Thế giới đêm qua - 12/1

11:38 | 13/01/2019

134 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục xâm nhập lãnh hải Nhật Bản. Ba Lan kêu gọi EU và NATO thống nhất quan điểm về Huawei. Tổng thống Mỹ tìm cách khôi phục hoạt động toàn bộ bộ máy chính phủ.
the gioi dem qua 121Tin nóng thế giới hôm nay - 12/1
the gioi dem qua 121Tin nóng thế giới hôm nay - 11/1
the gioi dem qua 121
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục xâm nhập lãnh hải Nhật Bản

Ngày 12/1, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc chiều cùng ngày đã tiến vào vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Đội bảo vệ bờ biển số 11 thuộc JCG nêu rõ, 4 tàu mang số hiệu Hải cảnh 1305, 2305, 2401 và 31241 thuộc Cục Hải cảnh Trung Quốc đã lần lượt tiến vào vùng lãnh hải của Nhật Bản trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 14 giờ 25 (giờ địa phương) tại khu vực đảo Uotsuri và đảo Minamiko thuộc quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Đến thời điểm hiện tại, các tàu này vẫn đang di chuyển trong vùng lãnh hải của Nhật Bản tại khu vực cách đảo Minamiko khoảng 20 km về phía Nam. JCG cho biết đã yêu cầu các tàu Trung Quốc lập tức rời khỏi lãnh hải của Nhật Bản và đang tiếp tục các hoạt động cảnh giới. Theo JCG, đây là lần thứ hai tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku kể từ đầu năm 2019, sau lần đầu tiên hôm 5/1 vừa qua.

2. Ba Lan kêu gọi EU và NATO thống nhất quan điểm về Huawei

Theo Reuters, ngày 12/1, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinski cho rằng Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần thống nhất quan điểm về việc liệu có loại bỏ các thiết bị viễn thông của tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) khỏi thị trường của các nước thành viên hay không. Phát biểu với kênh truyền hình tư nhân RMF, ông Brudzinski cho biết Ba Lan muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, song lưu ý rằng một cuộc thảo luận về việc loại bỏ Huawei khỏi một số thị trường là cần thiết. Ông nói: "Cũng có những quan ngại về Huawei trong nội bộ NATO. Hợp lý nhất là có một lập trường chung, giữa các thành viên EU và các thành viên NATO". Hôm 11/1, các nguồn tin cho biết Ba Lan đã bắt giữ một nhân viên người Trung Quốc của Huawei và một cựu quan chức an ninh Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp, một động thái có thể kích động những quan ngại an ninh của phương Tây về tập đoàn này. Ngày 12/1, Huawei đã tuyên bố sa thải nhân viên bị bắt nói trên.

3. Tổng thống Mỹ tìm cách khôi phục hoạt động toàn bộ bộ máy chính phủ

Tính đến ngày 12/1, một phần chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động trong 22 ngày liên tiếp, đánh dấu đợt "đóng cửa" chính phủ dài ngày nhất trong lịch sử nước này.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa kêu gọi các nghị sỹ Dân chủ đàm phán về dự luật xây dựng bức tường biên giới - vấn đề mấu chốt gây bất đồng giữa hai bên dẫn tới việc nhiều cơ quan bộ ngành của Mỹ tạm thời đóng cửa do ngân sách hoạt động hết hạn từ ngày 21/12/2018.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Các nghị sỹ đảng Dân chủ nên quay trở lại Washington và nỗ lực để chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần chính phủ, đồng thời kết thúc cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp tại khu vực biên giới phía Nam đất nước. Tôi đang ở Nhà Trắng đợi các vị".

4. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng viện tại khu vực biên giới với Syria

Theo Reuters, hãng thông tấn Demiroren đưa tin ngày 12/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa xe tăng và xe thiết giáp lên các xe tải và cử đoàn hộ tống tới tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria. Đây là ngày thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới gần tỉnh Idlib ở miền Bắc Syria, thành trì lớn cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria.

Hôm 11/1, một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quân đội nước này đã lần lượt cho lực lượng ra, vào khu vực, ngoài ra từ chối bình luận liệu có phải động thái mới nhất này là để chuẩn bị cho một chiến dịch bên trong Idlib hay không.

Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định rút quân khỏi Syria. Quyết định này đã mang lại một sự không chắc chắn cho cuộc chiến kéo dài 8 năm tại Syria và làm dấy lên một loạt các cuộc tiếp xúc về hệ quả thiếu an ninh khắp miền Bắc và miền Đông Syria, nơi các lực lượng Mỹ đồn trú.

5. Syria triển khai lực lượng tới Hama chuẩn bị cho chiến dịch quân sự

Ngày 12/1, hãng thông tấn Fars dẫn một số nguồn thạo tin cho hay quân đội Syria đã điều nhiều đoàn xe quân sự mới từ tỉnh Deir Ezzur, miền Đông Syria tới Hama ở khu vực phía Bắc nước này để chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự ở đó.

Những nguồn tin từ thực địa ở miền Bắc Syria cho biết: “Những đoàn xe quân sự lớn của quân đội Syria gồm hàng trăm binh sỹ từ nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có Sư đoàn 5, cùng với các thiết bị và khí tài quân sự hạng nặng được đưa tới các mặt trận ở phía Bắc thuộc tỉnh Hama từ các thành phố al-Mayadeen và al-Bu Kamal ở Đông Deir Ezzur".

Những nguồn tin trên lưu ý rằng các đoàn xe quân sự đã được điều tới Deir Ezzur từ Bắc Hama và Đông Idlib sau thỏa thuận Sochi. Quân đội đã tăng cường các cứ điểm và lực lượng tại tất cả các ngôi làng và thị trấn Hayalin, Talmalh, al-Jabin, Sheikh Hadid, al-Moghir, Bridij và al-Jurnia ở Tây Hama trong hai ngày qua. Theo những nguồn tin trên, nhiều khả năng cho thấy rằng quân đội Syria sẽ sớm phát động chiến dịch quân sự lớn ở tỉnh Idlib.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc