Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Cần các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa tiếp tục đề nghị với Chính phủ nên áp dụng nhiều hơn nữa các giải pháp nhằm hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh cần giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% hiện nay xuống dưới 20% để khuyến khích đầu tư. Trước đề nghị này, tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF 2012, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đã nằm trong lộ trình cải cách thuế của Việt Nam từ nay đến năm 2020. Ý thức được những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội cho phép giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức độ phù hợp trong năm 2013, cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ rà soát bỏ một số khoản thuế, phí khác chưa hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Cũng theo VCCI, thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện ở mức 25% là cao hơn so với khu vực, làm giảm sức cạnh tranh khi thu hút đầu tư. Mức thuế này ở Thái Lan hiện là 23%, còn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là 17% áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giá khí nhiên liệu cao là bất lợi cho Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 khi tham gia vào thị trường điện cạnh tranh
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), với tình hình hiện nay, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất hiện nay đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Trước đó, trong bản báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm 2012 vừa được UBGS gửi lên Chính phủ, cơ quan này đã đánh giá tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với 9 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Những khó khăn doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt chính là tình trạng hàng tồn kho, thuế và phí cao, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà làm tăng chi phí tài chính. Đặc biệt, chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí tài chính (lãi vay) đang là gánh nặng lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Theo khảo sát của UBGS, tính đến thời điểm kết thúc Quý I năm 2012, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng gần 25% so với cuối năm trước. Điều này làm cho tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành sản phẩm tăng lên mức khoảng 7%, so với mức 4,72% và 5,56% của năm 2010 và 2011 làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực (theo phân tích, nếu cố định các yếu tố khác thì lãi suất cao khiến giá thành các sản phẩm của Việt Nam đang cao hơn so với Ấn Độ 2%, Thái Lan 2,51%, Trung Quốc là 2,6% và Singapore là 2,8%).
Do vậy, UBGS cho rằng, trước mắt cần phải giảm lãi suất để giảm một phần khó khăn và tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Cơ sở để giảm lãi suất hiện đã khá rõ ràng, lãi suất trái phiếu chính phủ đã có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm 2012, lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm xuống mức dưới 8%. Như vậy, chêch lệch giữa tiền gửi và lạm phát gần như không còn, nguy cơ tiền gửi bị rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển qua các kênh đầu tư khác là rất thấp khi mà các kênh đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ.
Mặt khác thực tế cho thấy, từ tháng 3 năm nay, lãi suất huy động đã qua 4 lần được điều chỉnh giảm với tổng cộng 5% nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều qua các tháng (tính riêng tại địa bàn TP Hà Nội năm 2012, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 897.646 tỉ đồng, tăng 9,23% so với đầu năm. Trong đó, riêng tiền gửi tăng 17,07% - nguồn báo cáo của UBND TP Hà Nội 2012). Điều này chỉ ra rằng, việc gửi tiền tại ngân hàng đang là lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác, đồng thời cho thấy lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam đang tăng lên. Thêm vào đó là tỷ giá ổn định, tình trạng đôla hóa giảm đáng kể và việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của người dân. Đây là những cơ sở quan trọng để UBGS mạnh dạn kiến nghị Chính phủ mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất quy định hiện nay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Giảm thuế, phí sẽ là chưa đủ
Tuy chi phí tài chính đang dần bóp chết các doanh nghiệp nhưng chỉ hỗ trợ tài chính không cũng chưa đủ. Thực tế cho thấy, cho dù giảm lãi suất cho vay thì không phải doanh nghiệp nào gặp khó khăn tài chính cũng có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Các ngân hàng không thể cho tất cả các đối tượng vay vì như thế rủi ro sẽ rơi vào ngân hàng. Đặc biệt, trong thời điểm các ngân hàng đang còn phải đối mặt với bài toán xử lý nợ xấu, chỉ những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh mới được ngân hàng cấp tín dụng, còn những doanh nghiệp đã gặp khó khăn thì sẽ luôn bị từ chối cho vay. Mặt khác, với tình hình giá nguyên liệu tăng đột biến, hàng tồn kho nhiều thì mối quan tâm chính của các doanh nghiệp hiện tại là làm sao để giải phóng hàng tồn kho chứ chưa hẳn cần vay vốn, do vậy nếu giảm 1% lãi suất cho vay cũng chưa có ý nghĩa lắm cho các doanh nghiệp.
Vì vậy, nhiều đại diện ngân hàng cho biết, ngay lúc này, Chính phủ nên tập trung vào nhóm các giải pháp giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho – giúp doanh nghiệp thu hồi lại vốn để tái đầu tư và cải cách thủ tục hành chính vì đây là một trong những giải pháp có thể tự làm, không tốn kém mà mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
Đến nay đã có 75/100 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN ở các mức độ khác nhau, trong đó có 52 DNNN do bộ, ngành Trung ương quản lý và 23 DN địa phương. Bộ Tài chính góp ý theo thẩm quyền là 19 Đề án đã được xây dựng sau Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, còn đối với các đề án tiến hành trước Quyết định 929 là 5 đề án. Theo Bộ Tài chính đối với Đề án tái cơ cấu DNNN, không lấy nguồn từ NSNN mà là nguồn từ DN, lợi nhuận sau thuế và từ các quỹ tích lũy của DN và nguồn thu được từ tái cơ cấu và từ các nguồn lực khác. |
Thành Trung
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng