Sức mạnh của đồng tiền

07:00 | 03/04/2015

1,470 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hơn 5 tháng ký Bản ghi nhớ (24/10/2014) và tính đến hết ngày 28/3, số quốc gia thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã đạt con số 30. Dự kiến con số này còn gia tăng trước khi hết hạn đăng ký vào ngày 31/3.

Năng lượng Mới số 409

Cũng trong ngày 28/3, khi tuyên bố khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2015 (với chủ đề Tương lai mới cho châu Á: Hướng tới cộng đồng chung vận mệnh), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch hành động để thực hiện dự án “Con đường tơ lụa” mới trị giá 40 tỉ USD, đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng ký hiệp ước hữu nghị với các nước láng giềng nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho quan hệ song phương, cũng như thịnh vượng và ổn định trong khu vực. Và thông qua diễn đàn Bác Ngao năm nay, Bắc Kinh tiếp tục làm rõ tham vọng của “Con đường tơ lụa” mới và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” do ông Tập Cận Bình đề xướng. Cùng ngày 28/3, Bắc Kinh đã công bố “Viễn cảnh và hành động nhằm thúc đẩy dự án cùng xây dựng vành đai kinh tế trên Con đường tơ lụa, Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” và trọng điểm hợp tác của dự án “Một vành đai, một con đường” gồm 5 lĩnh vực: Trao đổi chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại thông suốt, nguồn vốn lưu thông và lòng dân gắn bó.

Thủ tướng Australia Tony Abbott

Ngày 29/3, Tân Hoa xã và Hãng Kyodo cho biết, Thủ tướng Australia Tony Abbott thông báo, nước này đã ký Bản ghi nhớ, văn kiện cho phép Australia trở thành thành viên sáng lập AIIB. Động thái này của ông Tony Abbott được đưa ra sau khi Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hoan nghênh sự ra đời của AIIB, đồng thời cho biết, IMF sẵn sàng hợp tác với AIIB. Tân Hoa xã cũng cho biết, Trung Quốc sẽ không nắm giữ bất kỳ quyền phủ quyết nào trong AIIB. Và đây là nhân tố khiến AIIB thu hút được nhiều quốc gia tham gia. Trưởng ban Thư ký AIIB Kim Lập Quần từng tuyên bố, Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước thành viên để tìm kiếm nhận thức chung trong tất cả các quyết định của AIIB và địa vị cổ đông lớn nhất AIIB của Trung Quốc không phải là đặc quyền, mà là trách nhiệm. Trưởng ban Thư ký AIIB Kim Lập Quần cũng cho biết, đã có ít nhất 35 quốc gia sẽ gia nhập AIIB trước thời hạn chót.

Ngày 31/3 là thời hạn chót nộp đơn xin đăng ký tham gia AIIB với danh nghĩa nước thành viên sáng lập, nhưng các nước khác vẫn có thể tham gia AIIB với danh nghĩa thành viên thông thường. Được biết, nhóm G-7 hiện chỉ còn Mỹ và Nhật Bản chưa gia nhập AIIB. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cũng tuyên bố, Tokyo sẽ xem xét việc tham gia AIIB nếu đây là tổ chức đáng tin cậy, đảm bảo các chuẩn mực hợp lý về môi trường và công tác quản trị. Trước đó, Russia Today từng dẫn lời ông Nathan Sheets, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế: “Mỹ hoan nghênh sự ra đời của các tổ chức tài chính đa phương góp phần củng cố sức mạnh của hệ thống tài chính thế giới”. Theo ông Nathan Sheets, việc hợp tác với WB hoặc ADB sẽ hướng AIIB vào vai trò bổ sung thay vì cạnh tranh với các tổ chức này.

Theo giới truyền thông, ngày 28/3, Australia, Nga và Đan Mạch tuyên bố xin gia nhập AIIB. Ngày 28/3, Hãng AFP đã dẫn lời Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov cho biết, Tổng thống Putin đã quyết định Nga sẽ tham gia AIIB. Trong số các nước châu Á tham gia AIIB có Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan, Việt Nam và Maldives.

Hơn 5 tháng trước (sáng 24/10/2014), tại Bắc Kinh, 21 nước thành viên sáng lập đợt đầu, trong đó có Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ, cùng quyết định thành lập AIIB, đặt trụ sở đặt tại thủ đô quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo đó, vốn đăng kí thành lập AIIB là 100 tỉ USD và Trung Quốc sẽ là cổ đông lớn nhất. Khi đó, ông Hamid Sharif, Trưởng đại diện ADB tại Trung Quốc đã tuyên bố, nhu cầu vốn ở châu Á rất lớn, cả WB và ADB hợp lại cũng không thể đáp ứng 5% nhu cầu về vốn cho các nước trong khu vực này.

Và theo thỏa thuận đã ký, ngày 31/3/2015 là thời hạn cuối cùng để quyết định danh sách những nước được công nhận là thành viên sáng lập. AIIB dự định sẽ bắt đầu hoạt động với số vốn tối thiểu 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 40%, Ấn Độ đóng góp 10%, các nước châu Á khác đóng góp 25%, và 25% còn lại sẽ do các nước châu Âu đóng góp.

Theo nhận định của giới kinh tế, AIIB sẽ được kết nối với dự án Ngân hàng khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), với “Con đường tơ lụa” mới được triển khai sang Trung Á và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” và đều nằm trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bởi với 4.000 tỉ USD ngoại hối trong tay, Trung Quốc dường như thừa sức để thực hiện tham vọng này. Ngày 203, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ tuyên bố, AIIB sẽ chính thức thành lập trước cuối năm 2015.

AIIB bị coi là trở ngại đáng kể đối với nỗ lực “xoay trục” của Washington trong việc mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ cho rằng, AIIB được thành lập để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Washington từng khuyến cáo các nước đồng minh nên thận trọng trước khi gia nhập AIIB, nhưng bất thành. Do đó, theo chuyên gia Elizabeth Economy thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, Washington hoặc tiếp tục gây sức ép với đồng minh để họ không tham gia AIIB cho đến khi quy trình vận hành của AIIB được thông qua; hoặc tham gia AIIB - một ý tưởng tốt cho Mỹ bởi Washington có kiểm soát và chỉnh lý nếu chính sách không phù hợp. Nhà kinh tế học Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell cho rằng, cách làm mang tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc có hiệu quả tốt và những tiến triển của AIIB là thắng lợi hiếm thấy của Bắc Kinh trên vũ đài quốc tế. Bởi AIIB đang khiến Âu - Mỹ bất hòa.


Tuấn Quỳnh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc