giờ sang đình mới không hiểu lý do gì đều bị khoét mất?

Vẫn phải tìm người chịu trách nhiệm

Đem những thắc mắc trên, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc. Phải vất vả lắm, chúng tôi mới được ông tiếp chuyện. Theo đó, việc đình bỗng dưng bị dịch chuyển là do có con đường 180 được UBND huyện Văn Giang đầu tư chạy qua trước cửa đình. Theo quy hoạch, đường rộng 32m, lấn vào một phần di tích, khiến khoảng sân đình vốn đã không rộng lại bị hẹp hơn, không những thế, “cốt” của đình lại thấp hơn nền đường. Vì vậy, UBND xã có tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị cho phép di chuyển đình Ngu Nhuế, nhưng Sở VH-TT&DL Hưng Yên không đồng ý. Và rồi, khi các cấp có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn còn đang xem xét, nghiên cứu, thì sẵn tiền công đức, Ban Kiến thiết và chính quyền xã đã tự ý xê dịch đình. Sự việc xây dựng đình chỉ dừng lại khi vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người dân. Ông Hoàng Văn Dược, người đã đứng ra chụp ảnh hiện trường và gửi đơn kêu cứu lên Bộ VH-TT&DL cho biết, ngày dỡ đình cũ diễn ra linh đình, có đại diện lãnh đạo xã xuống dự. Lúc đó, đã có rất nhiều người dân trong làng có mặt ngăn cản đơn vị thi công. Hóa ra bà con được giải thích là sau khi thống nhất ý kiến trong dân chúng, xã đã cho làm đơn và được Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên cho phép hạ giải để thực hiện công việc tu bổ, sửa chữa ngôi đình.

Đình mới đang tạm dừng thi công, người dân tự bỏ tiền mua bạt phủ cho đỡ xót

Ngay sau khi phát hiện sai phạm trong việc tu bổ đình Ngu Nhuế, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu dừng ngay việc thi công, giữ nguyên hiện trạng đình Ngu Nhuế và lúc đó, UBND tỉnh Hưng Yên mới có công văn gửi Bộ VH-TT&DL, đề nghị cho di chuyển đình Ngu Nhuế để “tránh ảnh hưởng đến quy hoạch và thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân”. Thế nhưng, hơn 1 tháng trôi qua, kể từ ngày có công văn của Bộ, mọi việc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những sai phạm nói trên vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Đình Ngu Nhuế dở dang phơi sương phơi nắng, khiến không ít người đi qua thấy xót xa. Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, trả lại hiện trạng cho di tích là nỗi mong mỏi không chỉ của người dân làng Vĩnh Nội. Trong những bức xúc về việc làm của chính quyền địa phương và Ban Kiến thiết, cũng còn có không ít các ý kiến tỏ ra lo lắng, liệu ngôi đình có bị Bộ VH-TT&DL tước bằng công nhận Di tích Quốc gia hay không. Bởi Bộ chỉ công nhận danh hiệu di sản nghệ thuật kiến trúc cho đình cũ, còn đình mới (theo cách gọi của người dân) thì làm gì có giá trị gì mà công nhận.

Đem những thắc mắc trên, chúng tôi đã tìm gặp ông Nông Quốc Thành - Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa và được biết, Cục Di sản văn hóa chưa xem xét việc rút hay không mà tập trung đánh giá những ảnh hưởng của di tích sau khi bị di chuyển. Bên cạnh đó, vẫn đang đợi văn bản báo cáo của Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên về việc đình bị xâm hại, làm rõ các sai phạm trong việc dịch chuyển đình. Ông Thành cho rằng, địa phương, mà cụ thể là chính quyền xã phải có trách nhiệm giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn của người dân và phải tự đề xuất các phương án xử lý. Bộ VH-TT&DL không thể làm việc này. Di tích do địa phương quản lý nên địa phương phải có trách nhiệm với di tích. Ông Thành cũng giải thích, việc di chuyển di tích đình, chùa… cũng đã từng xảy ra, để phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội như mở rộng xây dựng cầu đường… Tuy nhiên, phần lớn những lần dịch chuyển đều được thực hiện đúng quy trình và có sự đồng thuận cao. Ví dụ, đình Yên Phụ ở Hà Nội đã được chuyển từ ngoài đê vào sâu bên trong. Ông Thành cho biết thêm, đến nay, chưa có trường hợp nào bị rút bằng công nhận di tích. Trong trường hợp này tỉnh Hưng Yên phải có ý kiến đề nghị rút bằng công nhận, hội đồng họp thẩm định giá trị của di tích trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Xuân Dung

(Năng lượng Mới số 156, ra thứ Ba ngày 18/9/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan