Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Tạo “lá chắn” vững chắc bảo vệ trẻ em

07:00 | 15/06/2019

232 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 10/6/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, xác định Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại kỳ họp thứ 9.

Tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp

Những năm gần đây, tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực học đường diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Số liệu thống kê tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em (ngày 6/8/2018) cho thấy, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại được phát hiện, xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ bị bạo hành, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%. Tuy nhiên, những con số thống kê trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Chỉ tính riêng những vụ việc bị phát hiện và xã hội lên án từ đầu năm đến nay cũng đã không ít.

tao la chan vung chac bao ve tre em
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Qua một số vụ xâm hại trẻ em diễn ra gần đây có thể thấy, sau lần đầu bị xâm hại, nhiều em và gia đình không tố cáo, trình báo sự việc sớm mà chấp nhận tiếp tục là nạn nhân của những hành vi đó. Do đây là vấn đề có tính nhạy cảm, cho nên người thân thường muốn giữ kín, không tố giác, sợ ảnh hưởng đến con em mình. Chính sự sợ hãi, thiếu hiểu biết, sợ bị kỳ thị là những rào cản khiến các em khó chia sẻ, tâm sự với người thân khi mình bị xâm hại. Mặt khác, kẻ phạm tội thường uy hiếp, đe dọa tinh thần, khiến các em chỉ biết chọn cách im lặng và chịu đựng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết, nên bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần. Bạo lực, xâm hại trẻ em hiện không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Và, điều khó khăn nhất là việc thực thi pháp luật còn có những khoảng trống. Hiện ở nhiều địa phương còn thiếu các quy định, triển khai các chính sách về bảo vệ trẻ em, thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, thiếu sự quan tâm, giám sát của HĐND các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Trước vấn đề nhức nhối đó, phát biểu tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc và cho rằng cần phải tăng cường biện pháp bảo vệ cũng như có những chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về khả năng, trình độ của những cơ quan thực thi pháp luật khi xử lý vụ việc.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu vấn đề: Thời gian qua, công tác điều tra một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em của cơ quan điều tra công an cấp huyện gây bức xúc dư luận. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa dẫn chứng về vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội tháng 2-2019 và chỉ rõ những bất cập trong công tác điều tra, xử lý vi phạm cũng như bày tỏ nghi vấn về sự hạn chế nghiệp vụ của Viện Kiểm sát nhân dân huyện.

Về nội dung này, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất mà hiện nay dư luận và cử tri quan tâm đó là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới địa phương. Đại biểu Lê Xuân Thân cho biết, hiện trong luật nêu rõ 7 cơ quan từ Trung ương, cấp tỉnh tới cấp xã, trong đó có Hội Bảo vệ quyền trẻ em... chịu trách nhiệm giám sát và bảo vệ trẻ em. “Tất cả những cơ chế, thiết chế nếu thực hiện tốt việc bảo đảm quyền trẻ em thì số vụ việc xâm hại trẻ em sẽ giảm, có tác dụng ngăn chặn và phòng ngừa tốt” đại biểu Lê Xuân Thân nói và cho biết thêm, có nhiều nơi, dư luận đặt câu hỏi tại sao các cơ quan nhiều như vậy, đông như vậy, từ Trung ương tới cơ sở mà tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra?

Trước thực trạng đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị mở rộng phạm vi để xác định trách nhiệm và có những giải pháp thực hiện tốt hơn trong kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quyền trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016.

Tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời nhấn mạnh việc giám sát nhằm rà soát đánh giá lại các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan để hình thành “lá chắn” vững chắc hơn bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

tao la chan vung chac bao ve tre em
Ảnh minh họa

Năm 2017, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức cuộc họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ngay sau cuộc họp này, Ủy ban Tư pháp đã có Kiến nghị số 561/KN-UBTP14 gửi tới các bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các tổ chức hữu quan để chỉ đạo xem xét, giải quyết. Ngày 19/4/2019, Ủy ban Tư pháp tiếp tục tổ chức cuộc họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.

“Tất cả những cơ chế, thiết chế nếu thực hiện tốt việc bảo đảm quyền trẻ em thì số vụ việc xâm hại trẻ em sẽ giảm, có tác dụng ngăn chặn và phòng ngừa tốt”.

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em năm 2017…

Tuy đã có nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em, nhưng số lượng trẻ em bị xâm hại vẫn không ngừng tăng, vụ việc có tính chất phức tạp ngày càng nhiều, dư luận xã hội vô cùng lo lắng, bức xúc mỗi khi có vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/6/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, xác định Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại kỳ họp thứ 9.

Đây được xem là quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc tìm giải pháp hữu hiệu ngăn chặn những rủi ro cho trẻ em, giải tỏa những lo lắng, bức xúc của xã hội và hơn thế nữa, góp phần bảo vệ và nuôi dưỡng, phát triển lành mạnh cả thể chất lẫn tinh thần cho thế hệ tương lai của đất nước.

Minh Lê