“Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây” qua triển lãm 3D
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hàng trăm tài liệu đặc sắc về hoạt động ngoại giao của nước ta trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ dưới triều Nguyễn (1802 - 1858), trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược và biến nước ta thành thuộc địa. Trong đó, chủ yếu là các văn bản được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Năm 1825, Bá tước Đại tá hải quân Pháp đến Đà Nẵng xin đặt lãnh sự và thông thương, vua Minh Mạng từ chối (nguồn: “Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp”). |
Với không gian 3D độc đáo, triển lãm đưa khán giả đến với hành trình nhiều cảm xúc qua hai phần: Phần 1 với chủ đề “Đóng cửa Tây”. Châu bản cho thấy, các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức trong quan hệ với các nước đã thực hiện nhất quán chính sách “tự thủ”, “khép kín”.
Mặc dù vậy, triều Nguyễn không hoàn toàn “tuyệt giao” với những gì liên quan đến phương Tây (chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ). Các vua triều Nguyễn từng gửi phái bộ đi xem xét tình hình phương Tây, mua đồ thiết yếu, súng đạn của phương Tây, học hỏi về khoa học kỹ nghệ... Bên cạnh đó, tàu thuyền phương Tây cũng không ít lần nhận được sự giúp đỡ, đón tiếp của triều Nguyễn. Một số nhà Nho còn dâng điều trần đề nghị “giao hảo” với phương Tây.
Phái bộ Pháp - Tây Ban Nha (Nguồn: "Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp") |
Phần 2 “Mở cửa Đông” đưa người xem đến với những hoạt động bang giao triều Nguyễn với phương Đông.
Trong khi thực hiện chính sách “không phương Tây”, vua triều Nguyễn lại ưu tiên phát triển mối quan hệ với các nước phương Đông như Cao Miên, Vạn Tượng, Xiêm La, Nam Chưởng, Thủy Xá, Hỏa Xá… đặc biệt với nước láng giềng Trung Quốc, khẳng định vai trò của một quốc gia hùng cường và tự chủ trong khu vực lúc bấy giờ...
Nói đến sự nghiệp ngoại giao của triều Nguyễn với các nước nói chung, Trung Quốc nói riêng, không thể không nói đến vai trò của các sứ thần với tư cách là những nhà ngoại giao trực tiếp thực hiện sứ mệnh cao cả mà triều đình và đất nước giao phó, “toàn quân mệnh, tráng quốc uy” (làm tròn mệnh vua, vẻ vang quốc thể).
Châu bản năm Gia Long 16 (1817) cho biết, tàu đem theo lễ vật của vua Ba Lãng Sa [Pháp] tặng vua nước Việt Nam để tỏ tình hữu hảo. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Châu bản triều Nguyễn ghi chép cụ thể về việc tuyển chọn người đi sứ, mục đích của chuyến đi, thời gian đi và về, nơi sứ bộ đặt chân đến, hành trình, việc mua bán, trao đổi hàng hóa, kết quả chuyến đi và sự ghi nhận ban thưởng của triều đình đối với những đóng góp mà họ đã đem lại.
Đó là những gương mặt ngoại giao như Chánh sứ Trịnh Hoài Đức (1765-1825), chánh sứ Lê Quang Định (1759-1813), chánh sứ Nguyễn Du (1765-1820)…
Ban Tổ chức hy vọng triển lãm sẽ mang đến cho người xem những trải nghiệm, khám phá thú vị, thông tin bổ ích, góc nhìn mới mẻ và hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động ngoại giao của nước ta dưới triều Nguyễn
Các tư liệu được trưng bày trên website và fanpage của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I từ ngày 22/8 tại địa chỉ: https://archives.org.vn/TourNgoaigiao/.
N.H
-
Nhạc sĩ Doãn Nho hé lộ bất ngờ về bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"
-
Trưng bày tư liệu quý "Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại"
-
Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis
-
Chuyên gia quốc tế nói gì về nghệ thuật "ngoại giao cây tre" của Việt Nam
-
Trưng bày hơn 200 tư liệu quý về “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”