Thấy gì từ thỏa thuận chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp Ấn Độ - Mỹ?

11:18 | 30/10/2020

188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ trước đến nay, Ấn Độ vẫn do dự, không muốn bị lôi kéo vào một liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu và chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận an ninh quan trọng giữa New Delhi và Washington ngày 27/10 đã chứng minh điều gì?
Thấy gì từ thỏa thuận chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp Ấn Độ - Mỹ?
Ngoại trưởng hai nước Ấn Độ - Mỹ tại cuộc đối thoại 2+2 ngày 27/10

Ngày 27/10, Đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng lần thứ ba giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã mở ra tại New Delhi, với sự tham dự của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper về phía Mỹ, và hai đồng nhiệm Subrahmanyam Jaishankar và Rajnath Singh phía Ấn Độ. Kết thúc đối thoại 2+2 giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “sát cánh với New Delhi trước mọi mối đe dọa” và cam kết yểm trợ Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ “bảo vệ chủ quyền”. Đây là một thông điệp mạnh mẽ của Mỹ nhắm tới Trung Quốc. Đi đôi với lời nói là việc Mỹ ký kết với Ấn Độ Thỏa thuận hợp tác về không gian địa lý (BECA), cho phép chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, bản đồ không gian địa lý và dữ liệu vệ tinh nhạy cảm giữa quân đội hai nước. Công cuộc hợp tác này sẽ giúp Ấn Độ nâng cao khả năng hoạt động chính xác của tên lửa và máy bay không người lái, qua đó tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quân sự song phương.

Tờ báo Ấn Độ India Express nhắc lại Thỏa thuận BECA đạt được hôm 27/10 là hiệp định quân sự thứ ba mà Ấn Độ và Mỹ đã ký kết trong 4 năm trở lại đây. “Hôm nay là cơ hội mới để hai nền dân chủ lớn như của chúng ta xích lại gần nhau hơn”, ông Pompeo phát biểu tại buổi khai mạc Đối thoại 2+2, cuộc họp lần thứ ba giữa Ấn Độ và Mỹ trong ba năm qua. Sau phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trực tiếp gắn liền thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Ấn với những “hành vi hung hăng của Trung Quốc gây bất ổn” trong khu vực châu Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tướng Dominique Trinquand, nguyên cố vấn quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, đã nhấn mạnh đến yếu tố Trung Quốc trong hợp tác quân sự Mỹ - Ấn: “Một cách chính xác hơn, thỏa thuận này bao gồm những trao đổi dữ liệu cho phép vệ tinh định vị một số điểm nhắm tới, đồng thời cung cấp cho chiến đấu cơ Ấn Độ những thông tin chính xác hơn mà vệ tinh Mỹ đã thu thập được”.

Đối với phía Ấn Độ, thay đổi quan trọng ở đây là Washington tạo cho New Delhi một ưu thế qua việc gián tiếp hỗ trợ đối tác châu Á này nâng cao khả năng phòng thủ so với các đối thủ sát cạnh, có nghĩa là Pakistan và Trung Quốc. Cần đặt vấn đề trong bối cảnh chung, đó là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ nhiều năm qua. Dưới chính quyền Trump, sự đối đầu đó càng lúc càng quyết liệt hơn. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói thỏa thuận quân sự Mỹ - Ấn lần này chứng tỏ Washington yểm trợ New Delhi, xem Ấn Độ là một đồng minh ưu tiên trong cuộc đọ sức với Trung Quốc cả về mặt kinh tế lẫn quân sự.

Cái được của Mỹ trong việc tiến một bước lớn trong quan hệ với Ấn Độ là rất nhiều. Vốn đã làm phật lòng Bắc Kinh trong tuần này khi chuẩn thuận thương vụ bán ba hệ thống vũ khí cho Đài Loan, Hoa Kỳ còn thúc đẩy quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Ấn Độ để cân bằng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Các công ty Mỹ đã bán vũ khí cho Ấn Độ trị giá hơn 21 tỷ USD kể từ năm 2007, và Washington hối thúc chính phủ Ấn Độ ký các thỏa thuận cho phép chia sẻ thông tin nhạy cảm và các liên lạc được mã hóa để sử dụng tốt hơn các thiết bị quân sự cao cấp.

Ngoài hợp tác song phương Mỹ - Ấn, Mỹ cũng đang thúc đẩy cơ chế đa phương Bộ Tứ bao gồm cả Mỹ, Ấn, lẫn Úc và Nhật, một cơ chế mà Ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại cho là một bức tường ngăn chặn Trung Quốc trong khu vực. Đối với chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS, Washington, việc củng cố nhóm Bộ Tứ là một chính sách ngoại giao thực thụ chứ không phải là một thủ đoạn chính trị nội bộ của Mỹ. Theo ông Poling: “Đúng là lời lẽ chống Trung Quốc của ông Pompeo phần lớn là vì bầu cử, nhưng việc củng cố Bộ Tứ, thắt chặt quan hệ với Đài Loan, tăng cường thái độ quan ngại về Biển Đông… là đề xuất của cả giới hoạch định chính sách chuyên nghiệp lẫn giới làm chính trị”. Trung Quốc lên án Bộ Tứ là một âm mưu nhằm kiềm hãm sự phát triển của nước họ. Giới phân tích nói rằng một khối như thế theo đề xuất của ông Pompeo có thể không bao giờ thành hình, xét các nước trong khu vực cần phải cân bằng các quan hệ với Trung Quốc. Nhưng có thể thấy đây là một lời cảnh cáo đối với Trung Quốc, khiến nước này lo sợ một ngày nào đó Bộ Tứ có thể trở thành một liên minh để kìm hãm Trung Quốc.

Dụng tâm củng cố liên minh chống Trung Quốc không chỉ được thấy qua chuyến thăm Ấn Độ, mà còn thể hiện qua các chặng tiếp theo trong chuyến công du của ông Pompeo. Ông sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Sri Lanka trong hơn một thập niên qua, trước khi ghé quần đảo Maldives. Đây là 2 nước nhỏ ở vùng Ấn Độ Dương đã vay nợ chồng chất của Trung Quốc cho những dự án hạ tầng cơ sở to lớn. Tại hai nước này, ngoại trưởng sẽ khuyến cáo giới lãnh đạo tránh bị sập bẫy nợ Trung Quốc. Chuyến công du kết thúc tại Indonesia cũng không phải là ngẫu nhiên vì cường quốc Đông Nam Á này cũng đang bị Trung Quốc lấn lướt ở vùng đặc quyền kinh tế của mình sát Biển Đông.

Dean Thompson, một quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp, chuyên trách vùng Nam Á và Trung Á đã khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực thắt chặt quan hệ thiết yếu với đồng minh và đối tác, nhấn mạnh cam kết dấn thân sâu hơn vào vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về công cuộc đối tác bền vững vì sự thịnh vượng của toàn khu vực”. Ông Thompson đồng thời nhấn mạnh rằng Sri Lanka cần phải quyết tâm bảo đảm sự độc lập kinh tế đối với Trung Quốc. Trung Quốc, qua lời đại sứ của họ tại thủ đô Sri Lanka, đã lên tiếng đả kích chuyến thăm của ông Pompeo, cho rằng Mỹ không nên “bắt nạt” Sri Lanka.

Từ trước đến nay, Ấn Độ vẫn do dự, không muốn bị lôi kéo vào một liên minh an ninh do Hoa Kỳ dẫn đầu và chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ đang rơi vào tình trạng bế tắc quân sự với Trung Quốc ở biên giới Himalaya, khu vực tranh chấp giữa hai nước. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã gia tăng đáng kể vào mùa hè năm nay, khi xung đột bùng nổ giữa hai quân đội tại vùng biên giới phía tây dãy Himalaya.

Tuần trước, New Delhi đã đồng ý mời nước Úc tham gia các cuộc tập trận hải quân với Hoa Kỳ và Nhật Bản trong tháng tới, bất chấp quyết định này sẽ làm Trung Quốc tức giận. Chuyên gia về Nam Á tại Heritage Foundation, Jeff Smith, nói: “Các động thái này báo hiệu một mức độ hội tụ chiến lược mới giữa hai nền dân chủ và một bước ngoặt của Ấn Độ, từ bỏ lập trường phi liên kết trong quá khứ”.

Một quan chức chính phủ khác cho biết hiện Hoa Kỳ và Ấn Độ đã chia sẻ thông tin tình báo với nhau, đặc biệt về hoạt động của Trung Quốc trong khu vực, kể cả các vụ triển khai binh sĩ của quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới với Ấn Độ, các hoạt động hàng hải của Trung Quốc, kể cả các đội tàu đánh cá nước sâu đã gây căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước khác trong khu vực.

Theo Reuters, đa số các đồng minh ở châu Á tỏ ra hài lòng với chính sách cứng rắn của Mỹ đối với đối thủ Trung Quốc trong khu vực, nhưng họ không mấy phấn khởi với những lời lẽ có tính cách khiêu khích của ông Trump và ông Pompeo trong thời gian gần đây và ngần ngại là Mỹ có thể đã đi quá xa trong việc đối đầu với Trung Quốc.

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc