Thi hoa hậu

Văn hóa, trí tuệ hay “3 vòng”?

09:10 | 19/09/2018

487 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một người đẹp da màu của Mỹ đăng quang “Miss America 2018” mà không cần trải qua vòng thi bikini truyền thống gần 100 năm qua. Đó là điều gợi lên nhiều suy nghĩ về các cuộc thi hoa hậu Việt.

"Tôi là Hoa hậu Mỹ thế hệ 2.0 đầu tiên và tôi thực sự muốn nỗ lực hết sức trong năm nay để mang lại nền tảng vững chắc cho tương lai, góp phần thay đổi quan điểm xã hội”, tân Hoa hậu Mỹ, người đẹp da màu Nia Imani Franklin, đã thổ lộ như vậy trong giây phút đăng quang cuộc thi “Miss America 2018” vừa kết thúc vào đêm 10/9 vừa qua. Cô cũng chính là Hoa hậu trong vòng gần 100 năm qua đăng quang không cần trải qua phần thi bikini.

van hoa tri tue hay 3 vong
Tân hoa hậu Mỹ Nia Imani Franklin

Franklin hy vọng, các cuộc thi hoa hậu nên tập trung vào phần thi ứng xử, đó là thước đo chính xác để đánh giá trí tuệ, sự hiểu biết và khát vọng sống của những người đẹp.

Ban Tổ chức “Miss America 2018” đã quyết định bỏ phần thi bikini. Họ cho rằng, các thí sinh không nên bị đánh giá bởi hình thể bên ngoài, đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào chống quấy rối tình dục. Do đó, các thí sinh chỉ tập trung thi trang phục dạ hội, tài năng và ứng xử. Đây là tư tưởng hoàn toàn mới của một cuộc thi nhan sắc tại nền văn hóa phương Tây.

Tất nhiên, việc loại bỏ phần thi bikini ra khỏi cuộc thi “Miss America 2018” cũng vấp phải không ít sự phản đối nhưng cuộc thi vẫn thành công dù lượt xem trên Đài ABC tụt giảm khoảng 30%. Song, con số này không đáng kể so với ý nghĩa mà cuộc thi và thế hệ hoa hậu 2.0 mang lại, như lời của tân Hoa hậu Mỹ nói: “Góp phần thay đổi quan điểm xã hội”.

Ở Việt Nam, nhiều nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn đã từng đưa ra ý tưởng bỏ phần thi bikini ra khỏi các cuộc thi hoa hậu. Họ cho rằng, bỏ phần thi bikini để ưu tiên vẻ đẹp trí tuệ, văn hóa và nhân cách, sau đó mới đến hình thể trong các cuộc thi nhan sắc. Nhưng cho đến nay, ý tưởng đó vẫn chỉ là ý tưởng, các người đẹp của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 vẫn tưng bừng với các màn trình diễn bikini.

“Cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhà thơ Dương Kỳ Anh, từng có phản ứng, đại ý rằng, bỏ phần thi bikini thì không còn là thi hoa hậu nữa; qua phần thi bikini, khán giả sẽ đánh giá được vẻ đẹp toàn diện của người được chọn là hoa hậu...

Dĩ nhiên, có thể việc bỏ hay giữ phần thi bikini cũng sẽ chẳng thể làm thay đổi một cuộc thi nhan sắc tốt hơn hay xấu đi nếu như điều cốt lõi không thay đổi: Tư duy về thi hoa hậu, tiêu chí của một hoa hậu.

van hoa tri tue hay 3 vong
Phần thi “Người đẹp Nhân ái” của Hoa hậu Việt Nam 2018

Lâu nay, các cuộc thi nhan sắc xứ ta hay lấy tiêu chí đẹp ngoại hình làm thước đo quan trọng. Chính vì tư duy đó mà có những vụ lùm xùm về thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ; có những thí sinh chẳng có gì nổi bật ngoài ngoại hình, thiếu kiến thức cơ bản, trả lời những ứng xử ngây ngô, non kém nhưng vẫn đăng quang... Trong khi đó, cơ hội để các người đẹp thể hiện tài năng, trí tuệ của mình qua các phần thi thì không nhiều, hoặc có nhưng chỉ là “cho đủ” chứ không có đầu tư hay coi đó là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn hoa hậu.

Kế đến là phần hoạt động xã hội, phần thể hiện nét đẹp tâm hồn của các người đẹp thì hầu hết các cuộc thi nhan sắc hiện nay đều chỉ làm… qua loa. Trừ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 có hẳn một phần thi lớn mang tên “Người đẹp nhân ái” thì hầu hết các cuộc thi nhan sắc khác đều chỉ tổ chức một vài buổi cho thí sinh ra bãi biển để nhặt rác hay đi thăm, phát quà cho những mảnh đời bất hạnh, người già neo đơn…, chưa đủ để đánh giá về trí tuệ, lòng nhân ái của các người đẹp.

Đó là chưa kể, thông thường các cuộc thi đều có cam kết về trách nhiệm xã hội của hoa hậu sau cuộc thi. Song, phần lớn các hoạt động đó chỉ là… trả ơn cho các nhãn hàng đã tài trợ cuộc thi. Thế nên, có người đã nói rằng, hoa hậu làm được gì cho đất nước mà tổ chức thi lắm thế?

Chúng ta có thể chẳng cần phải học theo Mỹ bỏ phần thi bikini, song nếu như các cuộc thi nhan sắc vốn đang nở rộ hiện nay không có những thay đổi cốt lõi, hướng đến những giá trị về trí tuệ, văn hóa và tâm hồn của các người đẹp thì có lẽ nên đổi tên thi hoa hậu thành thi “3 vòng thân thể”?

Các cuộc thi nhan sắc Việt hay lấy tiêu chí đẹp ngoại hình làm thước đo quan trọng. Chính vì tư duy đó mà có những thí sinh chẳng có gì nổi bật ngoài ngoại hình, thiếu kiến thức cơ bản, trả lời ứng xử ngây ngô, non kém nhưng vẫn đăng quang.
Hoa hậu Việt Nam sẽ không bỏ thi bikini
Các cuộc thi hoa hậu: Có nên bỏ phần thi bikini?
Những cuộc thi hoa hậu “nói không” với bikini

Trúc Vân