Tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là cần thiết
PV: Trước hết, xin ông cho biết sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế BVMT?
Ông Phạm Đình Thi: Trong thời gian gần đây, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc như hình thành các khu vực thương mại tự do, toàn cầu hóa là một xu thế, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều nước đã có những cải cách mạnh mẽ hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng tăng dần tỷ trọng thu từ các sắc thuế gián thu, giảm dần tỷ trọng thuế trực thu, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư để đảm bảo nguồn thu và bền vững cho ngân sách quốc gia.
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa để thay thế cho thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
![]() |
Ông Phạm Đình Thi |
Đồng thời, theo kinh nghiệm thế giới, trước diễn biến khó lường của giá dầu, khi giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi.
Chính vì vậy, để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu; chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; thực hiện các mục tiêu, giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước… Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề nghị bổ sung Dự án Luật Thuế BVMT (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.
PV: Tại sao phải điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu?
Ông Phạm Đình Thi: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT nhằm mục đích BVMT với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện... Theo Luật Thuế BVMT hiện hành thì xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế với khung thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít.
Mức thuế BVMT cụ thể hiện hành đối với xăng dầu đã bằng mức tối đa trong khung thuế (nhiên liệu bay) hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế. Theo đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế BVMT từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít.
Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu là nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Đảm bảo tính ổn định của luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời điều chỉnh mức thuế cụ thể trong khung quy định mà Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn.
Ngoài ra nhằm tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.
PV: Cơ sở đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít (theo luật hiện hành) lên 3.000-8.000 đồng/lít là gì, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thi: Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3-4-2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp. Trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44/180 (xếp từ thấp đến cao). Và trong 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam thì Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97.
Với mức giá bán lẻ xăng RON 92 của Việt Nam tính đến ngày 6-4-2017 là 17.230 đồng/lít thì thấp hơn Lào 4.806 đồng/lít; thấp hơn Campuchia 2.826 đồng/lít; thấp hơn Thái Lan 1.166 đồng/lít; thấp hơn Singapore 16.175 đồng/lít; thấp hơn Philippines 3.375 đồng/lít và thấp hơn Hongkong là 26.518 đồng/lít.
Tỷ lệ thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp, là 37,24% đối với xăng. Trong khi ở các nước, tỷ lệ này cao hơn nhiều, như ở Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%.
Trên cơ sở tính toán tất cả các yếu tố nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế BVMT từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít là phù hợp (khung áp dụng cho lộ trình dài).
PV: Hiện đang có nhiều ý kiến lo ngại việc điều chỉnh khung mức thuế BVMT của mặt hàng xăng dầu tại dự thảo Luật Thuế BVMT (sửa đổi) sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và giá cả tiêu dùng cũng như giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phạm Đình Thi: Như đã nêu trên, Bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của luật áp dụng cho thời gian dài. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh.
Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu.
Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể thì Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Hải
-
Tin tức kinh tế ngày 25/12: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may
-
Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
-
Tin tức kinh tế ngày 4/11: Doanh nghiệp cảng biển lãi lớn trong quý III
-
Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu: Thu ngân sách giảm gần 20.000 tỷ đồng
-
Giảm VAT và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu có "tác dụng kép"
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng