Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch

08:15 | 05/08/2023

116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để giảm tải áp lực về giao thông, đô thị, góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch… để phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới…

Thực tế, nhiều năm qua, việc nhà máy di dời, cao ốc mọc lên không phải câu chuyện mới tại Thủ đô mà bấy lâu nay đã trở thành “điệp khúc” khiến áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành ngày một gia tăng.

Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch
Áp lực đô thị trở thành điểm nóng của Thủ đô nhiều năm qua - Ảnh minh họa

Không ít các quận, huyện đã trở thành điểm nóng, trước đó, tại Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Đáng chú ý như, Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng…

Chưa kể, thời gian qua, với tốc phát triển nhanh, các đô thị lớn trên địa bàn Hà Nội đối mặt với những thách thức về môi trường, gia tăng dân số, quá tải hạ tầng giao thông... Trong khi đó, quá trình đô thị hóa đã đạt tới điểm bão hòa về không gian tạo ra những thách thức không dễ hóa giải.

Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch
Theo các chuyên gia, để giảm tải những áp lực, thách thức đã và đang đặt ra, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đưa ra cụ thể hơn về các vấn đề xây dựng, quy hoạch - Ảnh minh họa

Từ đó, việc sửa Luật Thủ đô được kỳ vọng sẽ hóa giải được những thách thức, áp lực đã nêu về hạ tầng, giao thông, đô thị tại Thủ đô, góp ý xây dựng Dự thảo Luật này, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình sửa đổi, cần đưa ra cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch,… để phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.

Góp ý vào Dự thảo Luật (sửa đổi), TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách.

“Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ”, TS Chu Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo TS Chu Mạnh Hùng, thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ “trục dọc, trục ngang” để các thành phố thuộc TP. Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, hiện có nhiều yêu cầu phát triển chính đối với hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô như: Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai; phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội quy định chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô…

Để triển khai được các định hướng trên, trước hết, TP. Hà Nội phải giảm khối lượng giao thông ở khu vực nội thành. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trong đô thị, trong đó định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, buýt, BRT; giảm phương tiện cá nhân…

Trong đó, cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; Luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị. Đặc biệt, Thành phố cần hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, Nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Thủ đô…

“Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô…”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Vì sao quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập?Vì sao quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập?
Quy hoạch đô thịQuy hoạch đô thị