Thầy lang ở làng rắn Vĩnh Sơn

07:00 | 17/03/2013

2,005 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ông chỉ có kinh nghiệm được truyền dạy từ người cha của mình, vài viên thuốc đặc biệt và ít lá trong vườn là có thể tiễn thần chết ra khỏi người bị rắn cắn.

Dân Hà Nội vẫn quen với cái tên làng rắn Lệ Mật (Gia Lâm) nhưng theo giới buôn rắn lâu năm, làng rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc mới thực sự là “độc” nhất miền Bắc. Nét duyên thầm của làng rắn này là ở hai chuyện: Vĩnh Sơn là làng nghề lâu năm, nuôi, bán buôn đủ các loại rắn độc nhất hiện nay; và nữa là Vĩnh Sơn đã trở thành làng nghề khép kín về rắn. Nói đến đây chưa đủ, nếu không nhắc tới một cách làm hay, một bài thuốc dân gian mà đến nay gốc tích của nó vẫn là một bí ẩn. Người cuối cùng giữ gốc tích ấy là thầy lang Hà Văn Vừa.

50 tuổi đời nhưng ông Vừa đã có 40 tuổi nghề. Chúng tôi gọi ông là “thầy”, gọi công việc ông đang làm là “nghề”. Ông Vừa vút tay từ chối: “Xin cứ gọi tôi là ông Vừa, nông dân một cộc và gọi việc tôi đang làm là “người chữa rắn độc cắn””. Những cái tên ông đưa ra nghe rất quê mà cũng rất dài nhưng đậm chất… Hà Văn Vừa. Ngay cái cổng gỗ nhà ông đã ghi rõ số điện thoại của ông để người nào có nhỡ bị rắn độc cắn sẽ có ngay số điện thoại gọi cho ông ngay. Vì thế, nhiều người đã được cứu sống, đã mang ơn ông suốt đời.

Căn nhà ông đang ở chẳng có gì khá khẩm, duy chỉ có ban thờ tổ tiên, nền nhà vừa được ông nâng cấp, tu tạo thêm phần sáng sủa. Trên chiếc kệ tủ đặt cạnh bàn uống nước đặt nhiều bình rượu rắn mà ông cho biết giá có 100 nghìn/bình. Sân gạch đúng chất vùng quê Bắc Bộ và cái bếp hơi thấp, nếu mưa to bão lớn thì dột cả gian, ẩm cả tuần. Cạnh bếp ông có một cơ ngơi mà người lạ vào sẽ không bao giờ biết, đó là rắn. Ông Vừa nuôi không nhiều, nuôi chủ yếu là kiếm chút kinh tế, để hòa vào không gian làm ăn kinh tế từ rắn của làng Vĩnh Sơn. Nhưng ông Vừa có một “gia tài” đồ sộ, không một ngôn từ nào tả xiết cái đáng quý ấy, đó là: sự sống của gần 100 người dân.

Ông Vừa giơ ngón tay cái bị rắn hổ mang cắn cách đây hơn 10 năm và bằng mấy viên thuốc của ông đã cứu được ngón tay

Ông không phải là bác sĩ chuyên nghiệp nên y bạ gần như không có. Ông chỉ có kinh nghiệm được truyền dạy từ người cha của mình, vài viên thuốc đặc biệt và ít lá trong vườn là có thể tiễn thần chết ra khỏi người bị rắn cắn. Khi chàng trai Hà Văn Vừa mới 17 tuổi đã theo cha đi khắp làng trên xóm dưới để chữa trị cho người bị rắn độc cắn. Khi cha lâm chung, ông Vừa cũng kịp học được bí kíp chữa rắn của người cha. Thế là 40 năm nay, ông Vừa âm thầm tiếp nối truyền thống gia đình, mang cái tinh hoa của y học cổ truyền chữa trị cho những kiếp người không may bị rắn… đợp.

Thật vô duyên và đáng xấu hổ nếu ai cứ hỏi sâu, hỏi khó ông về mấy viên thuốc trị rắn độc kia. Bởi viên thuốc đó không ai có thể tạo ra, trừ ông Vừa; không ai biết dùng nó để chữa bệnh, trừ ông Vừa. Thế nên, nếu cứ đào sâu vào viên thuốc thì có khi bị làm giả và hơn nữa đó là cái cấm kỵ trong y học cổ truyền. Ông chỉ bật mí là viên thuốc đó to bằng đầu ngón tay cái, màu trắng, dạng viên mềm. Đi kèm với thuốc là vài loại lá có trong vườn và một cốc nước trắng. Đơn thuốc của ông chỉ có thế nhưng cách chữa trị thì không theo một quy tắc y học nào. Mỗi một bệnh nhân bị rắn cắn có những biểu hiện khác nhau tùy vào loại rắn cắn, tùy vào thể trạng của người đó và tùy vào vùng bị cắn. Với người bị cắn là trẻ em, người đang mang thai hoặc có thể trạng yếu thì ông Vừa cho uống ngay từ 2 - 3 viên thuốc và theo dõi. Điều trị dài ngày khoảng một tháng mới có thể tẩy được chất độc ra ngoài.

Ông Vừa hướng dẫn người bị rắn cắn như sau: Khi bị rắn cắn bất cứ vùng nào trên cơ thể cần lấy gạc sạch buộc chặt phần trên theo hướng máu về tim của vùng bị cắn để ngăn máu truyền chất độc về tim. Sau đó dùng miệng (của người khỏe mạnh, không bị nhiệt, lở loét) ngậm vào vết cắn, hút máu có chứa chất độc ra ngoài và nhanh chóng xúc miệng bằng nước chè. Sau đó nhanh chóng liên lạc với bác sĩ gần nhất hoặc thầy lang cạnh nhà để biết tình trạng. Nếu bệnh nhân gần bệnh viện tuyến trên cần chuyển ngay, nếu cạnh nhà thầy lang nào biết chữa cần gọi thầy đến ngay và chữa trị. Người bệnh cần tránh tắm, không ra gió, ăn uống đủ chất thì khoảng 1 tháng bằng cách chữa truyền thống như của ông sẽ khỏi. Nếu chữa bằng y học hiện đại thì ông Vừa xin lưu ý nên đi bệnh viện gần và phải có sơ cứu ban đầu, nếu không sẽ tử vong trên đường di chuyển.

Ông Vừa còn nhớ chuyện chị Hà ở Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ có xuống nhà ông Vừa chữa nhưng thấy bài thuốc đơn sơ quá, chị Hà định quay về bệnh viện tỉnh nhưng bị ông Vừa ngăn lại. “Chị cứ uống viên thuốc này của tôi đã, tính mạng của chị đảm bảo đã rồi đi đâu thì đi” – ông Vừa nhớ lại. Quả thật, sau 2 giờ, chị Hà đã hồi tỉnh và không có biểu hiện bị chất độc làm tê liệt các cơ, các chi. Ngay sau đó, người nhà chị Hà sắp xếp cho chị tiếp tục chữa tại nhà ông Vừa để tẩy rửa chất kịch độc do rắn cắn ra ngoài. Sau này, chị Hà vẫn gọi điện cảm ơn, coi ông Vừa như cha nuôi.

Một bệnh nhân khác ở Thanh Hóa, vào bếp nấu nướng không để ý có rắn khoang trắng trong đống rơm nên bị cắn. Người nhà theo mối quen biết dẫn ra gặp ông Vừa và cũng chần chừ không để ông cứu. Bệnh nhân có biểu hiện tím tái, hơi co giật thì người nhà mới cho ông cứu. Ngay sau đó, bệnh nhân tỉnh nhưng chất độc đã làm tê liệt cơ thể trong thời gian quá dài khiến bệnh nhân phải chữa trị dài ngày tại các bệnh viện ở Hà Nội. Tên bệnh nhân, quê quán trong trường hợp này ông Vừa không nhớ.

Tính đến nay, ông Hà Văn Vừa đã chữa trị khoảng gần 100 người. Những người bệnh đến chữa chỗ ông không ai bị tử vong sau chữa chạy nhưng có người vẫn để lại di chứng do thời gian ngâm chất độc quá dài. Mỗi lần chữa, ông lấy tiền thuốc, tiền công khoảng 400 – 500 nghìn. Người nhà có quà cáp gì như hoa quả, bánh kẹo, ông vui vẻ nhận, tuyệt nhiên không lấy thêm tiền và vật chất giá trị khác.

Tiết trời xuân đẹp như cái “nghiệp” của ông vậy, Hà Văn Vừa vẫn là cái tên được những người bị rắn cắn nhắc tới. Người ta mang ơn ông suốt đời vì cái lẽ ông chỉ phe phẩy đôi chút mà đã cứu sống cả tính mạng, cả hạnh phúc, cơ nghiệp của hàng chục gia đình, dòng họ, cao hơn là xóm làng. Ông làm việc bằng cả cái tâm, bằng kinh nghiệm của nửa đời người nên lòng ông nhẹ nhõm mỗi khi cứu xong một ca rắn cắn. Nhiều lần ông Vừa phải “tuyên chiến” với người nhà bệnh nhân vì không để cho ông chữa. Ông quả quyết, đã mang bệnh nhân đến nhà ông hoặc gọi ông đến tận nơi chữa phải để ông tiến hành cứu chữa, tính mệnh được bảo đảm đã rồi đối xử với ông thế nào thì tùy. Nông dân Hà Văn Vừa là thế, tính mạng là trên hết, những hiềm khích, rèm pha bước đầu ông không hề để ý.

Với người hiểu nghĩa lý, ông là thầy; với người chỉ nhìn cái lợi trước mắt, Hà Văn Vừa có thể chỉ là lão nông quê cộc mà thôi.

Đức Chính