Cả làng chữa bệnh vô sinh?

07:00 | 04/11/2013

3,293 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi cái sự sinh đẻ của chị em phụ nữ ngày càng trở nên khó khăn thì làng An Thái, xã Yên Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam càng trở nên nổi tiếng. Bởi lẽ, cả làng có đến hơn 100 người hành nghề chữa vô sinh. Chúng tôi đã về An Thái, tận mục sở thị những cơ sở chữa bệnh này. Đương nhiên, chữa được thì chẳng sao nhưng không chữa được và những hệ lụy oái oăm của nó làm nhiều người dở khóc, dở cười.

Năng lượng Mới số 270

Cả làng có hơn... 100 thầy lang

Làng An Thái giờ đã lên phố. Nói là làng nhưng đường xá kẻ dọc ô vuông như bàn cờ, nhà cao tầng san sát, biển kinh doanh treo la liệt, rất sầm uất. Dọc đường vào làng chẳng khó để nhìn rõ những tấm biển với hàng chữ rất to: “Ở đây chữa vô sinh”.

An Thái là làng cổ, ngôi chùa đầu làng đã xây dựng được mấy trăm năm. Gốc đa cổ, giếng nước đá xanh và mái đình ngói vảy là bằng chứng cho thấy, trước kia An Thái là một làng điền nông bề thế.

Lang thang một vòng quanh làng, hỏi chuyện những người già, lật giở “biên niên sử làng”, chúng tôi biết được duyên cớ rất thú vị để làng này trở thành làng chữa vô sinh nổi tiếng. Kỳ lạ là, cụ tổ nghề này lại không phải là người gốc làng An Thái. Cụ tổ nghề là cụ Thái Văn Lập, quê gốc ở làng Quang Tó, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Cũng chỉ vì sinh kế, cụ Thái Văn Lập tìm đến mảnh đất này từ năm 1871. Cụ Lập là nhà nho, kiến thức uyên thâm nhưng không đỗ đạt. Cụ bỏ quê đến vùng này và lấy cụ Nguyễn Thị Lê. Cụ Lê biết nghề đỡ đẻ, mát tay nức tiếng trong vùng, còn cụ Lập lại biết nghề thuốc nam. Tạo hóa thật khéo sắp đặt, hai cụ thường xuyên chữa bệnh, bốc thuốc cho người dân trong vùng và dần dà đã sáng tạo ra bài thuốc chữa những bệnh liên quan đến sức khỏe phụ nữ. Bài thuốc ấy qua thời gian, bổ sung thêm các vị thuốc, hình thành nên bài thuốc chữa vô sinh trứ danh.

Làng An Thái san sát cơ sở chữa vô sinh

Những chuyện này do các cụ già trong làng kể thế chứ sách in tiểu sử làng nghề thì đã thất truyền, chưa làm lại được.

Chúng tôi vào một con ngõ hẹp dài chừng trăm mét, thấy có cảnh tượng rất lạ, một đám phụ nữ trung niên ngồi la liệt trước cửa nhà nhổ tóc sâu cho nhau để giết thời gian. Có chị quê tận Nghệ An, Hà Tĩnh đến đây để chữa đẻ. Hỏi ra mới biết, họ đều là bệnh nhân đang chữa bệnh hiếm muộn. Chị Lê Thị Thắm, 35 tuổi, quê ở Thanh Chương, Nghệ An kể cho tôi nghe câu chuyện của gia đình chị. Chị lấy chồng đã được gần chục năm, tìm đủ mọi cách, đông tây y kết hợp... “cúng” mòn mỏi mà vẫn chẳng thể nào đậu thai được. Anh Vần chồng chị lại là con một, trách nhiệm nối dõi tông đường đè nặng lên vai. Bố mẹ chồng chị là người nệ cổ, mong đứa cháu trai như nắng hạn mong mưa rào. Từ ngày về làm dâu, thấy con dâu mãi không đẻ, bố mẹ chồng chị ra nhiếc vào móc rằng, gắng mà đẻ cho ông bà đứa cháu trai không thì sẽ hỏi cho anh Vần người vợ khác biết đẻ.

Chị Thắm uống thuốc khắp nơi, nghe chỗ nào có người mách là chị giục chồng khăn gói tìm đến. Gần chục năm qua, không thuốc bắc thì thuốc nam, không thuốc tây thì chữa mẹo, chị uống không biết bao nhiêu thứ thuốc vào người, vậy mà vẫn chẳng có chút “tín hiệu”. Từ Nghệ An tìm ra tận làng An Thái là chị đã mỏi mệt lắm rồi, chị chấp nhận bỏ hết việc nhà, vay mượn khắp nơi, dắt túi vài chục triệu để ăn dầm nằm dề nơi đây, mong làm trọn chữ hiếu với nhà chồng.

Chị rơm rớm nước mắt: “Xa xôi quá anh ạ. Nhưng biết làm sao, chuyến này mà không được nữa thì chắc cũng phải ngậm đắng nuốt cay cho anh ấy đi lấy vợ khác”.

Không đậu thai, không lấy tiền!

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, những người đến đây chữa bệnh đều có nỗi niềm riêng. Họ đều mong mỏi một lần được làm mẹ. Như chị Phan Thị Chuyên, quê ở Thanh Hóa thì “bao nhiêu tiền cũng được, khó khăn thế nào cũng chẳng nề hà, miễn là  có một mụn con”.

Trong vai một người chồng muộn con, tôi qua “cửa cò” để được “cò” dẫn dắt đến cơ sở nào chữa bệnh hay nhất. Cũng cần phải hiểu thêm về khái niệm “cò” ở làng An Thái. Cũng là do nhiều cơ sở chữa bệnh quá nên khách đến không biết chỗ nào hay, chỗ nào dở. “Cò” có nhiệm vụ dẫn đường chỉ lối cho khách đến những cơ sở được quảng cáo là “công hiệu 100%”. “Cò” thường là cánh xe ôm, hay các quán bán nước đầu làng, thấy ai lơ ngơ hỏi thăm là họ “bắt sóng” rồi sấn đến hỏi han. Chỉ cần chi cho họ 50 đến 100 nghìn đồng là “cò” tận tình dẫn đến tận nơi.

Một thang thuốc bệnh nhân chữa bệnh vô sinh uống hằng ngày

Tôi được đưa đến nhà bà lang Thìn, một cơ sở được “cò” quảng cáo là uy tín hàng đầu ở làng. Nhà bà lang Thìn là một ngôi nhà 2 tầng khá khang trang, hai bên sân là những căn phòng được xây kiến cố, rộng khoảng 10m2 là nơi lưu trú cho bệnh nhân. Trên tầng 2 là nơi bà lang Thìn khám bệnh. Tôi bịa bừa ra hoàn cảnh của mình, đại loại vợ chồng lấy nhau đã lâu, sức khỏe bình thường nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa có con.  Cũng viện này, viện nọ, cũng thuốc nam, thuốc bắc nhưng chẳng có tác dụng gì.

Bà lang Thìn không già như chúng tôi tưởng mà thực ra bà lang này là một người phụ nữ chừng 40 tuổi. Chị Thìn ăn mặc rất kiểu cách, ăn nói khéo léo, dẫn giải rất khúc triết. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, khi tôi vừa ngồi xuống ghế thì chuông điện thoại của chị Thìn reo lên. Điều đặc biệt là khi nghe điện thoại, chị Thìn lại mở loa ngoài cho chúng tôi nghe câu chuyện với người đầu máy bên kia. Đó là một bệnh nhân ở tận Quảng Bình gọi ra báo tin vui rằng chị đã có bầu được 3 tháng. Chị ta kể chi ly quá trình uống thuốc của mình và rối rít cảm ơn chị Thìn.

Kết thúc cuộc điện thoại, chị Thìn quay ra bảo tôi: “Đấy chú xem, ngày nào chị cũng nhận được vài cuộc điện thoại của bệnh nhân gọi về báo tin vui và cảm ơn như thế này. Đến đây với chị thì yên tâm, không khỏi không lấy tiền”.

Tôi gật đầu lia lịa và bắt đầu hỏi về phương thức chữa bệnh của chị Thìn. Chị bắt mạch cho tôi rồi khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Sức khỏe của chú hoàn toàn bình thường, việc chậm con đương nhiên là do vợ chú rồi. Phải đưa cô ấy đến đây để tôi khám xem sao. Khả năng rất cao là phải nằm đây vài tháng để đắp thuốc trị bệnh thì mới có kết quả. Nặng thì dùng thuốc uống, trong công ngoài kích, nhẹ thì chỉ cần tôi “chỉnh” cho một cái là xong”.

Tất cả những người phụ nữ đến đây chữa bệnh đều phải nằm lại cơ sở chữa bệnh ít nhất là 1 tháng. Hằng ngày họ ăn uống cùng với chủ nhà, buổi sáng bắt mạch uống thuốc, buổi chiều nằm tĩnh dưỡng. Cứ như thế, bao giờ thầy lang bảo được thì về nhà với chồng để hoàn tất những công đoạn còn lại. Giá cả thì có ba-rem rõ ràng: 400 nghìn đồng/ngày, đây là chi phí tất tật từ ăn ở đến thuốc thang. Như vậy, chỉ cần phép tính đơn giản cũng thấy, nếu nằm ở đây 2 tháng cũng phải mất 24 triệu đồng. Đấy là chưa kể chi phí đi lại, cảm ơn... Mà đâu chỉ có 2 tháng, có những người phải nằm lại đây đã 4 tháng mà thầy vẫn chưa chịu gật đầu cho về, tiền vẫn nối tiền chui vào túi thầy lang mà chẳng thấy tia hy vọng nào.

Tôi hỏi vặn lại rằng, số tiền bỏ ra chữa bệnh là không nhỏ thì lấy gì đảm bảo thành công, ngộ nhỡ vẫn “tịt” thì tính sao...? Chị Thìn có vẻ hơi bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Chị ậm ừ: “Chú yên tâm đi, chị đã chữa là khỏi, cảm thấy không chữa được là chị không nhận. Nếu chú không yên tâm thì thôi vậy, tìm chỗ khác mà chữa”.

Đương nhiên đó là điều mà chị Thìn liều lĩnh khẳng định, chứ thật ra kể cả những biện pháp y học hiện đại, với những thiết bị tối tân và chi phí gấp nhiều lần cũng chẳng thể đạt kết quả thành công là 100%. Khi mòn mỏi chữa bệnh mà kết quả không đạt gì thì các bà lang thiếu gì cách để biện minh, rằng là vợ chồng “quan hệ” chưa đúng cách, rằng là uống thuốc chưa đúng liều hoặc cùng lắm là do cái duyên chưa tới. Khi đó, bệnh nhân mất tiền thì biết kêu ai.

Ra khỏi nhà chị Thìn, tôi tiếp tục đến nhiều cơ sở khác nữa. Những nơi đó cũng đều được “cò” giới thiệu là cơ sở chữa bệnh chân truyền. Tôi cũng đều được nghe những lời tư vấn tương tự như nhau, giá cả thì cũng sêm sêm như vậy. Lời khẳng định của thầy nào cũng đanh thép và đáng tin.

Thế nhưng, buổi trưa hôm ấy khi tha thẩn ở quán nước đầu làng thì tôi lại được nghe những thông tin hoàn toàn trái ngược. Ông Trần Đức Phú, một y sĩ quân đội về hưu khẳng định, thực ra trong làng chỉ có vài ba người được đào tạo chuyên môn cơ bản là có khả năng chữa bệnh, bắt mạch. Một người chữa được bệnh là người kia cũng theo, tự ý mở cơ sở chữa bệnh và chữa bừa theo kiểu “ăn may”.

Phải rất khó khăn, chúng tôi mới tìm gặp được ông Tống Đức Cường - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Mỹ. Ông Cường rất ngại nhà báo, gặng hỏi mãi mới biết, thì ra chính ông cũng là chủ một cơ sở chữa bệnh vô sinh. “Chẳng biết thế nào nhưng lên báo, lên đài thì nhạy cảm lắm, mình rất ngại” - ông Cường phân bua.

Chữa bệnh nhờ… ăn may

Ông Tống Đức Cường cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 30 hộ hành nghề chữa vô sinh. Có gia đình cả 2 mẹ con đều làm thầy, cả làng hiện có hơn 100 thầy lang. Ông Cường trả lời chung chung rằng, họ đều có giấy phép hành nghề của Sở Y tế Hà Nam cấp và những người trực tiếp khám chữa bệnh đều có bằng Trung cấp Y. Hằng năm, Công ty Kiểm nghiệm y dược Hà Nam đều có 2 đợt về lấy mẫu thuốc làm xét nghiệm và chưa bao giờ phát hiện chất lạ trong thành phần thuốc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có hai bài thuốc chữa vô sinh cơ bản mà các thầy lang thay nhau sử dụng, gồm bổ trung ích khí và bổ huyết. Dựa trên nguyên lý này mà các thầy lang phân làm 11 thang thuốc khác nhau. Như lời ông Phú khẳng định, những bài thuốc này không thể chữa hết các chứng bệnh dẫn đến vô sinh.

Phóng viên trong vai người chồng hiếm muộn hỏi chuyện bà lang Thìn

Thống kê từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tần suất vô sinh khoảng 10-15%, trong đó nguyên nhân do vợ chiếm 40%, chồng 40%, cả hai vợ chồng 10% và không rõ nguyên nhân chiếm 10%. Nguyên nhân vô sinh cũng đã được khẳng định, phần lớn là do khiếm khuyết cổ tử cung và ống dẫn trứng. Người đàn ông có thể rối loạn chức năng tính dục, bất bình thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục. Thật khó có thể quy tất cả nguyên nhân vô sinh để đại trà áp dụng chữa bằng một vài bài thuốc đơn giản. Y học hiện đại đang đau đầu để tìm hiểu và khắc phục những sự cố nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn.

Xin công bố một con số có thể làm nhiều người giật mình, hiện nay, nước ta có 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Đó là con số được chính Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương  Nguyễn Viết Tiến công bố.

Nghiên cứu cấp quốc gia mới nhất cho thấy, tỉ lệ vợ chồng Việt Nam vô sinh hiện đang ở mức 7,7%, trong đó có 3,9% vô sinh nguyên phát và 3,8% là vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã từng có con). Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh ở phụ nữ là viêm nhiễm đường sinh dục gây tắc vòi tử cung.

Để đối phó với tình trạng này, hiện nay ở Việt Nam đã có tất cả các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh, tỉ lệ thành công trong điều trị vô sinh, hiếm muộn rất lớn, không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới. Tỉ lệ thành công trong ống nghiệm năm 2010-2011 đạt 35%. Năm 2012, nhờ cải tiến trong lâm sàng, đưa tỉ lệ thành công lên đến 46% trường hợp có thai lâm sàng và 53,7% thai sinh hóa (thai có biểu hiện qua xét nghiệm máu và nước tiểu). Chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam hiện khoảng 50 - 60 triệu đồng, rẻ hơn 4-5 lần so với các nước khác như Mỹ, Anh, Singapore...

Việc những cặp vợ chồng mong có con, được làm bố làm mẹ đương nhiên là việc hoàn toàn chính đáng và việc mọc lên nhan nhản ở khắp nơi những cơ sở chữa bệnh hiếm muộn với đủ các phương thức cũng là điều dễ hiểu. Có cung ắt có cầu, nhất lại là việc liên quan đến con cái thì người ta thường cũng chẳng tiếc tiền.

Suy cho cùng, những bài thuốc mà làng An Thái sử dụng là những bài thuốc dân gian, chữa mẹo và hoàn toàn sử dụng kinh nghiệm để chẩn trị bệnh chứ không hề có sự can thiệp của những thiết bị hiện đại. Cho nên, chẳng ai dám khẳng định, 100% những người đến đây chữa bệnh liệu có được “kết quả” trở về khi tiền đã hết.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nếu như khoảng 10 năm trước đây, mỗi tuần trung tâm tiếp nhận 2-3 cặp vợ chồng đến điều trị các vấn đề về vô sinh hoặc hiếm muộn thì đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên từ 40-60 cặp vợ chồng (tương đương 10-15 cặp/ngày).

Bác sĩ Hợi cho biết, nhu cầu điều trị vô sinh đang tăng theo từng năm. Chỉ tính riêng kỹ thuật điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm, đến giai đoạn này vào khoảng 2.500-3.000 chu kỳ/năm, cao hơn 1.000 chu kỳ so với khoảng ba năm trước đây. Bệnh viện đang thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào cổ tử cung (IUI) khoảng 6.000 ca/năm, tăng 2.000 ca so với năm năm trước.


MT - TM