Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt gần 13%

15:54 | 27/12/2022

334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt gần 13%
Đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021

Sáng 27/12, NHNN tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến 30/11 đạt khoảng gần 280.000 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong 8 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh (tính từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu) và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành hai lần. Cụ thể, các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng với tổng mức tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10); tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10).

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống.

Ông Đào Minh Tú cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.

NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia…

Tăng trưởng tín dụng bỏ xa tăng trưởng huy động vốn

Tăng trưởng tín dụng bỏ xa tăng trưởng huy động vốn

Tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, trong khi đó tốc độ huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,33%.

P.V