Syria điêu đứng với chính sách cấm vận

09:46 | 30/11/2011

490 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ trưởng Kinh tế Syria Mohamad Nedal Alchaar đã phải thốt lên rằng, đất nước ông đang trải qua "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử cận đại Syria", bởi không chỉ tình hình nội chính bát nháo mà còn bởi chính sách cấm vận của Mỹ và châu Âu.

"Chảy máu đến chết”

Những ngày này, chủ đề chính của giới doanh nhân Syria là những hợp đồng bị hủy, giao dịch buôn bán bị đình trệ và công nhân viên bị sa thải hàng loạt. Trong khi đó, các bà nội trợ ca cẩm về chuyện thị trường thiếu sữa, chuyện khan hiếm thực phẩm, và bản tin thời sự nóng hổi mà họ quan tâm nhất chẳng gì khác hơn là việc giá cả leo thang vù vù. Bị vây hãm bởi làn sóng biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad cùng luật cấm vận khắc nghiệt của châu Âu và Mỹ, Syria đang trong tình trạng kinh tế cực kỳ tồi tệ. Nguồn thu nhập từ xuất khẩu dầu trị giá 400 triệu USD/tháng đang bị thiệt hại nặng nề. Nhiều ngành nghề khác cũng lao đao không kém, từ bất động sản đến du lịch (vốn chiếm hơn 10% GDP năm 2010).

Một nhà kinh tế thậm chí nói rằng, Syria đang bị “chảy máu đến chết”. Trong khi đó, Washington lại gầm gừ rằng họ “không muốn thấy” bất kỳ ngân hàng láng giềng nào làm ăn với Syria. Gần đây, Mỹ thậm chí còn phái Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Daniel Glaser đến Jordan, để “truyền một thông điệp rõ ràng đến các ngân hàng về khả năng làm ăn tương lai của họ với Mỹ, nếu không tuân thủ chặt luật cấm vận”.

Từ tháng 7 đến 9/2011, hàng trăm triệu USD tiền gửi trong các tài khoản thuộc hệ thống ngân hàng tư Syria đã được rút ra ào ạt. Để thoát sự bóp chặt từ gọng kìm cấm vận, Syria tìm cách giao dịch với châu Á và châu Phi nhưng nỗ lực trên vẫn chưa đạt kết quả. Giới công nghiệp dầu cho biết, các hãng nước ngoài lớn làm ăn tại Syria như Royal Dutch Shell và Total hiện phải ngưng khai thác, bởi kho chứa đã đầy kín trong khi Syria lại bị cấm bán dầu đến châu Âu, vốn là thị trường chủ lực của họ. Ngoài ra, Royal Dutch Shell và Total cũng bị Damascus ngưng trả tiền, như một cách phản đòn của Syria trước luật cấm vận phương Tây.

Quan hệ Syria với Liên đoàn Arập đã hoàn toàn tan vỡ (trong ảnh là Tổng thống Assad cùng Tổng thư ký Liên đoàn Arập Nabil Elaraby vào thời điểm trước khủng hoảng)

Toàn cảnh, kinh tế Syria đang thật sự điêu đứng. Đồng bảng Syria giảm gần 10% ngoài thị trường chợ đen trong khi tỉ giá chính thức đã được phép tuột xuống đến mức 49 bảng ăn 1 USD so với trước đó là 47 bảng. Tháng 10/2011, Viện tài chính quốc tế dự báo, kinh tế Syria sẽ giảm 6% trong năm 2011 và thêm 3% trong năm 2012. Để cầm cự, Chính phủ Damascus buộc phải mở két kho dự trữ ngoại hối (có khoảng 18 tỉ USD vào trước thời điểm bạo loạn xảy ra vào tháng 3/2011). Thống đốc Ngân hàng Trung ương Adeeb Mayaleh cho biết, Syria đã phải xài 1,2 tỉ USD trong kho dự trữ ngoại hối… Gây ảnh hưởng nặng nhất đối với kinh tế Syria là tình trạng gần như đóng băng của công nghiệp dầu. Bộ trưởng dầu hỏa Sufian Allaw cho biết, sản lượng Dầu Syria đã giảm 20-25%.

Theo báo cáo của Bộ Dầu hỏa Syria ngày 23/11/2011, Syria sản xuất 103 triệu thùng dầu thô – tính từ đầu năm đến tháng 9/2011, trung bình 378.091 thùng/ngày (so với 106 triệu thùng trong 9 tháng đầu năm 2010), trong đó Công ty dầu Syria (SPC) bơm 53% trong tổng sản lượng và phần còn lại là từ các nhà sản xuất liên doanh nước ngoài. Sản lượng khí đốt tăng 10% so với cùng kỳ năm 2010, lên 8,3 tỉ m3 trong 9 tháng đầu năm 2011 (trung bình 30,41 triệu m3/ngày).

Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu quý III của Syria chỉ đạt 240.000 thùng/ngày và chỉ đủ cung cấp thị trường trong nước. Năm 2010, thị trường châu Âu chiếm đến 95% xuất khẩu dầu của Syria (Đức chiếm 32%; Italia 31%, Pháp 11% và Hà Lan 9%…). Cần nói thêm, ngoài Shell và Total, các công ty dầu nước ngoài khác làm ăn tại Syria còn có CNPC của Trung Quốc, ONGC của Ấn Độ, INA của Croatia, Suncor của Canada, Kulczyk của Ba Lan, Stroytransgas của Nga, Triton của Singapore…

Thu nhập từ nguồn dầu Syria chủ yếu nhờ vào thị trường châu Âu

Cục diện ngày càng tồi tệ

Châu Âu và Mỹ đã thọc trực diện vào yếu huyệt kinh tế Syria khi chơi màn cấm vận dầu, vốn mang lại cho Damascus trung bình 3,5 tỉ USD/năm (khoảng 25% doanh thu cho nhà nước). Năm 2010, chỉ riêng Liên minh châu Âu đã tiêu thụ lượng trị giá 4,1 tỉ USD của Syria. Giới phân tích cho biết, việc cấm vận xuất khẩu dầu đã làm Damascus mất 9 triệu euro/ngày! Cần nhắc lại, việc tìm kiếm nguồn dầu tại Syria bắt đầu từ năm 1933 vào thời Pháp thuộc; và công nghiệp dầu Syria bùng nổ năm 1968, khi mỏ dầu thương mại đầu tiên bắt đầu sản xuất. Tuy nhiên, mãi đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước Syria mới xuất khẩu dầu. Không như nhiều người hiểu lầm rằng, Syria có trữ lượng dầu dồi dào khiến phương Tây thèm nhỏ dãi, nước này thật ra là một nhà sản xuất dầu rất nhỏ, chiếm chỉ 0,5% sản lượng thế giới trong thống kê năm 2010. Theo chuyên san Oil and Gas Journal, trữ lượng dầu Syria khoảng 2,5 tỉ thùng (400 triệu m3) – tính đến ngày 1/1/2010; chủ yếu nằm ở phía Đông, tại khu vực

Công nghiệp dầu Syria buộc phải "khóa van" bởi luật cấm vận phương Tây

Deir ez-Zor, giáp giới Iraq. Do không có nhiều nên sản lượng dầu Syria ngày càng ít dần theo đà khai thác, từ đỉnh điểm 610.000 thùng/ngày năm 1995 còn 385.000 thùng/ngày năm 2010. Bởi không có khả năng nội lực kỹ thuật nên công nghiệp dầu Syria lâu nay vẫn dựa vào liên doanh nước ngoài trong đó Shell là một trong những đối tác lâu đời nhất (có mặt từ năm 1949). Với Total, họ hiện diện ở Syria từ năm 1988; tái hợp tác vào năm 2008 với những thỏa thuận mới, đạt được trong chuyến công du của Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy đến Damascus. Một trong những “tay chơi” mới tham gia gần đây (trước thời điểm xảy ra khủng hoảng chính trị) là Gulfsands Petroleum của Anh. Nhiều nguồn tin hành lang đồn đãi rằng, Gulfsands có quan hệ sâu và mờ ám với trùm tài phiệt Syria Rami Makhlouf – anh, em họ của Tổng thống Assad.

Tình hình chính trị bất ổn với tình thế bế tắc nghiêm trọng khiến Syria chịu thêm nhiều cú đấm bồi. Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Do loạt vụ tấn công vào Tòa đại sứ Thổ tại Damascus cũng như hai lãnh sự quán Thổ ở các thành phố Aleppo và Latakia bởi lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad, Ankara đã tuyên bố phản đòn bằng cách hoãn kế hoạch thăm dò 6 giếng dầu tại Syria. Thổ cũng đang “cân nhắc” lại kế hoạch bán điện cho Syria (những người ủng hộ Tổng thống Assad đã nổi giận phản ứng trước việc Liên đoàn Arập treo tư cách thành viên Syria và dù Thổ không thuộc Liên đoàn Arập nhưng Ankara đã “hoan nghênh” nghị quyết trên). Quan hệ láng giềng giữa Syria và Thổ (giáp giới phía bắc) đã trở nên chua như giấm khi Thủ tướng Thổ Recep Tayyip Erdogan liên tục chỉ trích Tổng thống Assad, rằng mình “không còn tin vào chế độ Syria”, rằng nếu Tổng thống Assad cứ nặng tay xử rắn với thành phần đối kháng thì mình sẽ trân trọng đưa Assad vào danh sách những nhà lãnh đạo “uống máu”. Cần mở ngoặc, thái độ “thời sự” của Ankara đối với Damascus thật ra không có gì bất thường, bởi Thổ trước nay vẫn là sân sau của EU (thèm gia nhập EU đến “khao khát”) cũng như là đồng minh Mỹ. EU và Washington đang chống Damascus, không lẽ Ankara không bày tỏ “quan điểm cá nhân” ủng hộ!

Syria đối mặt với những hình thức cấm vận nào?

Ngày 17/5/2011, EU đưa 13 viên chức Syria vào danh sách cấm vận (đóng băng tài sản và cấm đến EU). Ngoài ra, còn có luật cấm vận vũ khí. Các viên chức cấp cao Syria có tên trong bảng phong thần cấm vận gồm Maher al-Assad (em ruột Tổng thống Assad; Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cộng hòa); Ali Mamlouk – chỉ huy Cơ quan Tình báo; Adulfattah Qudsiyeh – Tư lệnh quân báo. Ngày 18/5, Thụy Sĩ loan bố áp đặt lệnh cấm tương tự… Ngày 23/5, EU công bố lệnh cấm vận đối với Tổng thống Assad cùng 9 viên chức cấp cao khác. Hôm sau, Thụy Sĩ loan bố tương tự. Ngày 24/6, EU công bố lệnh cấm vận mới (liên quan 3 viên chức chỉ huy Vệ binh Cộng hòa, gồm tướng Qasem Soleimani, tướng Mohammad Ali Jafari và tướng Hossein Taeb); cấm giao dịch với các công ty – tập đoàn kinh tế Syria, gồm Bena Properties, Quỹ Đầu tư Al Mashreq, Tập đoàn Quốc tế Hamsho và Military Housing Establishment.

Tình trạng bạo động đang đưa Syria đến bờ vực sụp đổ chính trị vô phương cứu vãn

Ngày 2/8, thêm 5 cái tên được đưa vào danh sách đen. Ngoài Bộ trưởng Quốc phòng Ali Habib, còn có tướng an ninh Tawfiq Younes và tướng quân báo Mohammad Mufleh. Ngày 19/8, EU đưa thêm 15 cá nhân và 5 thể chế Syria vào danh sách bị phong tỏa tài sản cũng như cấm visa. Ngày 2/9, EU cấm vận công nghiệp dầu Syria; mở rộng danh sách thêm 7 cá nhân – thể chế. Luật cấm các công ty châu Âu đầu tư mới vào công nghiệp dầu Syria bắt đầu có hiệu lực ngày 24/9; cho phép nhập dầu Syria cho đến ngày 15/11 (đối với những hợp đồng ký trước ngày 2/9). Ngày 24/9, EU áp đặt lệnh cấm vận Tập đoàn Điện thoại di động Syriatel, Đài truyền hình Addounia TV, cùng 3 công ty đầu tư và xây dựng liên quan quân đội Syria. Tháng 10, EU đưa Ngân hàng Thương mại Syria vào danh sách cấm vận. Ngày 15/11, EU đưa thêm 18 cá nhân Syria vào danh sách cấm vận trong đó có Thứ trưởng Nội vụ Saqr Khayr Bek…

Ngày 29/4, Mỹ bắt đầu cấm vận Cơ quan Tình báo Syria cùng hai thân nhân Tổng thống Assad. Lệnh cấm vận bao gồm việc phong tỏa tài sản và cấm giao dịch với doanh nghiệp Mỹ. Ngày 18/5, Washington đưa Assad vào danh sách cấm vận, tương tự phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và nội vụ, tư lệnh trưởng quân báo. Ngày 29/6, Bộ Tài chính Mỹ đưa 4 phân nhánh của các lực lượng an ninh Syria vào danh sách đen, cấm người Mỹ thực hiện bất cứ giao dịch nào với họ. Ngày 4/8, Bộ Tài chính Mỹ đưa Muhammad Hamsho cùng công ty của ông (Hamsho International Group) vào danh sách cấm vận. Ngày 10/8, danh sách cấm vận được mở rộng, bao gồm Ngân hàng Thương mại Syria, Hãng điện thoại di động Syriatel… Ngày 18/8, Mỹ đưa ra lệnh cấm vận mới, yêu cầu đóng băng tất cả tài sản Syria tại Mỹ hoặc phải nằm dưới sự giám sát Bộ Tư pháp Mỹ; cấm công dân Mỹ thực hiện bất kỳ thương vụ đầu tư nào mới với Damascus trong đó có xuất khẩu hàng hóa đến Syria, đồng thời cấm nhập các sản phẩm dầu Syria vào Mỹ. Ngày 15/9, Washington yêu cầu công dân Mỹ phải lập tức rời Syria…

Lư Trung