Tập trung về chất trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

17:37 | 11/01/2012

405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm nay (11/1), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020.

Xung quanh Đề án trên, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đều thống nhất, đây là một đề án không dễ, bởi mục tiêu tạo ra 70% việc làm cho 1 triệu lao động được đào tạo mỗi năm là hết sức khó khăn. Trong buổi đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền gần đây, Phó Tổng cục trưởng Dạy nghề Nghiêm Trọng Quý thông báo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH không chạy theo lượng, đảm bảo mục tiêu có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống bà con là ưu tiên trước hết vì đào tạo lao động nông thôn chủ yếu là đào tạo nghề, dưới 3 tháng. Mục tiêu trang bị cho bà con kiến thức kỹ năng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên từng diện tích canh tác.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.

Hôm nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tái khẳng định về đào tạo ngành nghề, muốn đảm bảo hiệu quả, đề án xác định rất rõ các bước muốn làm có hiệu quả, phải xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất… và khi tổ chức lớp học xong người đó sẽ làm ở đâu, thu nhập thế nào, chính sách thế nào. Trên cơ sở những thành công ban đầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trong năm nay các đơn vị chuyên trách phấn đấu đào tạo khoảng 600.000 lượt lao động.

Sau 2 năm thực hiện, có thể khẳng định Đề án bước đầu tạo dấu ấn, đồng thời có ý nghĩa to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, đơn vị chủ trì đã hoàn thành việc hướng dẫn và triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án, gần 800 ngàn lượt người được học nghề, tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề ở 54 tỉnh, thành phố đạt trên 70%, cơ bản hoàn tất việc tổ chức thí điểm mô hình dạy nghề; đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn và xây dựng được một số mô hình tiên tiến.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục coi dạy nghề cho lao động nông thôn là một giải pháp quan trọng, thực hiện đồng bộ với việc quy hoạch nông thôn, xây dựng nông thôn mới, quy hoạch nhân lực của từng địa phương. Cùng với đó, các Bộ, ngành và các địa phương cần chú ý xây dựng hệ thống các giải pháp tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.

Công tác hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy nghề ngắn hạn, gắn với sản xuất, kinh doanh một các thiết thực, hiệu quả; đồng thời đề xuất việc thí điểm sử dụng thẻ học nghề tiếp theo và tuổi học nghề cho thích hợp cần được chú trọng hơn. Đề án đã cơ bản hoàn thành việc hướng dẫn và triển khai thực hiện các hoạt động; xây dựng được một số mô hình tiên tiến. Ở nhiều địa phương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia dạy nghề; số lượng người tham gia học nghề khá lớn, chất lượng đào tạo khá cao.

Bộ LĐ-TB&XH – cơ quan thường trực Đề án – cũng đã cơ bản xây dựng cơ chế phối, kết hợp chặt chẽ để phát huy vai trò của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dạy nghề nông nghiệp có hiệu quả, phát huy vai trò các ngành liên quan tham gia thực hiện Đề án.

P.V