Thạch Hãn - Dòng sông hoa lửa linh thiêng

06:00 | 27/07/2022

1,352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 1972, sông Thạch Hãn chứng kiến những cuộc vượt sông của hàng vạn lượt chiến sĩ, trở thành biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông trong 81 ngày đêm khốc liệt ở cuộc chiến Thành cổ Quảng Trị.
Thạch Hãn - Dòng sông hoa lửa linh thiêng
Thạch Hãn - Dòng sông hoa lửa linh thiêng

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Bốn câu thơ trong bài “Lời người bên sông” của tác giả Lê Bá Dương được khắc lên bia đá ở Khu tưởng niệm và Bến thả hoa ở bên bờ Thạch Hãn. Đó là những câu thơ của một người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, sống và chiến đấu qua những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Chiến sĩ Lê Bá Dương xung phong nhập ngũ khi gần 15 tuổi, phải khai gian tuổi để được đi chiến đấu. 15 tuổi và 49 ngày, ông trở thành “dũng sĩ diệt Mỹ”. Rồi sau đó, ông được phong tặng nhiều danh hiệu khác như “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Dũng sĩ diệt máy bay”... 19 tuổi Lê Bá Dương là chỉ huy cấp đại đội, chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về đời thường làm báo và nhiếp ảnh tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), mang trên mình 14 vết thương và gửi lại chiến trường một ngón tay.

Là thế hệ làm báo lớp con cháu, tôi may mắn được vài lần nghe ông Lê Bá Dương kể chuyện chiến trường sau những lần trà dư tửu hậu. Rồi cứ mỗi dịp tháng 7, ông lại tất tả lên tàu hỏa từ Nha Trang đi ra Quảng Trị để về với đồng đội. Ông kể, trong chiến tranh, bản thân ông tự tay vuốt mắt, chôn hàng trăm đồng đội, có những đồng đội không còn nguyên vẹn hình hài, thậm chí có những thi hài đồng đội chôn rồi nhưng bom đạn xới lên, phải chôn lại...

Thạch Hãn - Dòng sông hoa lửa linh thiêng
Chiến sĩ Lê Bá Dương (người cầm súng) trên chiến trường Quảng Trị (ảnh tư liệu)

Nói về bài thơ nổi tiếng của mình, ông Lê Bá Dương kể: Chiều ngày 27/7/1987, sau khi thả hoa xuống dòng Thạch Hãn tưởng nhớ đồng bào, đồng đội, ông một mình ngồi lặng lẽ bên bờ sông, chợt thấy những chiếc thuyền của cô bác ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng khi nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Và, từ trong trái tim thốt ra thành câu, thành chữ, thành bài thơ, đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính với mọi người trong dòng đời xuôi ngược. Bài thơ nguyên bản là: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Tan chợ chiều xuôi đò có vội/ Xin xin đừng khuấy đục dòng trong”.

Sau đó, bạn bè góp ý nên ông sửa một số câu chữ và lần đầu tiên trên Tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hòa số kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1990, bài thơ xuất hiện với tiêu đề “Lời người bên sông” với nội dung như khắc trên bia đá ở Khu tưởng niệm và Bến thả hoa ở bên bờ Thạch Hãn. Bài thơ sau đó nổi tiếng, được lính Thành cổ Quảng Trị coi như là những câu thơ đại diện cho thời tuổi trẻ hoa lửa, sẵn sàng hy sinh thân mình cho Tổ quốc.

Chiến sĩ Thành cổ Lê Bá Dương tâm sự: Riêng trong chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị, hàng trăm, hàng nghìn đồng đội của ông đã nằm lại, chính xác hơn là tan hòa vĩnh viễn vào lòng sông Thạch Hãn và cả các dòng sông khác. Vì vậy, mỗi lần về lại Quảng Trị, ông đều lên đồi cao đốt hương, rồi xuống sông thả hương hoa, nhớ đến vong linh đồng đội.

81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70-90 lần B52 ném bom hủy diệt Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng phải hứng chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận số bom đạn trút xuống đây tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945.

Thạch Hãn - Dòng sông hoa lửa linh thiêng
Lễ thả hoa đăng tưởng nhớ, tri ân đồng bào, chiến sĩ trên sông Thạch Hãn

Trong cuộc chiến đó, sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt đứt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ đã nằm lại với dòng sông. Hằng ngày, thường có hơn 1 đại đội vượt sông, nhưng số người qua được bờ Nam để vào Thành cổ không bao giờ đủ. Trong 81 ngày đêm khói lửa, hàng nghìn chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, hàng vạn các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị, hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, hy sinh ở tuổi đôi mươi thân, thể hòa vào dòng sông Thạch Hãn.

Trong chiến tranh, sông Thạch Hãn - dòng sông máu, dòng sông hoa lửa - chứng kiến những sự hy sinh anh dũng, trở thành biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông. Khi đến thời bình, dòng sông Thạch Hãn trở thành biểu tượng của sự tưởng nhớ, tri ân những người ngã xuống. Khởi xướng từ chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương, đến thời điểm bây giờ, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chính quyền địa phương cùng các cựu chiến binh, chiến sĩ, người dân tổ chức thả hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, những người không tiếc máu xương để góp phần cho non sông gấm hoa Việt Nam nối liền một dải.

Hà Anh