Triển lãm “Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn”:

Tận mắt lưu bút 10 vị vua nhà Nguyễn

10:52 | 13/09/2012

1,914 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự sinh động của các châu bản triều Nguyễn cùng ngự phê của các vị vua triều Nguyễn đem lại nhiều thông tin hấp dẫn. Những sử liệu quý giá như vậy cần đến được với công chúng nhiều hơn.

Nguồn tư liệu quý

Nhiều năm được các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu, nhưng đến nay một phần nội dung trong kho châu bản triều Nguyễn mới đến được với công chúng qua các bản sao. Triển lãm “Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn” đang mở cửa đến cuối năm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã thu hút mối quan tâm của đông đảo công chúng. Theo TS Hà Văn Huề - Giám đốc Trung tâm, châu bản triều Nguyễn là các tập tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư, trình, sớ, bẩm... được đích thân các vua nhà Nguyễn ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son. Thông qua đó nhà vua ngự phê truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Một góc triển lãm

Từ trước năm 1954, số tư liệu quý giá này đã được bảo quản ở một số nơi. Nhưng nhiều phần đã hư hại, mất mát. Cho đến cuối năm 1991, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tiếp quản và có những phương pháp khoa học để giữ gìn các châu bản. Lần ra mắt này, triển lãm được chia làm 10 phần trưng bày với các ngự phê của vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.

Chính việc các vua Nguyễn ngự phê đã là một trong những nét độc đáo của châu bản. Hiện nay, chỉ còn khoảng 1/5 số lượng châu bản sót lại. Nhưng những di sản đó đang khẳng định tính độc nhất và góp phần gợi mở nhiều thông tin lịch sử quý giá. Ngoài ba vị vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Hàm Nghi có thời gian trị vì ngắn, 10 vị vua triều Nguyễn còn lại đều có châu bản được trưng bày.

Bút phê thể hiện con người

128 tấm châu bản có lưu bút tích của 10 vị vua nhà Nguyễn trong số hơn 800.000 được trưng bày, giúp người xem thêm hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa của nước ta dưới thời các triều vua nhà Nguyễn. Có rất nhiều các công việc cụ thể được các vị vua quan tâm, để thời gian đọc và chỉ đạo trên văn bản. Như ngày 17/5/1846, vua Thiệu Trị phê trên văn bản “Hai bộ Lễ và Công phúc về việc đúc chuông ở chùa Diệu Đế”; ngày 9/8/1970, vua Tự Đức phê trên văn bản “Bộ Lễ phúc về việc tu bổ kho”; ngày 28/7/1887, vua Đồng Khánh phê văn bản “Bộ Hộ tấu về việc mua hài cho vua dùng”…

Châu bản và châu phê về việc chữa bệnh cho vua Gia Long

Cũng tùy từng giai đoạn lịch sử hay tính cách, vị thế của các vị vua mà người đời sau có thể biết rõ hơn những vấn đề mà các vị vua quan tâm, mong muốn hay có thẩm quyền để quán xuyến, chỉ đạo. Điều đó được thể hiện qua những văn bản ẩn chứa nhiều suy nghĩ hơn con chữ. Có vị chú ý đến những vấn đề lớn của đất nước, mong muốn canh tân, mở mang để nước nhà lớn mạnh hơn. Nhưng cũng có vị vào nhiều thời điểm lại hầu như chỉ để tâm đến những việc nhỏ, khép kín phía trong những bức tường thành. Văn bản “Đặt mua báo LOpinion” vua Thành Thái phê ngày 19/1/1899: “Giao cho Viện Cơ mật xét cấp”. Điều này cho thấy tư tưởng tiến bộ của nhà vua, muốn hiểu hơn về nước Pháp, người Pháp trong bối cảnh nước ta đang bị Pháp đô hộ. Hay ngày 12/9/1909, vua Duy Tân phê văn bản: “Nội các tấu về việc phái quan chức sung giám sát trường thi Hà Nam”, thể hiện mối quan tâm đối với việc thi cử. Trong khi đó, ngày 20/3/1917, vua Khải Định phê văn bản: “Bộ Lễ tấu về việc chọn quan chức hầu trống trong buổi diễn kịch” lại càng khẳng định rõ hơn về một vị vua muốn được yên ổn. Triển lãm cho thấy những gì vị vua này ngự phê trên châu bản, chủ yếu về các vấn đề như tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại. Còn ngự phê của vua Bảo Đại tập trung vào các việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ, ngoại giao… 

Cần đưa đến gần dân hơn

Chắc hẳn ý muốn giới thiệu rộng rãi kho châu bản phong phú này đã được khởi lên từ lâu nhưng việc xem chừng đơn giản ấy, đến nay mới thực hiện được. Bởi thế, TS Trần Hoàng - nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ chia sẻ: “Tôi đã chờ đợi triển lãm khá lâu! Cảm ơn trung tâm, những người trực tiếp chuẩn bị đã cho công chúng xem một cuộc trưng bày lý thú hiếm thấy”. TS Hoàng cũng mong sớm có một cuốn sách in các văn bản trưng bày, cũng như tại triển lãm có giao lưu, trao đổi giữa công chúng và các chuyên gia để người xem hiểu hơn được về nguồn sử liệu quý giá này. Còn ông Tôn Thất Lý Huy, là hậu duệ nhà Nguyễn, hiện đang là Trưởng ban Lăng mộ của dòng họ thuộc Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc thì cảm kích: Vui mừng khi được chụp lại bút tích của tiên đế và thật sự sung sướng khi những bút tích vẫn được lưu giữ cẩn thận để phổ biến rộng rãi cho các thế hệ sau.

Châu bản và châu phê về việc làm lễ cầu mưa dưới thời vua Tự Đức

Thông tin từ các châu bản cũng như ngự phê trên châu bản và những nguyện vọng như trên, đặt ra yêu cầu khai thác, nghiên cứu hiệu quả nguồn tư liệu để tìm hiểu rõ hơn về các vị vua, triều vua nhà Nguyễn cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội của thời cuộc. Đặc biệt có những châu bản liên quan đến chủ quyền đất nước, góp phần khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của nước ta dưới triều Nguyễn. Như vậy, cần có cơ chế thuận lợi, cởi mở hơn và chủ động hơn để không chỉ các chuyên gia mà đông đảo công chúng cũng được tiếp cận, tìm hiểu các châu bản triều Nguyễn và nhiều những tài sản quý giá khác của lịch sử. Hy vọng sau triển lãm này tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I sẽ có kế hoạch phối hợp để tổ chức trưng bày lưu động tại các khu vực khác như Huế, TP Hồ Chí Minh… Cách làm này cũng nên thực hiện với các triển lãm khác của trung tâm. Nhiều khi những hiện vật, thông tin giá trị được giữ kín thì không ai biết, nhưng khi đưa ra trước xã hội thì chúng đem lại những hiệu quả có khi bất ngờ.

Huyền Anh

(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.