Đại họa lang "vườn"

06:50 | 15/09/2013

943 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong suốt thời gian gần đây, đã có rất nhiều bài báo được đăng tải để cảnh báo về tình trạng sử dụng thuốc, chữa trị bệnh theo thói quen truyền khẩu, đặc biệt là với thuốc nam, thuốc đông y. Thế nhưng tình trạng này không những không giảm mà càng ngày càng có chiều hướng… tăng. Và hậu quả là có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, trong đó ca nặng nhất: tử vong, là trường hợp gần đây nhất ở Bệnh viện Bạch Mai.

Một bệnh nhân nguy kịch vì uống thuốc của thầy lang

Chị Nguyễn Thị Dùng, 41 tuổi ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, sau khi phát hiện một khối u ở ngực đã ra Bệnh viện K khám và được các bác sĩ ở đây kết luận: bị ung thư vú giai đoạn 3, phải mổ cắt bỏ khối u, đồng thời hóa trị 6 đợt nhằm ngăn chặn sự phát triển của tế bào ác tính. Đã nằm viện được một tuần để chờ đến lượt mổ, vậy mà nghe người ở quê mách, có một ông lang chỉ với bài thuốc lá đơn giản đã chữa khỏi cho bao nhiêu người, kể cả người mắc bệnh ung thư, thế là chị tay xách tay nải bỏ luôn bệnh viện, về nhà theo người làng mò mẫm vào bản Mường, gặp thầy lang nọ xin chữa bệnh. Vào được đến nơi, đúng là “thầy” chữa trị cho chị đơn giản thật, chẳng cần bắt mạch rồi mới kê đơn hay làm bất kể động tác gì để gọi là kiểm tra bệnh tình như nhiều thầy lang khác mà “ấn” luôn cho cỡ cả bao tải đầy… lá khô với lời dặn duy nhất: “Về sắc uống thay nước”, không kèm theo một lời giải thích về tác dụng cũng như thành phần của nó. Bất ngờ trước cách chữa trị của thầy lang, nhưng vì tin người cùng làng, “không lẽ, sớm tối tắt lửa tối đèn có nhau, họ lại nói sai” nên chị răm rắp làm theo lời “thầy” dặn.

Đáng tiếc thay, hơn một năm trời theo thầy chữa trị, bệnh tình của chị không những không thuyên giảm mà ngược lại ngày một nặng hơn, biểu hiện là u phát triển to hơn kèm theo những cơn đau dữ dội. Đến lúc này dẫu không muốn thì cũng không thể tin “thầy” được nữa, chị hối hả giục người nhà đưa ra Bệnh viện K để chữa trị. Và vẫn với phác đồ điều trị như đã đưa ra ngay từ đợt đầu khám bệnh, bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u và hóa trị cho chị. Duy chỉ có điều: “Không điều trị ngay nên khối u ác tính đã di căn, khiến cho quá trình điều trị không được như mong muốn dẫn đến khả năng kéo dài tuổi thọ của  bệnh nhân gặp khó khăn”, bác sĩ điều trị đã nói với người nhà chị như vậy. 

Tương tự, chị Nguyễn Thanh Huyền, 33 tuổi ở Nam Định, mặc dù mắc bệnh rất đơn giản - đau mỏi xương khớp, bả vai, gáy… thế nhưng chỉ vì nghe theo “truyền khẩu” mà đã tử vong khi chữa trị của một thầy lang cũng ở Thanh Hóa. Trước khi trị bệnh tại đây, chị cũng đã đến khám bệnh tại một bệnh viện Trung ương và được các bác sĩ kê đơn thuốc trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, chỉ uống được 10 ngày, chị bỏ thuốc không uống nữa, quay sang uống thuốc bắc của thầy lang như đã nói. So với thầy lang chữa trị cho chị Dùng, thì thầy lang này có vẻ “thiện nghệ” hơn khi cùng lúc vừa điều trị được bằng cả đông y và tây y. Vì bên cạnh bốc thuốc cho chị Huyền, mỗi ngày ông còn tiêm một  mũi thuốc cho chị nhưng không nói đó là thuốc gì. Ông chỉ bảo: “Phải kết hợp cả đông - tây y để cho nhanh khỏi”.

Dù đã tiêm và uống thuốc cả một thời gian dài, bệnh đau xương khớp của chị Huyền vẫn không khỏi, vẫn nhức nhối các khớp chân, tay; vai, cổ vẫn  mỏi đau đến tê buốt. Cùng với đó, xuất hiện những cơn đau liên tiếp lan từ vùng thượng vị xuống rốn... Biết chẳng lành, chị giục người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Mặc dù được các bác sĩ hết sức cứu chữa - truyền dịch, đặt ống xông dạ dày… nhưng chị vẫn không qua khỏi do men gan tăng cao, suy gan thận cấp, da vàng… Đúng là “sai một ly”, chị đã đi “vạn dặm”!

Phải nói rằng ở ta, những chị Huyền, chị Dùng… còn rất nhiều, đặc biệt là ở các làng quê hẻo lánh. Họ tin vào thói quen “truyền khẩu”, tin vào những bài thuốc mang tính dân gian, bởi quan niệm đã xưa cũ: gốc thảo dược thì lành tính, ít mang lại hậu quả khó lường. Giờ môi trường, xã hội thay đổi tác động đến bệnh tật, làm cho nó phức tạp hơn, khó điều trị hơn nếu không được điều trị lập tức, kịp thời, cho nên những quan niệm, thói quen trên không còn thích hợp.  

Theo bác sĩ Mai Cường, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tính riêng trung tuần tháng 7, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu 3 bệnh nhân  trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” chỉ vì uống thuốc của thầy lang “vườn” theo truyền khẩu. Trong đó, một bệnh nhân đã tử vong, còn 2 ca còn lại đang trong tình trạng nguy kịch, một người phải thở máy, lọc máu liên tục do sốc nhiễm khuẩn, suy thận, tràn dịch màng phổi… Từ những ca bệnh này, bác sĩ Cường khẳng định: “Hiện nay có không ít bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị hoặc theo truyền khẩu tìm đến những thầy lang vườn chữa bệnh. Đó là một thói quen cần phải loại bỏ khỏi đời sống y tế để tránh tình trạng nhẹ nhất là tiền mất tật mang. Còn nặng nề hơn, các bạn biết thế nào rồi đấy”.

Cũng từ những ca bệnh thì bác sĩ Cường cho biết: “Rất đáng lo ngại khi nhiều thầy lang bên cạnh cho bệnh nhân uống thuốc đông y còn cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau paracetamol liều cao trong thời gian dài với mục đích “hỗ trợ”. Tuy nhiên, “chỉ định” này làm cho bệnh nhân thay vì giảm đau, nhanh khỏi bệnh lại bị nhiễm độc nặng, hoại tử tế bào gan, thận… và cuối cùng gây tử vong”. Cho nên, dù chữa bệnh theo hình thức nào, loại bệnh gì, bệnh nhân cũng nên tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy.

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.