Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn

08:39 | 06/04/2023

1,056 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Di tích lăng Hoàng Cao Khải được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1962 và đang bị quên lãng. Dù được nhiều cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian gần đây tuy nhiên vẫn chưa thấy có sự can thiệp từ phía các các cơ quan chức năng.

Một công trình bị quên lãng

Tròn 130 năm trước (năm 1893), Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải (1850-1933) là một đại thần triều Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam cho xây dựng một thái ấp rộng 150ha bao trùm 4 làng Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (Láng). Quần thể này gồm nhiều dinh thự, đền thờ, lăng mộ... với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Và được đặt tên là Thái Hà Ấp. Theo các nhà nghiên cứu, Thái Hà là lấy hai chữ của Đông Thái (làng Đông Thái, Hà Tĩnh - quê Hoàng Cao Khải) và Hà Nội ghép lại với nhau.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Ảnh khu vực Thái Hà Ấp được người Pháp chụp năm 1895

Một phần đất của ấp dành cho các quan lại ở các tỉnh xây biệt thự làm chỗ đi về, và dành cho công chức cấp cao của Hà Nội muốn tìm chỗ ở riêng cho tĩnh mịch. Hoàng Cao Khải khuyến khích các quan lại, chủ yếu là các quan tỉnh giầu có mua đất và xây nhà trong ấp thành một khu cư dân quý tộc. Ông còn khuyến khích dân chúng làm nhà ở xung quanh chùa Đồng Quang ở dưới chân gò Đống Đa, dọc hai bên đường cái, thành một đoạn đường phố đông vui, nhộn nhịp, nhất là sau khi trong nội thành các nhà hát cô đầu Hàng Giấy phải giải tán và dọn xuống đây. Ấp Thái Hà nhanh chóng trở thành một thị trấn nhỏ cực kỳ hưng thịnh.

Chính quyền bảo hộ cũng bày tỏ sự ủng hộ công việc của Hoàng Cao Khải nên những năm đầu thế kỷ XX họ đã đặt trong ấp Thái Hà nhiều trụ sở cơ quan như: Phái đoàn thường trực Thăm dò khoa học, Viện Đại lý Pháp, Trường đào tạo y sỹ bản xứ, Trường Thuốc có bệnh viện thực tập nhỏ về sau là Viện chế thuốc tiêm chủng (trước khi xây viện Pasteur Hà Nội)

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Lăng Hoàng Cao Khải xây dựng dựng năm 1893. Ảnh tư liệu

Nổi bật ở Thái Hà Ấp còn tồn tại đến ngày nay chính là khu sinh từ Hoàng Cao Khải và nghĩa địa gia đình họ Hoàng mà người Hà Nội hay gọi là Lăng Hoàng Cao Khải nằm trong ngõ 252 phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Khi còn đương chức, Hoàng Cao Khải lo hậu sự về sau đã cho xây dựng lăng theo kiến trúc chữ "Đinh", dài 8m, cao 6m, ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
KTS Nguyễn Duy Đạt (1869 - 1937) người thiết kế lăng Hoàng Cao Khải

Kiến trúc sư thiết kế lăng Hoàng Cao Khải là ông Nguyễn Duy Đạt (1869 - 1937) quê làng Đào Xá, Thường Tín (Hà Nội). Vào năm 1915, người ta dựng một tấm bia ghi tên KTS Nguyễn Duy Đạt bằng tiếng Pháp bên phía tay trái của lăng mộ, tuy nhiên tấm bia hiện không còn, theo tìm hiểu của phóng viên tấm bia đã bị bỏ đi gần đây vì dòng chữ khắc đã bị mờ.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Tấm bia ghi tên KTS Nguyễn Duy Đạt đã không còn. Ảnh tư liệu gia đình KTS Nguyễn Duy Đạt cung cấp năm 2019.

Bước qua 5 bậc đá được ghép từ những phiến đá xanh cỡ lớn sẽ lên tòa tiền tế. Vật liệu xây dựng công trình này được làm hoàn toàn bằng đá, gồm 14 cột đá tròn đường kính 25cm liên kết với 12 cột đá vuông có cạnh 40 x 40cm đỡ mái. Phần mái đồng thời là trần, được ghép bằng những phiến đá lớn. Nền nhà lát đá xanh. Gian giữa đặt án thờ, hai gian hồi đặt sẵn hai ngôi mộ

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Thềm đá dẫn vào lăng chạm khắc hình rồng.

Phần hậu cung có 4 cột vuông và 4 cột tròn đỡ mái. Trên các đầu cột gắn đầu rồng. Thân cột chạm hoa cúc và các hoa văn hình học. Phần mái được ghép bởi những phiến đá xanh chạm hình hoa sen, chữ Triện. Tại các đầu cột và trần bên trong lăng trang trí họa tiết rồng ngậm ngọc, lá đề, hoa dây... cách điệu với lối chạm nổi tinh tế theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Theo thiết kế mộ của ông bên trái, vợ ông ở bên phải, đều làm bằng đá cẩm thạch trắng, chạm trổ tinh vi, khắc các dòng chữ Hán sắc sảo. Toàn bộ các hạng mục từ mái nhà, trần, các kèo, cột, cho đến nền nhà, các ngôi mộ, bệ thờ, diềm, tường và tượng các vị tướng đứng chầu ngoài sân... đều làm từ đá, chạm trổ công phu với hoa văn cách điệu tinh xảo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc đá của Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX. Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai. Chế tác đá là các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (Thanh Hóa).

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Dãy tượng trước lăng Hoàng Cao Khải do nhiếp ảnh gia Léon Busy chụp năm 1915-1916.

Phía trước lăng mộ có hai dãy tượng gồm: 4 quan Văn, 4 quan Võ cao 1,3m cùng tượng voi, ngựa hiện chỉ còn lại 3 bức tượng do kẻ xấu phá hoại và cả ba đều mất phần chân do quá trình tôn nền xi măng.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Hiện trạng các tượng đá

Khu lăng tẩm của 2 cha con Hoàng Cao Khải - Hoàng Trọng Phu được xem là công trình bằng đá lớn nhất Thủ đô, và lớn thứ hai ở Việt Nam chỉ sau mỗi Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Người Pháp cũng đánh giá đây là một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.

Vào năm 1962, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Di tích cấp quốc gia và Bộ đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9 của phường Trung Liệt tại lăng Hoàng Cao Khải

Tuy nhiên đến nay, công trình đã không còn nguyên bản nguyên nhân chính là tình trạng bị xâm lấn, buông lỏng quản lý. Vào những năm 1960, một số công trình của di tích đã được trưng dụng làm trụ sở các cơ quan: Một số diện tích đất quanh các công trình của di tích đã được chia cho cán bộ, công nhân viên của nhiều đơn vị và đến nay nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, các công trình của ấp Thái Hà xưa hiện bị bao vây bởi các ngôi nhà lộn xộn, lớn nhỏ của các hộ dân.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Hình ảnh "gây shock" được báo chí phản ánh cách đây 7 năm khi một gia đình mấy thế hệ ăn ở sinh hoạt ngay trong lăng mộ vợ chồng Tổng đốc Hoàng Trọng Phu.

Thậm chí, trước đây từng có gia đình mấy thế hệ sinh sống ngay trong lăng mộ gần đó của người con trai thứ là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (1872-1945). Con cháu ông bên Pháp đã phải về Việt Nam phối hợp cùng chính quyền vận động, hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ dân. Để tránh tình trạng tái xâm lấn chính quyền sở tại cho phép đặt trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9 của phường Trung Liệt luôn tại lăng.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải cùng vợ chồng con trai - Tổng đốc Hoàng Trọng Phu năm 1915
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Khoảng sân trước cửa lăng được tận dụng làm bãi gửi xe máy cho quán cà phê gần di tích.
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Vào ngày rằm và mùng 1, lăng mở cửa tự do cho khách vào thắp hương. Theo tìm hiểu của phóng viên, sau 1954 con cháu cụ Hoàng Cao Khải phần lớn đã định cư ở Pháp. Ở Việt Nam chỉ còn bà con họ hàng xa thỉnh thoảng có về thăm mộ cha ông.
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Để "bớt sự lạnh gáy", đội tuần tra cho che chắn tạm bợ trước mộ đá Hoàng Cao Khải 1 tấm biển
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Bên phải nhìn từ bên ngoài vào trong là mộ phần Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải được làm bằng đá cẩm thạch trắng, chạm trổ tinh vi, khắc các dòng chữ Hán và tiếng Pháp tên tuổi, chức vụ, ngày mất.
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Bên trái mộ phần của bà Phạm Thị Tố - phu nhân ông Hoàng Cao Khải.

Thờ ơ di tích vì soi xét công tội với người đã khuất?

Nằm cách lăng Hoàng Cao Khải khoảng 30m là khu lăng mộ Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (1872 - 1945). Ngay khi bước chân vào khu lăng mộ chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến tình trạng ẩm thấp, nước dột từ trên trần chảy xuống ngay trước nơi đặt bài vị vợ chồng quan Tổng đốc. Xung quanh là kín đặc tường giáp ranh các hộ dân xung quanh, các khoảng trống được chắp vá cho bịt bằng gạch đặc, các góc tường xung quanh nước chảy dọc lênh láng từ trên xuống dưới. Để hạn chế dột người ta phải cho để tạm một tấm vải bạt trên trần.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Lăng mộ Tổng đốc Hoàng Trọng Phu nhìn từ bên ngoài
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Ban thờ đặt bài vị vợ chồng Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Miếng bạt treo lên trần để hạn chế dột đã nhiều năm nay không được thay thế.
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Do bị ngấm nước lâu năm tường đá chuyển sang màu đen, rêu mốc.
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Nước trên trần chảy dọc tường khiến lăng mộ vô cùng ẩm thấp.
Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Mộ phần Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.

Thời gian gần đây có nhiều bài viết đánh giá về những đóng góp của ông thay vì những chỉ trích trước đây là người thân chính quyền thuộc địa. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến Di tích không được quan tâm trong nhiều năm qua.

Dựa trên những tư liệu có được chúng tôi xin phép đề cập lại một số vấn đề để độc giả hiểu và có cái nhìn khách quan hơn về Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Trong thời gian ông làm Tổng đốc Hà Đông hơn 30 năm trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến lúc đó, ông là người có tinh thần dân tộc, cùng với anh trai là Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định) đều âm thầm hỗ trợ Phong trào Đông Du giai đoạn 1905-1908, một hình thức xây dựng lực lượng cách mạng những năm đầu thế kỷ XX. Ông còn hướng đến việc kinh doanh nghề thủ công truyền thống, chấn hưng kinh tế, Phật giáo và khai mở dân trí cho người dân Hà Đông, Hà Nội. Những đóng góp của ông không chỉ tác động vào phương diện kinh tế mà còn tác động nhất định vào phương diện chính trị của Việt Nam thời kỳ đó.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Tổng đốc Hoàng Trọng Phu trong một buổi tham gia tế lễ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào thập niên 20, thế kỷ XX.

Triển lãm Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898 - 1954 đang được diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ ngày 14/2 - 30/4, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã ghi nhận, cá nhân đóng góp lớn nhất cho công tác trùng tu, bảo tồn Văn Miếu giai đoạn đầu (thập niên 20, thế kỷ XX) chính là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Từ năm 1920, tổ chức EFEO đã đánh giá việc tu bổ Văn Miếu rất rõ: "Công lao chính thuộc về ngài Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông, bởi đã cho triển khai các công việc có quyết định sáng suốt và là người có uy tín đối với người dân. Sự đóng góp quan trọng của ông rất đơn giản là biết chọn lựa sử dụng những người thợ bậc thầy trong nghề thủ công truyền thống…".

Ông cổ súy phong trào chấn hưng Phật giáo tại Bắc kỳ những năm 1930. Ngoài Văn Miếu, ông cho trùng tu các danh thắng như chùa Trầm ở Chương Mỹ, chùa Bút Tháp phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, mở mang xây dựng ấp Thái Hà, chùa Bảo Đài thuộc khu vực Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vẫn còn lưu lại một văn bia để ghi tạc công đức đó.

Hoàng Trọng Phu còn được xem là một doanh nhân đặc biệt nửa đầu thế kỷ XX. Ông đã chọn ngành sản xuất thủ công truyền thống của Việt Nam để làm giàu không chỉ cho bản thân mà còn cho người dân bản xứ. Tình yêu với nghề thủ công Việt Nam đã thúc đẩy Hoàng Trọng Phu tiến bước vào thương trường đầu thế kỷ XX, để rồi từ đó đưa thương hiệu hàng thủ công Việt Nam ra thị trường thế giới. Ông đã khôi phục các làng nghề cho tỉnh Hà Đông vốn đã nổi tiếng với "the La, lụa Vạn, chồi Phùng". Trong cuốn sách Nghề truyền thống Hà Đông do ông viết đã mô tả chi tiết các làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Đông, toàn tỉnh có 136 ngành nghề với những sẩn phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là ngành tơ lụa, khảm trai, thêu ren. Ông quan tâm phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc trở thành điểm sáng về kinh tế.

Ông đưa sản phẩm thủ công ở Hà Đông đến các triển lãm, hội chợ quốc tế ở Pháp nhằm thúc đẩy quảng bá sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài thông qua các Hội chợ Đấu Xảo thuộc địa, từ đó tạo lập danh tiếng và chỗ đứng cho thương hiệu hàng thủ công Việt Nam trên thị trường thế giới. Mặt khác cũng để tạo cơ hội cho nghệ nhân, thợ thủ công có cơ hội học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời đưa những mẫu mã mới vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Làng nghề Vạn Phúc có đóng góp rất lớn của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Năm 1931 lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và cho đến nay vẫn được ưu chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

Nhiều lần chính ông đã chu cấp tiền cho người Vạn Phúc mang lụa đi tham gia triển lãm ở Paris. Số người đến Vạn Phúc làm thuê ngày càng nhiều. Ông còn chọn các nghệ nhân đưa sang Trung quốc học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật học sơn mài, rồi cả nghề mộc nghề bạc, mở cả bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân La Cả, La Khê.

Vào năm 1938, ông quyết định đưa nhóm cư dân gốc Hà Đông đầu tiên gồm 35 người thuộc các làng chuyên trồng hoa Tây Tựu, Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc ven Hồ Tây lên tàu hỏa vào Đà lạt. Nhóm cư dân này hầu hết là những nông dân khỏe mạnh, quen nghề làm vườn, được huấn luyện thêm phương thức canh tác của châu Âu, được hỗ trợ vay tiền của Quỹ tương trợ. Ấp được đặt tên là Hà Đông để tưởng nhớ về cố hương.

Một góc làng hoa Hà Đông tại Đà Lạt ngày nay
Một góc làng hoa Hà Đông tại Đà Lạt ngày nay

Diện tích đất khai phá ban đầu ở ấp Hà Đông chỉ từ vài chục ha lên hàng trăm ha, bà con vừa xây dựng nhà cửa vừa trồng trọt các loại rau hoa mang từ Hà Nội vào. Từ năm 1941, ấp Hà Đông bắt đầu làm ăn phát đạt nhờ nghề trồng hoa và rau xanh. Cuối năm 1941, có tất cả 28 gia đình ở ấp Hà Đông, tổng số 100 nhân khẩu. Việc thành lập ấp Hà Đông tạo tiền đề cho hoạt động sản xuất trồng rau và hoa của Đà Lạt sau này.

Ngoài những đóng góp trên ông còn tham gia các hoạt động chính trị xã hội khác như thành viên Hội đồng quản lý Hội Khai trí Tiến đức, Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Bản xứ Bắc Kỳ... Do có nhiều công lao với Nam triều, ông được phong Đại học sĩ Võ hiển điện, hàm Thái tử Thiếu bảo, nên còn được gọi là cụ Thiếu Hà Đông.

Những điều trông thấy tại di tích lăng mộ đá cha con vị đại thần triều Nguyễn
Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu cùng vợ con chụp năm 1920.

Trở lại với câu chuyện về một di tích xếp hạng có khả năng thành phế tích được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua. Nhưng thực tế cho thấy chưa có nhiều động thái tích cực từ các cấp liên quan. Thiết nghĩ cần phải nhanh chóng trả lại giá trị vốn có của công trình, dù chỉ cần nhìn nhận ở phạm vi một di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và tạm gác lại sự phán xét công - tội với những người đã nằm xuống...

Minh Châu - Minh Đức