Tại sao chỉ tin vào những cái ảo?

09:12 | 23/01/2016

671 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một bộ phận người Việt luôn mặc định “lỗi này là do người khác tạo ra”. Nguyên do của câu chuyện cũng chỉ vì không có ai chịu nhận mình xấu, không có ai chịu nhận mình sai…  Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Thị Minh Thái và nhà viết kịch Chu Thơm về vấn đề này. 

PV: Những ngày gần đây hoa hậu trở thành đề tài hot chưa từng thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi bị loại, có rất nhiều ý kiến đổ lỗi, nào là ban tổ chức thiên vị, nào là bị “chơi xấu”, cuộc thi mang màu sắc chính trị... Ông, bà nghĩ thế nào về điều này?

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: Việc dư luận xã hội quan tâm đến các cuộc thi nhan sắc cũng là xu hướng chung. Người Việt vốn trọng tự tôn dân tộc nên không chỉ riêng cuộc thi nhan sắc mà các cuộc thi khác trên đấu trường quốc tế đều rất được quan tâm. Cũng phải thừa nhận rằng, có quá nhiều cuộc thi nhan sắc, rồi cũng có bàn tay của truyền thông trong việc này mà cảm tưởng như cả xã hội… phát sốt.

tai sao chi tin vao nhung cai ao
PGS Nguyễn Thị Minh Thái

Nhưng tôi đồ rằng, đó chỉ là bề nổi. Tôi không rõ truyền thông dựa trên những tiêu chí cụ thể nào để đánh giá, nhưng rõ ràng một “cơn sốt” lan truyền kỳ vọng tưởng như chiến thắng thuộc về ta đến nơi. Tung hô bao nhiêu, kết quả đem về thất vọng bấy nhiêu. Tất nhiên, khi lỡ đưa ra rồi mà không được như mong đợi thì người ta sẽ kiếm cớ biện minh. Những lý do như bạn nói, cũng hợp lý thôi, bởi đừng mong rằng người đẹp nhận ra rằng mình thấp kém. Tại sao lại phải nhận mình thấp kém nhỉ? Khái niệm này không có trong từ điển của họ. Nói rộng ra là người Việt nói chung ít khi nhận lỗi về mình. Đại diện cho sắc đẹp thì lại càng không.

Nhà viết kịch Chu Thơm: Đó là bệnh cuồng hoa hậu vô lối khi gán cho hai cô gái đi thi Hoa hậu hoàn vũ 2015 sứ mệnh lớn lao là mang “tinh thần dân tộc, niềm tự hào Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam trên bản đồ nhan sắc và để phát triển ngành du lịch” rồi kêu gọi bình chọn cho họ để gây áp lực với Ban Tổ chức cuộc thi mà không nghĩ rằng, đó là cuộc thi nhan sắc mang nặng tính giải trí do một công ty tổ chức, để quảng bá thương hiệu, hướng tới lợi nhuận. Nói ngắn gọn đó là cuộc thi “bốc mùi” tiền. Những cuộc thi kiểu này cũng như các cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ thu hút không ít các cô gái coi đi thi, tìm kiếm danh hiệu là một nghề, là khát vọng đổi đời, thậm chí nhiều cô còn đi thi “chui” để một khi đã có danh hiệu tên tuổi sẽ được google biết đến, sẽ dễ dàng bước chân vào giới thượng lưu, vào showbiz, đi tới các sự kiện sẽ được chào đón như những ngôi sao sáng của làng giải trí và được nhận cát-xê “khủng”.

Người ta còn ca ngợi cả cái váy giá tiền tỉ của hai cô thí sinh người Việt, cứ nghĩ rằng nhờ mặc cái váy đắt đỏ ấy các cô ấy có thể ẵm vương miện hoa hậu hoàn vũ  mà quên mất trên đất nước mình giờ đang có bao nhiêu đồng bào nghèo đói, trẻ con ở vùng cao không có áo mặc, dép đi, cơm không có thịt… Cái kiểu đưa tin, bình luận ấy chẳng khác nào dao cùn cứa thêm vào cái rét cắt da cắt thịt của những người nghèo đang chịu cảnh đói khổ. Thật quá lạ lùng, không ít người nghĩ rằng hành động ủng hộ tốt để hai cô thí sinh kia của họ là yêu nước, để hai cô đoạt danh hiệu hoa hậu và sẽ mang về cho đất nước nhiều nguồn phúc lợi, Tổng cục Du lịch sẽ gặt được mùa vàng bội thu. Vì vậy, khi thấy hai cô trắng tay, họ mạt sát Ban Tổ chức cuộc thi, chơi xấu, xử ép và mang màu sắc chính trị. Lạ một cái là cả hai cô thí sinh “người trong cuộc” cũng không hề có ý kiến gì, như ngầm coi mình là nạn nhân thực sự.

Chúng ta đang mắc bệnh tự túm tóc mình kéo lên, rồi trở thành người mắc bệnh hoang tưởng về sự vĩ đại của mình. Vì vậy, nhiều khi coi những lời khen mình là chân lý mà không nghĩ người ta khen thật hay mỉa. Tôi còn nhớ sau năm 1986, khi ta mới tìm được dầu mỏ có người đã ví von rằng, nếu trữ lượng dầu mỏ của Mỹ là con kiến thì của Việt Nam là con voi. Thế mà bao nhiêu người “giàu trí tưởng bở” đã hả hê nghĩ đất nước mình sẽ là vương quốc dầu lửa. Chưa hết, thời chúng tôi còn nhỏ được nghe một số ông cán bộ nói rằng: Trái cây của Việt Nam ngon nhất thế giới, chả thế mà các nước xã hội chủ nghĩa gạ đổi một nải chuối lấy một cái máy cày. Thế mà khối người cũng tin. Sở dĩ có tất cả những chuyện đó là bởi chúng ta không tự tin vào mình nên mới tin vào những cái ảo.

Chính vì không tự tin nên rất nhiều người sống bằng phép thắng lợi tinh thần, gán cho tinh thần sức mạnh vĩ đại, sau một đêm ngủ dậy đất nước sẽ hóa thành một con rồng châu Á. Vì vậy, họ không hiểu thể trạng nhỏ bé vai xuôi và chân không dài, phong thái nhẹ nhàng có phần e lệ; bản chất vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam là “vẻ đẹp tiềm ẩn, lặn vào trong”. Cái duyên của họ là duyên thầm, đến nỗi người phụ nữ Việt xưa, ai có máu loạn cũng phải cố nuốt vào trong, cười không phô răng hở lợi. Thể trạng và phẩm chất ấy nói rằng, Việt Nam không phải đất nước sản sinh ra hoa hậu, hoa hậu chưa phải là cuộc thi dành cho người Việt và các cô gái  Việt khó có khả năng đạt giải cao trong các cuộc thi hoa hậu quốc tế, khi đọ cùng với các cô gái châu Âu, châu Mỹ, nơi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp đã có truyền thống lâu đời. Vì vậy, dù chúng ta nhà nhà, người người ủng hộ trên các phương tiện truyền thông thì vương miện Hoa hậu hoàn vũ vẫn cứ ở xa vời, như dù có hàng vạn, hàng triệu chữ ký ủng hộ đội bóng đi thi đấu quốc tế thì đá kém vẫn cứ thua. Bởi vì, những thứ đó chỉ mang yếu tố tinh thần không thể giúp người ta mạnh lên nếu không biết tự hoàn thiện mình.

tai sao chi tin vao nhung cai ao
Hoa hậu Phạm Hương, Lan Khuê

 PV: Vậy mới nói một bộ phận người Việt mặc định “lỗi này là do người khác tạo ra”. Ông, bà nghĩ gì về việc này?

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: Đúng rồi, tôi nói đó là bản chất.

Nhà viết kịch Chu Thơm: Đó là một căn bệnh cũng bắt nguồn từ việc không biết mình là ai, người đối thoại, giao tiếp với mình là ai nên ảo tưởng rằng mình có thể làm được hết mọi thứ cho nên cứ cắm đầu mà làm, không cần tham khảo ai, sợ người ta chê mình dốt. Nên mới xảy ra nhiều chuyện, ví như vụ tàn sát 6.500 cây xanh ở Hà Nội vừa qua, chuyện lấp sông Đồng Nai, chuyện ngay giữa thủ đô để cho một tòa nhà xây cao vượt gần 20m so với thiết kế. Rồi lại tới chuyện cấm lên mạng xã hội bình phẩm về lãnh đạo… Khi bị báo chí phê bình thì bao biện, đổ lỗi cho cấp dưới lộng quyền làm bậy và “thí tốt”. Lạ một điều là mấy kẻ cấp dưới lộng quyền cho cưa máy cưa hàng nghìn cái cây rầm rầm suốt một tuần mà lãnh đạo không biết, cái nhà xây sai thiết kế to lù lù mà lãnh đạo không nhìn thấy…

Nhưng lạ hơn khi “những con tốt bị thí” cũng lại ngậm miệng, nhẫn nhục nhận về mình những tội động trời mà không dám đấu tranh. Hay là họ nghĩ như vậy là hành động “Lê Lai cứu chúa” mà không phân biệt được Lê Lai cứu Lê Lợi là hành động của bậc tôi trung, còn họ đứng ra nhận lỗi thay cho thủ trưởng làm càn đó là ngu trung để rồi lần sau ông thủ trưởng đó lại tiếp tục làm càn như ký một quyết định lấp hồ, rồi khi bị phát hiện làm bậy sẽ cãi bay cãi biến, bảo cái văn bản đó sai do cấp dưới không hiểu ý hoặc đánh máy sai.

PV: Vì sao lại như vậy, thưa ông, bà?

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: Không phải đến bây giờ, mà đã rất lâu rồi người Việt chúng ta có những tật xấu ấy. Tôi hiểu bạn đang muốn nói đến văn hóa nhận lỗi của người Việt nhưng bạn đừng hy vọng sẽ có văn hóa ấy trong sự phát triển của chúng ta. Bởi trước nay, trong quá trình phát triển như đã thấy nó vẫn ẩn chứa cái căn tính nông dân.

Khi nói về thói hư tật xấu của người Việt, ông Trần Quốc Vượng có nói đó là căn tính nông dân rồi. Và nó trở thành bị kịch của sự phát triển. Cái thói “Chân mình còn lấm bề bề, lại còn đốt đuốc mà rê chân người” nó đã trở thành cố hữu. Trong khi đó, đại bộ phận người Việt lại rất biết cách AQ. Ở một khía cạnh nào đó nó là lạc quan, nhưng ở góc khác nó lại là biện hộ. Tâm lý của đại bộ phận người Việt là thế này, gặp một trường hợp nó chửi đổng mình chẳng hạn thì trong đám đông ấy ai cũng nghĩ: Chắc nó trừ mình ra… Đấy nên cái lý do không đoạt giải là bởi yếu tố khách quan bị chèn ép, bị chơi xấu… thì cũng không lấy gì làm lạ.

Nhà viết kịch Chu Thơm: Đơn giản lắm, 90% dân số Việt là nông dân. Bao nhiêu người trong số chúng ta ở kẽ móng chân, móng tay vẫn còn dính bùn. Có câu: “Yếu thì đừng có ra gió”. Thế mà có những người đang yếu đã vội mở toang cửa nên bị gió ùa vào đến tối tăm mặt mũi, nên bị choáng, thậm chí còn bị đột quỵ. Một anh nông dân suốt ngày đi cày theo con trâu, tâm lý kiểu thuần nông bỗng tự nhiên một ngày lại ào ra thế giới phẳng, nơi có những con chíp rất nhỏ trong một bộ vi xử lý điều khiển được cả mạng lưới giao thông của cả một thành phố lớn, vì vậy bị mất bình tĩnh nên mất tự chủ, không kiểm soát được mình nên bị sẩy chân, sẩy miệng là chuyện tất nhiên.

tai sao chi tin vao nhung cai ao
Nhà viết kịch Chu Thơm

Các cụ nói: “Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe” nhưng khổ nỗi, căn bệnh của những kẻ dốt lại là không biết mình dốt chính, vì vậy rất thích “chém gió” khoe mình hay, mình giỏi theo kiểu “Điếc hay nghe, què hay hóng” nên bị người đời nhận ra ngay chúng “kêu to vì rỗng”.

Tất cả cũng là vì kém hiểu biết lại mắc bệnh thích thể hiện mà thôi.

  PV: Việc khó nhận lỗi này của người Việt sẽ gây ra những hệ lụy gì thưa ông, bà?

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: Nó kéo lùi sự phát triển của xã hội, nói đúng là bi kịch của sự phát triển, căn nguyên của sự chậm tiến. Tại sao người Việt ít, thậm chí chả bao giờ tự thừa nhận nhược điểm của mình? Nó nằm ở đâu, đó là ở căn tính nông dân.

Người Việt vốn là một dân tộc thuần nông. Trước đây 90% dân số là nông dân, số người làm nông nghiệp áp đảo. Đến giờ vẫn vậy, khoảng 70% thì những căn tính nông dân ấy nó còn giữ nguyên. Trong lộ trình phát triển, chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp tới xã hội hiện đại, với mục tiêu khác hẳn: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa… thì người Việt vẫn giữ những tính nết thâm căn đó.

Không cần nói đâu xa, ngay cách ứng xử với cái ăn cái uống, hành vi ứng xử lấn át. Rất nhiều những hiện tượng xã hội trở thành nỗi đau nhức nhối. Gần đây nhất là việc hàng nghìn người vui xuân đón tết dương lịch đã “san phẳng” những bồn hoa ở Hồ Gươm. Chúng ta cứ chơi đi, cứ sướng trước đi đã… để mặc ngày mai, chỗ chúng ta đứng là bãi hoang tàn, là rác rưởi ngập ngụa. Tại sao lại như vậy?

Còn nữa, những hiện tượng mà báo chí đã đưa rất nhiều, người Việt chen chân ăn miễn phí, tắm miễn phí… Để rồi hậu quả là người nước ngoài người ta phát khiếp. Đi du lịch Thái Lan, có thấy xấu hổ không khi người ta viết bằng tiếng Việt đàng hoàng rằng: Người Việt hãy lấy đủ thức ăn, nếu lấy mà bỏ thừa thì sẽ bị phạt. Rất nhiều nơi ở nước ngoài đã làm thế với người Việt. Có đau buồn không?!

tai sao chi tin vao nhung cai ao

Tâm lý người Việt là cứ thích “của trời cho”, không mất tiền, được cho không là thích. Chúng ta ở thời đại nào rồi? Tại sao lại vẫn hành xử như vậy?

Một cái nhìn tổng thể từ ứng xử văn hóa của người Việt hôm nay, phải thấy rõ và xót xa về một sự thật: Ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên trong cái ăn, cái mặc, đi lại, đến lối sống đã và đang hiện diện nhiều thách thức về thói xấu. Rồi cách ứng xử văn hóa với môi trường xã hội Việt hiện đại - bắt đầu từ ứng xử gia đình đến quan hệ xã hội, từ xã hội trong nước đến nước người đều nảy sinh vấn đề… Mà tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần phải cấp bách sửa đổi, rút kinh nghiệm. Nếu không, chúng ta vẫn sẽ mãi giẫm chân tại chỗ, thậm chí là đi giật lùi. Không ngẫu nhiên, Nguyễn Văn Vĩnh - một học giả Tây học ở Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX đã rất sốt sắng chủ trương dùng báo chí chữ Quốc ngữ để xét soi tật xấu của người Việt, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển văn hóa văn minh mới cho người Việt.

Cũng không phải ngẫu nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh phải trăn trở nghĩ suy về việc giải mã sức mạnh mà ông thấy luôn kề cận với những hạn chế, yếu kém của chủ thể nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, đã bao lâu rồi chúng ta phát triển được gì? Giá trị văn hóa truyền thống chúng ta có không? Nếp sống đẹp chúng ta có không? Có chứ, rất nhiều. Thế nhưng chúng ta không phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, còn những cái xấu cần triệt tiêu thì vẫn mãi là cố hữu. Vì sao ư? Vì có ai chịu nhận mình xấu, có ai chịu nhận mình sai. Mà không sai, cố hữu bảo thủ thì làm sao mà sửa? Đấy, tất cả những thứ đó đang kéo chúng ta đi xuống.

Nhà viết kịch Chu Thơm: Là vì chúng ta không hiểu mình và không hiểu người. Vì vậy nên mới có chuyện mấy anh cầu thủ bóng đá, mấy cô ca sĩ, người mẫu mang ôtô tiền tỉ ra khoe, thậm chí đồ đi thuê cũng nói là của mình, vào nhà đại gia chụp ảnh rồi xưng xưng nói là nhà mình. Rồi kể đám cưới tổ chức rình rang tốn bao nhiêu tỉ, dàn xe đón dâu loại gì trưng hết lên trên mạng. Mua cái giường mấy tỉ bảo như vậy để thể hiện với thế giới, rằng người Việt rất giàu và rất chịu chơi.

Hay như giới giải trí cứ tự bốc nhau là “danh hài”, là “diva”, là “ông hoàng nhạc Việt”. Nếu theo thuật ngữ âm nhạc thế giới cũng như Việt Nam ngày nay, diva được dùng để tôn vinh những nữ ca sĩ, nam ca sĩ có giọng hát tuyệt vời, sự nghiệp lâu năm, vững bền, tạo nên được một trường phái âm nhạc riêng và có sức ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật của quốc gia mà người đó đã và đang hoạt động hay rộng hơn là trên toàn thế giới thì nước ta chưa có ai được vinh danh là “diva”, “ông hoàng nhạc Việt”. Vậy mà các “diva”, “ông hoàng nhạc Việt” khi đi biểu diễn cho người Việt đang lao động hợp tác hoặc định cư ở nước ngoài lại cứ nói lấp lửng “Đi biểu diễn ở nước ngoài”. Cứ làm như họ được các tổ chức âm nhạc nổi tiếng ở nước ngoài mời vậy.

Nói thế để thấy, cái việc không nhận ra mình là ai khiến cả xã hội cứ như sống ảo. Chúng ta luôn nói rằng, thanh niên bây giờ sống ảo nên đã gây ra nhiều hệ lụy thật nhưng thực tế thì cả xã hội như vậy. Rất ít người trong chúng ta dám dũng cảm đối diện với sự thật  để nhận ra chân giá trị cuộc sống, rồi từ đó răn mình răn người.

PV: Văn hóa nhận lỗi cũng là việc làm thể hiện sự văn minh, ông, bà có nghĩ rằng ngay từ bây giờ chúng ta nên và học ngay thói quen này hay không?

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi đã nói đừng mong, còn nếu được thì tốt quá. Tôi mong rằng, mỗi người Việt phải tự soi lại mình để “Gạn đục khơi trong”. Người Việt mình vốn tinh thần tự tôn dân tộc rất cao. Thế nhưng hành động thế nào cho phải thì dường như chưa có định hướng, cứ hành động theo bản tính “con” rất tự nhiên vậy.

Không phải tất cả nhưng những hiện tượng như trên tôi đã dẫn, nó thực sự làm đau nhói trái tim rất nhiều người Việt khác. Vậy hành động thế nào, giữ thể diện thế nào, đó đâu còn là chuyện của cá nhân.

Nhà viết kịch Chu Thơm: Để làm được việc này, tôi nghĩ cần bắt đầu từ giáo dục. Trước tiên là giáo dục trong mỗi gia đình, rồi đến nhà trường và xã hội. Nhân tố nhỏ nhất là gia đình, phụ huynh hãy biết dạy con tất cả những thói quen ứng xử, hãy biết nhận lỗi khi có lỗi. Nhà trường, hãy gạt thành tích sang một bên, nhận cái còn yếu, vì chỉ khi biết mình còn kém, còn yếu thì mới có khát vọng phấn đấu.

Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi những tật xấu ấy ra khỏi đời sống hiện đại. Hãy làm tốt vai trò định hướng đúng đắn, hãy bắt đầu từ bỏ thói hư tật xấu của người Việt bằng chính tình yêu, khơi gợi những cái đẹp truyền thống trong tính cách người Việt. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể ngẩng cao đầu và tự tin trong cuộc sống và hội nhập quốc tế.

Chỉ có hiểu mình, hiểu người thì mới được sống là chính mình.

PV: Xin cảm ơn!

 

 

Nhóm Phóng viên (thực hiện)

Năng lượng Mới 492

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.