THẾ GIỚI 24H: IS bắt đầu rút khỏi Syria

07:00 | 17/10/2015

3,220 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dưới sức tấn công của các loại vũ khí hiện đại của Nga từ trên không trung, cùng với sức mạnh bộ binh của quân đội Syria, các phần tử IS đã bắt đầu rút lui khỏi lãnh thổ Syria.
tin nhap 20151016224032

Đó là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, tại cuộc họp báo hôm qua tại Moskva.

"Các chiến binh IS rút lui, cố gắng trang bị cho các khu vực cứ điểm mới và thay đổi hệ thống hậu cần cung cấp đạn dược, vũ khí và trang thiết bị"-ông Konashenkov nói.

Sở dĩ Nga biết được điều này là nhờ hệ thống tình báo và thông tin do phía Iraq cung cấp.

"Tất nhiên, để kiểm tra và xác minh thông tin này, chúng tôi gia tăng cường độ các chuyến bay do thám"-ông Konashenkov nói thêm.

Cũng trong ngày hôm qua, Thượng tướng Andrei Kartapolov, quan chức cấp cao Bộ Tổng tham mưu Nga, cho biết kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria hôm 30/9 cho đến nay, Nga đã tấn công hơn 380 mục tiêu của tổ chức IS.

Chuyện bầu bán ở HĐBA LHQ

Hôm qua, Liên Hiệp Quốc đã bầu chọn 5 nước thành viên không thường trực vào Hội đồng Bảo an. Ukraina nằm trong số những nước trúng cử sẽ tham gia cơ quan quyền lực nhất của LHQ vào ngày 1/1/2016.

4 nước còn lại là Nhật Bản, Ai Cập, Senegal và Uruguay. Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ gây ít hào hứng vì các nhóm khu vực đã quyết định với nhau chọn nước nào làm ứng cử viên và không có sự cạnh tranh cho năm ghế thành viên này.

Nhưng mỗi nước vẫn cần có được sự ủng hộ của đa số hai phần ba các nước thành viên. Cả năm nước đều vượt xa con số bắt buộc và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

Chỉ có 3 vị trí được chú ý. Đó là Ai Cập, Nhật Bản và Ukraina. Vì các nước này một khi là thành viên không thường trực của HĐBA có thể sẽ tác động tới hoạt động của tổ chức quyền lực này.

Richard Gowan của Đại học Columbia cho biết sự hiện diện của Ai Cập trong hội đồng gồm 15 thành viên có thể gây xáo trộn những liên minh truyền thống. "Vị trí của Ai Cập trong hội đồng sẽ rất thú vị, bởi vì họ là một đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng gần đây đã phát triển những liên kết mạnh mẽ với Nga".

Ông nói thêm rằng đối với Ai Cập, cuộc khủng hoảng đáng quan tâm nhất là Libya và vấn đề liệu một lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ có thể cần được đưa tới đó hay không.

Tương tác trong hội đồng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc Ukraina được bầu vào ghế Đông Âu giữa lúc họ đang có xung đột với một thành viên thường trực của hội đồng là Nga.

Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin nói với các nhà báo hồi đầu tuần này rằng mối quan hệ của hai nước "chắc chắn sẽ không hòa dịu" nhưng Ukraina sẽ đi theo một "chương trình nghị sự toàn diện và toàn cầu" bao gồm nhiều vấn đề trong hội đồng.

Giữ ghế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản tham gia hội đồng với nhiệm kỳ thứ 11 trước đây chưa từng có. Lần gần đây nhất mà họ phục vụ là năm 2009-2010.

Quan sát viên Liên Hiệp Quốc lâu năm Jeffrey Laurenti nói Nhật Bản "chèn ép" Bangladesh trong nhóm khu vực để ngăn họ tranh chiếc ghế thành viên. "Không nghi ngờ gì, Thủ tướng (Shinzo) Abe xem đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của ông ta biến Nhật Bản thành một thế lực lớn hơn trên trường quốc tế, và về mặt quân sự, ông ta có thể đang xúc tiến tìm cách để Nhật Bản đóng góp nhiều hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ như là một cách che giấu ý định nâng cao hình ảnh của quân đội trong xã hội Nhật Bản".

Senegal và Uruguay đều là những nước đóng góp binh sĩ và cảnh sát nhiều nhất cho những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ, nhưng các nhà phân tích đồng ý rằng họ không có khả năng gây tác động lớn đến hoạt động của hội đồng.

Điểm mấu chốt, theo ông Laurenti, là tầm quan trọng của 10 nước thành viên hội đồng được bầu chọn đã suy giảm. "5 nước thường trực đã trở thành những nước chủ chốt thúc đẩy thực hiện bất cứ điều gì trong HĐBA, thậm chí vai trò còn lớn hơn so với truyền thống".

Thực tế là ngay bây giờ, chỉ có ba nước quan trọng trong tổ chức này là Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Châu Âu đã có cách chặn di dân?

Hạn chế tối đa dòng nhập cư đổ vào châu Âu. Đó là chủ trương của châu Âu sau cuộc họp ngày 15/10, tại Bruxelles. Ủy ban châu Âu thông báo đã ký được một “kế hoạch hành động chung” với Ankara, với nội dung chính là châu Âu tăng cường tài trợ để Thổ Nhĩ Kỳ đón tiếp thêm người nhập cư.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Pháp François Hollande đã tóm tắt mọi việc như sau : Điều quan trọng là chúng ta cần phải tìm ra các giải pháp để những người tị nạn được đón tiếp gần những nơi mà trước đây họ đã sinh sống. Chúng ta chỉ đón nhận những người đang trong tình trạng hiểm nghèo tuyệt vọng và đối với họ, giải pháp duy nhất là phải tới châu Âu.

Để ngăn ngừa làn sóng nhập cư, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò chính và đây là chủ đề được thảo luận nhiều tại hội nghị thượng đỉnh. Sau đó, Ủy ban châu Âu thông báo đạt được một kế hoạch hành động chung với Ankara.

Kế hoạch này bao gồm một khoản hỗ trợ tài chính để giúp Thổ Nhĩ Kỳ giữ những người tị nạn trên lãnh thổ của mình và ngăn cản không cho họ tràn vào châu Âu. Tổng số tiền hỗ trợ sẽ được đàm phán trong những ngày tới và có thể lên tới 3 tỷ euro. Thủ tướng Đức lưu ý là Thổ Nhĩ Kỳ đã chi hơn 7 tỷ euro khi mở cửa đón tiếp hơn 2 triệu người xin tị nạn Syria.

Mặt khác, Thủ tướng Angela Merkel cho biết thêm là lãnh đạo các nước châu Âu cũng đã dự tính tới việc tái khởi động quy trình kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151016224032
Những quả bí ngô khổng lồ trong thùng xe tải trước cuộc thi thường niên lần thứ 42 Safeway World Championship Pumpkin Weight-Off Contest ở California

G.K

Năng lượng Mới (Theo AP, BBC, AFP)